Xã hội

Hoà Bình: Nhiều giải pháp nhằm gỡ “nút thắt” trong giải phóng mặt bằng

(VOVTV) - Giải phóng mặt bằng được xác định là khâu khó khăn nhất trong quá trình triển khai dự án. Vì vậy, công tác tuyên truyền, vận động giải phóng mặt bằng được các cấp chính quyền huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình quan tâm để gỡ “nút thắt” trong quá trình triển khai các dự án, công trình trên địa bàn được thực hiện đảm bảo tiến độ.

Tác giả Mùi Sơn / VOVTV
30/06/2022 07:35

Công trình khu đấu giá đất tại khu vực Đồng Vôi, phố Mường Vôi, thị trấn Vụ Bản, huyện Lạc Sơn được UBND phê duyệt với diện tích trên 8 ha. Liên quan đến công trình có 152 hộ dân bị ảnh hưởng, chủ yếu trên diện tích đất nông nghiệp (đất lúa). Ngay sau khi các phương án đền bù, GPMB được phê duyệt, Trung tâm Phát triển quỹ đất đã phối hợp cùng UBND thị trấn Vụ Bản tổ chức tổ chức họp, tuyên truyền, vận động thống nhất xin ý kiến nhân dân về các phương án thực hiện. Đồng thời thành lập tổ công tác, tới tận nhà dân để tuyên truyền, vận động về ý nghĩa, tầm quan trọng của dự án đối với sự phát triển của địa phương.

Hoà Bình: Nhiều giải pháp nhằm gỡ “nút thắt” trong giải phóng mặt bằng - Ảnh 1.

Để gỡ "nút thắt" trong đền bù, GPMB huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình đã có nhiều giải pháp tích cực

Năm 2021, Trung tâm Phát triển quỹ đất đã tham mưu cho UBND huyện Lạc Sơn thực hiện thu hồi đất, bồi thường GPMB cho 27 công trình, dự án. Trong đó, đã hoàn thành công tác bồi thường GPMB cho 16 công trình, với tổng diện tích đất thu hồi là 47,49 ha với tổng kinh phí thực hiện là trên 83 tỷ đồng cho 694 hộ gia đình, cá nhân. Hiện nay đang tiếp tục triển khai công tác bồi thường, GPMB 11 công trình, dự án, trong đó phê duyệt đợt 1 cho 2 công trình, dự án với tổng số tiền gần 10 tỷ đồng. Đối với Dự án Hồ chứa nước Cánh Tạng, tỉnh Hoà Bình (chuyển tiếp từ năm 2019 – dự kiến hoàn thành 2022) đã thu hồi 798 ha, phê duyệt và chi trả cho 1.870 lượt hộ, với số tiền 818,665 tỷ đồng.

Ông Hà Đức Hải – Công ty Thiên Diệu chia sẻ: "Đến nay, chúng tôi đã có 2 công ty đặt tại tỉnh Thái Bình và huyện Vĩnh Bảo (TP. Hải Phòng) đã ổn định đi vào hoạt động trên 6 năm nay. Trước nhu cầu dịch chuyển lao động vùng miền, chúng tôi đã tiến hành khảo sát và nhận thấy huyện Lạc Sơn là một huyện đông dân cư. Đặc biệt khi tình trạng dịch COVID-19 bùng phát đã có gần 20 nghìn lao động đi làm ăn xa muốn được về làm ăn tại quê. Đây cũng là bài toán an sinh xã hội rất lớn.

