Tin tức

Hòa Bình: Người trẻ khởi nghiệp thành công trên mảnh đất quê hương

(VOVTV) – Những năm gần đây doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Hoà Bình đã đóng góp nhiều công sức trong việc phát triển kinh tế xã hội. Trong đó phải kể đến những doanh nhân trẻ đã lựa chọn Hoà Bình là nơi đặt chân phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương. .

Tác giả Mùi Sơn / VOVTV
03/12/2021 09:16

Ứng dụng KHCN để khởi nghiệp

Năm 2017, sau gần 10 năm đi làm công nhân ở nhà máy lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi), anh Đinh Đức Chiến (ở khu phố Lạc Vượng, thị trấn Hàng Trạm, huyện Yên Thuỷ, tỉnh Hoà Bình) quyết định nghỉ việc để về quê hương khởi nghiệp, thành lập cơ sở ép dầu Nhàn Xuân, kinh doanh theo hộ gia đình.

Người trẻ khởi nghiệp thành công trên mảnh đất quê hương - Ảnh 1.

Sản phẩm dầu lạc của HTX Nông nghiệp an toàn Yên Thuỷ

Để mở rộng và phát triển mô hình, năm 2019, anh thành lập Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp an toàn Yên Thủy với 12 thành viên, vốn ban đầu gần 1,4 tỷ đồng. HTX do anh làm Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc với ngành nghề sản xuất và kinh doanh như: trồng cây lạc, vừng và các loại cây lấy dầu; bưởi và các loại cây ăn quả có múi; trồng rau các loại; trồng cây dược liệu…

Ban đầu do thiếu kinh nghiệm, thiếu vốn, cách quản lý và cách vận hành máy móc nên anh gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, với lợi thế có trụ sở và xưởng sản xuất tại vùng dồi dào nguyên vật liệu về các hạt chứa dầu như lạc, vừng đen, vừng vàng nên việc thu mua, vận chuyển nguyên vật liệu rất thuận lợi, tiết kiệm được chi phí, ổn định nguồn cung nguyên liệu.

Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên doanh thu của HTX chỉ đạt gần 700 triệu đồng, sau khi trừ chi phí thu lãi khoảng 100 triệu đồng. Với những nỗ lực và ý tưởng khởi nghiệp của mình, sản phẩm của HTX đã được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh, cá nhân anh cũng Chiến được tỉnh tặng bằng khen.

"Trong thời gian tới, tôi mong muốn sẽ kết nạp thêm nhiều thành viên để mở rộng vốn hoạt động kinh doanh, mở rộng quy mô, năng suất của HTX để có thể thu mua toàn bộ sản lượng lạc của huyện, tạo đầu ra ổn định cho bà con, tạo thêm nhiều việc làm cho công nhân, đưa sản phẩm dầu lạc ra thị trường ngoài tỉnh và vươn xa ra thị trường thế giới", anh Chiến nói thêm.

Người trẻ khởi nghiệp thành công trên mảnh đất quê hương - Ảnh 2.

Sản phẩm của HTX đã được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh

Cùng chung khát vọng khởi nghiệp, anh Nguyễn Trung Kiên (SN 1990), Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Độc Lập, xã Độc Lập (T.P Hòa Bình) chia sẻ: Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi làm việc tại Công ty CP bảo vệ thực vật I T.Ư. Trong thời gian làm ở công ty tôi đã được tiếp xúc nhiều với nông dân vùng chuyên canh sản xuất rau, củ tại Đông Anh, Gia Lâm, Mê Linh (Hà Nội). Từ đó, tôi đúc rút được kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao và quá trình liên kết, tiêu thụ sản phẩm.

Trước năm 2016, trên địa bàn xã Độc Lập bắt đầu trồng bí xanh, sau những vụ thu hoạch bội thu người dân nhận thấy bí xanh thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, năng suất, chất lượng bí tốt, quả bí dài, đặc ruột, được người tiêu dùng ưa chuộng. Kiên đã lặn lội tìm đến nhiều chợ đầu mối để tìm kiếm thị trường nhằm tiêu thụ bí xanh giúp người dân quê nhà. Đồng thời, chủ động đến cơ sở sản xuất giống cây trồng là Công ty TNHH hạt giống Nova để tìm kiếm giống bí xanh chất lượng cao về cung cấp cho bà con.

Người trẻ khởi nghiệp thành công trên mảnh đất quê hương - Ảnh 3.

