Tin tức

Hoà Bình: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội

(VOVTV) - Trước yêu cầu cấp thiết phải có nguồn nhân lực chất lượng đáp ứng nhu cầu về lao động cho quá trình phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn mới, tỉnh Hoà Bình đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh.

Tác giả Mùi Sơn - Hữu Hoà / VOVTV
18/10/2021 15:47

Hiện nay, Hoà Bình đang bước vào giai đoạn đô thị hóa nhanh, cơ cấu kinh tế những năm qua có sự chuyển dịch mạnh mẽ, kinh tế dịch vụ và du lịch đang trở thành ngành kinh tế chủ lực đứng đầu trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, công nghiệp chế biến phát triển song hành cùng nền nông nghiệp đang chuyển hướng sản xuất hàng hóa theo hướng công nghệ cao. Với tiềm năng, thế mạnh của mình, Hoà Bình đã và đang thu hút được nhiều dự án đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Trong bối cảnh đó nguồn nhân lực của tỉnh Hoà Bình vừa thiếu lại vừa yếu, đặc biệt tại một số ngành nghề như: Hướng dẫn viên du lịch, nhân viên nhà hàng, khách sạn, cán bộ quản lý điều hành…

Hoà Bình: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội - Ảnh 1.

Sinh viên Trường Cao Đẳng Kỹ thuật Công nghệ Hoà Bình trong giờ thực hành

Trước những "thách thức" đó tỉnh Hoà Bình đã tiến hành sắp xếp mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh theo hướng tinh gọn, hiệu lực hiệu quả. Chỉ đạo cơ quan quản lý nhà nước, các sở ngành liên quan và các huyện, thành phố rà soát, kiện toàn, nâng cao năng lực cho hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Thực hiện sáp nhập, giải thể một số đơn vị hoạt động thiếu hiệu quả hoặc chức năng không còn phù hợp với tình hình, nhiệm vụ mới như: giải thể Trung tâm dạy nghề và giới thiệu việc làm thuộc Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Trung tâm dạy nghề phụ nữ Hòa Bình thuộc Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh; sáp nhập các Trung tâm dạy nghề với Trung tâm Giáo dục thường xuyên tại các huyện thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên theo đúng hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 39/2015/TTLT của Bộ LĐTBXH, Bộ GDĐT và Bộ Nội vụ; rà soát, sáp nhập Trung tâm giáo dục nghề nghiệp Công đoàn thuộc Liên đoàn lao động tỉnh và Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân thuộc Hội Nông dân tỉnh.

Đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 22 cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã được kiểm tra và cấp giấy chứng nhận hoạt động nghề nghiệp (chưa tính các cơ sở hoạt động và tham gia dạy nghề dưới 3 tháng), phân bổ tại 10 huyện, thành phố gồm: 5 trường cao đẳng, 3 trường trung cấp, 10 trung tâm GDNN - GDTX cấp huyện, 2 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 2 cơ sở khác có tham gia đào tạo nghề nghiệp trình độ sơ cấp. Trong đó phân theo loại hình sở hữu có 16 cơ sở công lập, 6 cơ sở tư thục; phân theo cơ quan quản lý có 3 cơ sở do trung ương quản lý, 19 cơ sở do địa phương quản lý.

Hoà Bình: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội - Ảnh 2.

Tỉnh Hoà Bình đã và đang chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội

Công tác tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020 đạt 76.920  người, trong đó: Cao đẳng 1.550 người; Trung cấp 12.042 người; Sơ cấp và đào tạo nghề nghiệp khác là 63.328 lượt người, góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh năm 2020 đạt 56%, trong đó có bằng cấp chứng chỉ đạt 22,6%.

Ngoài ra, hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp theo quy định tại Thông tư số 08/2017/TT-BLĐTBXH. Đến nay đội ngũ nhà giáo phát triển cả về số lượng và chất lượng; các nhà giáo được bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề, kỹ năng dạy học tiếp cận với phương pháp dạy học mới.