Xuất phát từ nhu cầu của đối tác khách hàng với công ty, chúng tôi nhận thấy cần phải mở rộng thêm nhà máy tại tỉnh Hoà Bình, nhà máy thứ nhất được đặt tại xã Ân Nghĩa, huyện Lạc Sơn với quy mô sử dụng lao động là 3.000 công nhân dự kiến đi vào hoạt động vào tháng 9 năm 2022 với mức thu nhập bình quân từ 6 triệu đến 7 triệu đồng/ 1 tháng; nhà máy thứ 2 chúng tôi đang đặt tại xã Thượng Cốc, huyện Lạc Sơn với quy mô sử dụng lao động là 2.500 công nhân. Vị trí của 2 nhà máy trên địa bàn huyện Lạc Sơn là khu đông dân cư và nhiều lao động phổ thông từ đó vị trí của 2 nhà máy này sẽ giải quyết được nhu cầu việc làm cho dân cư trên địa bàn và các xã lân cận.

Khi công ty xây dựng nhà máy, chính quyền sở tại hết sức tạo điều kiện, đồng thời hàng tuần, hàng tháng nắm bắt thông tin từ phía công ty có cần hỗ trợ gì không. Được sự quan tâm của các cấp chính quyền, nhận thấy đây cũng là tình cảm và trách nhiệm từ phía chính quyền địa phương quan tâm sát sao, động viên và chia sẻ hỗ trợ giúp đỡ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công ty trong thời gian thành lập dự án cũng như công tác giải phóng mặt bằng."

"Chúng tôi nhận thấy đây là một trong những quan điểm rất phù hợp với các tiêu chí như: Nhu cầu dịch chuyển lao động của xã hội; nhu cầu thực tế của công ty muốn về giải quyết lao động địa phương và người lao động muốn đi làm gần nhà. Hi vọng rằng chúng tôi sẽ tiếp tục nhận được sự giúp đỡ của lãnh đạo địa phương cũng như các cấp các ngành trong thời gian tới", ông Hải nói.

Thực hiện chủ trương thu hút đầu tư của huyện, Trung tâm Phát triển quỹ đất đã hỗ trợ nhà đầu tư trong việc thoả thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại 4 dự án. Trong đó, hoàn thành việc thoả thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất cho 3 dự án, diện tích thoả thuận là 29,61 ha của 52 hộ gia đình, cá nhân với số tiền gần 27 tỷ đồng và 1 dự án hiện đang trong quá trình triển khai thoả thuận".

Hoà Bình: Nhiều giải pháp nhằm gỡ “nút thắt” trong giải phóng mặt bằng - Ảnh 2.

Việc nâng cấp hạ tầng góp phần thúc đẩy phát triển KTXH

Ông Bùi Văn Khánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình cho biết: Nhiều công trình ban đầu triển khai rất khó khăn do nhân dân đồng thuận chưa cao. Rút kinh nghiệm, khi triển khai dự án huyện đã tăng cường đối thoại giữa chính quyền với người dân; công khai tiến độ triển khai thực hiện dự án và trình tự thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Đồng thời thành lập Tổ công tác đến địa phương để tuyên truyền nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân, tháo gỡ giải quyết từng vấn đề còn vướng mắc để người dân hiểu được khi thực hiện giải phóng mặt bằng sẽ được lợi những gì trong tương lai

"Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng là cơ sở tạo quỹ đất sạch và là yếu tố "then chốt" thực hiện mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng, đô thị hoá và thu hút đầu tư. Vì thế các cấp chính quyền xác định GPMB phải gắn với giải quyết chỗ ở, việc làm, đảm bảo người dân có nơi ở mới, nguồn thu nhập mới bằng hoặc cao hơn so với chỗ ở và nguồn thu nhập trước đó. Mặt khác, GPMB phải đồng bộ, công khai, minh bạch, dân chủ, công bằng, khách quan, phù hợp thực tế và tuân thủ quy định của pháp luật, vì mục tiêu chung cho phát triển kinh tế - xã hội", ông Khánh nhấn mạnh.

Trong thời gian tới, huyện Lạc Sơn tiếp tục tập trung chỉ đạo cơ quan, đơn vị tăng cường công tác tuyên truyền, đối thoại với nhân dân, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện, giải ngân các dự án, góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án lớn để nâng cấp hạ tầng góp phần phát triển KT-XH.

Ý kiến của bạn