Hoà Bình: Nỗ lực tạo môi trường thu hút đầu tư
(VOVTV) - Những công trình, nhà máy, dự án trên địa bàn tỉnh đã và đang được đầu tư xây dựng, hoàn thiện đưa vào hoạt động, giải quyết việc làm, tăng thu nhập không chỉ cho công nhân mà còn cho hàng vạn nông dân, một nắng hai sương nơi vùng nguyên liệu tập trung. Thiên thời, địa lợi, nhân hòa cùng các cơ chế, chính sách hấp dẫn đang chào đón các nhà đầu tư đến với Hoà Bình.
Chia sẻ về công tác thu hút đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hoà Bình cho biết, để tăng cường công tác thu hút đầu tư trên địa bàn, Sở thường xuyên tổ chức thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo Chương trình xúc tiến đầu tư hàng năm được UBND tỉnh phê duyệt. Tham gia các Ban chỉ đạo, Tổ công tác của tỉnh để lãnh đạo chỉ đạo, trực tiếp làm việc với các tập đoàn kinh tế lớn trong nước, các nhà đầu tư tiềm năng, hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Các hoạt động xúc tiến đầu tư tiếp tục được đẩy mạnh, tăng cường công tác phối hợp trong quá trình giải quyết các thủ tục hành chính, thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Đến tháng 10 năm 2022, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có 66 dự án đầu tư được chấp thuận chủ trương đầu tư mới với tổng vốn đăng ký khoảng 32.478 tỷ đồng (bao gồm: 50 dự án được cấp mới ngoài các khu, cụm công nghiệp, 08 dự án được cấp mới trong cụm công nghiệp và 08 dự án được cấp mới trong khu công nghiệp); có 37 dự án được điều chỉnh chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh (20 dự án ngoài khu, cụm công nghiệp và 17 dự án trong khu công nghiệp); có 08 dự án bị chấm dứt hoạt động (04 dự án ngoài khu, cụm công nghiệp và 04 dự án trong khu công nghiệp) và 01 dự án ngoài khu, cụm công nghiệp bị tạm ngừng hoạt động để khắc phục vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
Phân loại các dự án cấp mới theo lĩnh vực đăng ký đầu tư như sau: Có 52 dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp (bao gồm: 24 dự án sản xuất công nghiệp, 03 dự án đầu tư khai thác khoáng sản, 25 dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật nhà ở, đô thị và hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp); 12 dự án đầu tư vào lĩnh vực thương mại - dịch vụ và 02 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Trong số 66 dự án được cấp mới, có 43 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư và 23 dự án được tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu. Đến thời điểm báo cáo, đã có 04 dự án thuộc diện đấu thầu đã được chấp thuận nhà đầu tư thực hiện dự án, 10 dự án đang được cơ quan đăng ký đầu tư thông báo mời quan tâm trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và 01 dự án đang trình phê duyệt yêu cầu sở bộ năng lực nhà đầu tư thực hiện dự án; 08 dự án thuộc diện đấu giá quyền sử dụng đất đang được Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thực hiện các bước tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai.
Lũy kế đến thời điểm tháng 11/2022, tỉnh Hòa Bình có 720 dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách còn hiệu lực hoạt động, trong đó có 37 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký khoảng 608 triệu USD và 683 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký khoảng 180,613 tỷ đồng.
Phân chia theo địa điểm thực hiện dự án: Trong số 720 dự án có 575 dự án đầu tư nằm ngoài các khu, cụm công nghiệp (bao gồm 12 dự án đầu tư nước ngoài và 554 dự án đầu tư trong nước), chiếm khoảng 80% tổng dự án; 40 dự án đầu tư trong nước nằm trong các cụm công nghiệp (bao gồm 11 dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp và 29 dự án đầu tư sản xuất kinh doanh), chiếm khoảng 5% tổng dự án và 105 dự án đầu tư trong các khu công nghiệp (bao gồm 25 dự án đầu tư nước ngoài và 80 dự án đầu tư trong nước), chiếm khoảng 15% tổng dự án.
Theo các lĩnh vực đầu tư chính: Có 498 dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp-xây dựng (bao gồm: 79 dự án khai thác khoáng sản, 292 dự án sản xuất công nghiệp và 127 dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu, cụmcông nghiệp, hạ tầng đô thị, nhà ở); 165 dự án đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ - thương mại (bao gồm: 06 dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh sân gôn, 59 dự án đầu tư xây dựng khu du lịch - nghỉ dưỡng và 99 dự án dịch vụ - thương mại khác), 57 dự án đầu tư vào lĩnh nông nghiệp (bao gồm: 13 dự án trồng rừng, 41 dự án sản xuất nông nghiệp và 03 dự án nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái).
Phân chia theo địa bàn hoạt động của các dự án: Các địa bàn nằm trong vùng động lực của tỉnh có số lượng dự án cao vượt trội so với các huyện, thành phố như: Thành phố Hòa Bình là địa phương có nhiều dự án đầu tư đang hoạt động nhất với 224 dự án, chiếm khoảng 31 % tổng số dự án; tiếp theo là huyện Lương Sơn với 212 dự án, chiếm khoảng 29% tổng số dự án và huyện Lạc Thủy với 74 dự án, chiếm khoảng 10% tổng số dự án. Các huyện còn lại có số lượng dự án ngoài ngân sách khá khiêm tốn, xếp loại các địa phương có số dự án từ cao đến thấp như sau: huyện Lạc Sơn có 41 dự án, huyện Kim Bôi có 37 dự án, huyện Tân Lạc có 34 dự án, huyện Mai Châu có 29 dự án, huyện Cao Phong có 25 dự án, huyện Yên Thủy và huyện Đà Bắc cùng có 22 dự án còn hiệu lực hoạt động.
Có 364 dự án đã hoàn thành chiếm khoảng 51% tổng số dự án (bao gồm 04 dự án đang ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh) và 308 dự án chưa hoàn thành, hiện đang trong giai đoạn thực hiện các thủ tục pháp lý về đất đai, xây dựng, đầu tư thi công xây dựng, chiếm khoảng 42,7% tổng số dự án; còn lại 48 dự án đang trong thời gian thực hiện các thủ tục đấu thầu, đấu giá quyền SDĐ để lựa chọn nhà đầu thực hiện dự án huy định. Trong số 308 dự án chưa hoàn thành, có 63 dự án chậm tiến triển khai thực hiện, chiếm khoảng 8,7% tổng số dự án của toàn tỉnh và 20,5% tổng số dự án chưa hoàn thành.
Đón xuân Quý Mão, hàng loạt dự án đang thi công và chuẩn bị khởi công là con số minh chứng thuyết phục về môi trường đầu tư hấp dẫn của tỉnh Hoà Bình. Các dự án hoàn thành, góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật nông nghiệp, nông thôn, tăng thu ngân sách, tạo việc làm cho lao động địa phương, góp phần xây dựng tỉnh Hoà Bình phát triển xanh, nhanh, bền vững.