Năm 2020, toàn tỉnh có 899 nhà giáo, trong đó có 7 tiến sĩ, 133 thạc sĩ, 469 đại học, 86 cao đẳng, 204 trình độ khác. Đội ngũ nhà giáo ở các trường cao đẳng, trung cấp cơ bản đủ số lượng và tiêu chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ theo quy định. Tuy nhiên, số lượng nhà giáo có tay nghề, bậc thợ cao, có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia chiếm tỉ lệ chưa cao; các trung tâm GDNN - GDTX, đội ngũ giáo viên nghề vừa thiếu vừa yếu do chính sách thu hút còn hạn chế.

Toàn tỉnh hiện có 14 nghề trọng điểm cấp độ quốc gia gồm: công nghệ ô tô; vận hành máy thi công nền; hàn; vận hành cần, cầu trục; vận hành nhà máy thủy điện; chăn nuôi và thú y; công nghệ may - thời trang; lâm sinh; quản trị mạng máy tính; hướng dẫn du lịch; điện công nghiệp; nghệ thuật biểu diễn múa dân gian dân tộc; biểu diễn nhạc cụ truyền thống; biểu diễn nhạc cụ phương tây.

Nghề cấp độ khu vực ASEAN như: điện công nghiệp; vận hành máy thi công nền và thanh nhạc. Các ngành nghề trọng điểm được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cơ bản đảm bảo theo yêu cầu đào tạo nên thu hút người học số lượng ngày càng lớn, tuyển sinh hàng năm vượt quy mô được cấp phép.

Hoà Bình: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội - Ảnh 3.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phát triển tốt sẽ góp phần không nhỏ vào sự nghiệp giáo dục nghề nghiệp của tỉnh

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi còn có nhiều khó khăn như cơ chế chính sách về tự chủ, xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp còn nhiều bất cập chưa thu hút được doanh nghiệp. Các nhà đầu tư chưa quan tâm nhiều đến phát triển giáo dục nghề nghiệp, chưa tạo động lực lớn cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp triển khai tự chủ; doanh nghiệp chưa tham gia sâu vào các hoạt động dạy nghề vào đào tạo nguồn nhân lực; nguồn lực đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp từ ngân sách còn thấp; công tác dự báo nhu cầu nguồn nhân lực trong nước chưa đảm bảo để căn cứ hoạch định chiến lược đào tạo nhân lực cho phát triển kinh tế xã hội của cả nước cũng như địa phương; cơ cấu ngành nghề đào tạo vẫn còn thực hiện trên cơ sở trang thiết bị của các nhà trường sẵn có; chưa chuyển biến nhiều đến đầu tư phát triển các ngành nghề mà xã hội có nhu cầu.

Trong bối cảnh toàn cầu hoá, thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ IV thì việc tăng suất lao động chính là yếu tố có tính quyết định trong lợi thế cạnh tranh phát triển kinh tế- xã hội giữa các quốc gia. Việt Nam đang trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế sâu rộng, đòi hỏi phải có một nguồn nhân lực không chỉ đủ về số lượng mà quan trọng hơn là chất lượng tay nghề ngang tầm khu vực, thế giới, đảm bảo cho chiến lược phát triển đất nước.

Ngoài ra, tình trạng "thừa thầy, thiếu thợ" như hiện nay, nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đã kịp thời đánh giá đúng vai trò, vị trí của giáo dục nghề nghiệp, qua đó định hướng chiến lược phát triển lĩnh vực này lên một tầm cao mới. Vì vậy, việc quy hoạch mạng lưới giáo dục nghề nghiệp cấp quốc gia cũng như địa phương theo Quyết định số 897/QĐ-TTg ngày 29/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ là một yêu cầu cấp thiết.

Để nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng tinh, gọn, hiệu quả tỉnh Hoà Bình đã quy hoạch mạng lưới giáo dục nghề nghiệp là một trong những cấu phần quan trọng trong quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phát triển tốt sẽ góp phần không nhỏ vào sự nghiệp giáo dục nghề nghiệp của tỉnh, qua đó đảm bảo cung ứng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện các chương trình dự án trên địa bàn tỉnh, làm tăng năng suất lao động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hoá xã hội của tỉnh nhà.

Ý kiến của bạn