Bí xanh có chất lượng tốt được nhiều thị trường ưa chuộng

Đến giữa năm 2016, anh Kiên xin nghỉ việc tại Công ty CP bảo vệ thực vật I T.Ư về quê cùng bà con nông dân phát triển kinh tế. Từ sự hỗ trợ của gia đình, anh mở 3 cửa hàng cung cấp giống, phân bón. Bên cạnh đó, anh còn hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc bí xanh; tìm kiếm thị trường bao tiêu bí xanh cho người dân.  

Đến tháng 11/2020, dưới sự trợ giúp của Liên minh HTX tỉnh và chính quyền xã, HTX dịch vụ nông nghiệp Độc Lập được thành lập với 10 thành viên. HTX gồm 2 nhóm sản xuất chính là nhóm nuôi dê và nhóm trồng bí xanh. Liên minh HTX tỉnh hỗ trợ 250 con dê sinh sản cho các hộ thành viên gia đình. Ngoài ra, HTX nhận cung cấp hạt giống bí xanh chất lượng cho người dân trong xã và vùng lân cận. Trung bình mỗi năm, HTX cung cấp khoảng 60 nghìn gói hạt giống, tương đương khoảng 1 tạ hạt. Đến nay, thu nhập bình quân của HTX đạt khoảng 2,5 – 3 tỷ đồng/năm (báo cáo tài chính tính từ thời điểm trước khi thành lập HTX – PV).

Hiện, HTX dịch vụ nông nghiệp Độc Lập nhận bao tiêu, thu mua trên 30 ha bí xanh cho nông dân toàn xã, với khoảng 2.000 tấn bí quả/năm. Thị trường tiêu thụ chủ yếu tại các chợ đầu mối ở Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương. Tuy nhiên, vụ bí năm nay, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên giá bí thấp, khoảng 2.000 - 3.000 đồng/kg tại vườn.

Người trẻ khởi nghiệp thành công trên mảnh đất quê hương - Ảnh 4.

Xã viên tham gia trao đổi, chia sẻ kỹ năng trồng bí xanh theo mô hình VietGAP

"Thời gian tới, để giúp nông dân trong xã hạn chế được tình trạng được mùa, mất giá trong sản xuất nông nghiệp, tôi cùng các thành viên trong HTX sẽ nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm, trồng bí theo tiêu chuẩn VietGAP. HTX mong muốn các cấp, ngành hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ đánh giá chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại. Đặc biệt là hỗ trợ kinh phí để HTX xây dựng nhà sơ chế, ứng dụng khoa học công nghệ vào sấy và sản xuất trà Bí đao", anh Kiên nói thêm.

Hỗ trợ tối đa để doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển

Ngoài những điển hình về phát triển kinh tế nêu trên, còn rất nhiều những bạn trẻ, doanh nhân thành đạt đã lựa chọn tỉnh Hòa Bình để xây dựng, phát triển kinh tế với nhiều ngành nghề và lĩnh vực.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hoà Bình, đến năm 2020, tổng doanh thu của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tỉnh ước đạt 49.598 tỷ đồng, thu nhập bình quân người lao động đạt từ 4,5-6,5 triệu đồng/tháng.

Đặc biệt, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển và khuyến khích phát triển doanh nghiệp trên địa bàn, UBND tỉnh Hoà Bình đã chỉ đạo triển khai nhiều hoạt động thiết thực để thực hiện Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như triển khai các cơ chế, chính sách thúc đẩy doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Đến nay, môi trường đầu tư, kinh doanh tại tỉnh đã được cải thiện đáng kể, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong hoạt động khởi nghiệp, kinh doanh.

Thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh; xây dựng Bộ phận một cửa hiện đại ở cấp huyện, cấp xã; xây dựng Cổng dịch vụ công của tỉnh và cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn; tình trạng giải quyết hồ sơ quá hạn theo quy định đã được khắc phục.

Ngoài ra, các sở, ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp tỉnh cũng thường xuyên nắm bắt khó khăn của các doanh nghiệp, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo tháo gỡ, xử lý những khó khăn, vướng mắc, giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất, kinh doanh, nhất là trong thời gian dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Với những chính sách thu hút doanh nhân, doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng như tiềm năng đầu tư của tỉnh Hoà Bình hứa hẹn sẽ trở thành "tiêu điểm" của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp vừa và nhỏ lựa chọn để đầu tư.

Ý kiến của bạn