Hòa Bình: Huyện Lạc Thủy phát triển nông nghiệp chất lượng cao, phù hợp thị trường tiêu thụ
(VOVTV) - Huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình đang từng bước tạo bản sắc riêng trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp bằng những mô hình cây trồng, vật nuôi theo hướng bền vững, hiệu quả, có giá trị, chất lượng cao, phù hợp với thị trường tiêu thụ. Nhiều sản phẩm nông nghiệp được quảng bá, xúc tiến tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử postmark.vn và voso.vn.
Sản xuất theo hướng hàng hóa, đặc sản có giá trị
Huyện Lạc Thủy có dân số hơn 60 nghìn người, sinh sống ở 8 xã và 2 thị trấn, địa hình xen kẽ trung du và miền núi, nhiều đồi núi đá vôi. Tổng diện tích đất tự nhiên của huyện trên 31 nghìn ha, trong đó, đất sản xuất nông nghiệp gần 7.190 ha; đất lâm nghiệp hơn 14.500 ha; đất nuôi trồng thủy sản là 321,27 ha và đất nông nghiệp khác là 169,5 ha.
Chủ tịch UBND huyện Lạc Thủy Nguyễn Văn Hải, cho biết: Phát huy tiềm năng, lợi thế về khí hậu, đất đai, vị trí địa lí, những năm gần đây, huyện Lạc Thủy đã dành nhiều nguồn lực đầu tư để phát triển ngành nông nghiệp trên cơ sở ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, xác định phát triển nông nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, là ngành kinh tế chủ lực.
Trên cơ sở đó, huyện tích cực vận động nhân dân thay đổi tư duy, tập quán từ sản xuất nhỏ lẻ, truyền thống sang phát triển nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa có giá trị, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường. Từng bước phát triển các vùng sản xuất tập trung có quy mô phù hợp theo hình thức trang trại, gia trại đảm bảo môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Kết nối sản xuất nông nghiệp với chế biến, bảo quản, tiêu thụ theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm có lợi thế.
Để tạo ra các sản phẩm năng suất, chất lượng cao theo hướng hàng hóa, huyện Lạc Thủy còn chú trọng đưa các giống cây trồng chất lượng cao vào sản xuất. Đồng thời, nâng cao kỹ thuật canh tác; ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ; sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; sử dụng các công nghệ như, phun sương tự động, tưới nhỏ giọt, bảo quản sau thu hoạch. Nuôi trồng thủy sản; chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng được thực hiện theo hướng an toàn sinh học…
Theo lãnh đạo phòng NN & PTNT huyện Lạc Thủy, sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện ngày càng đa dạng. Lĩnh vực chăn nuôi đã từng bước chuyển đổi từ nhỏ lẻ, phân tán sang tập trung theo mô hình gia trại, trang trại. Trên địa bàn huyện bước đầu hình thành một số vùng sản xuất theo hướng hàng hóa, đặc sản có giá trị; hình thành các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, tạo ra các chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp, bao tiêu sản phẩm tại địa phương; xuất hiện nhiều mô hình kinh tế gia đình, kinh tế trang trại ứng dụng công nghệ cao. Ngành nông nghiệp đang từng bước tạo bản sắc riêng, khẳng định là hướng đi mới của địa phương.
Ông Ngọ Đình Tâm, Trưởng phòng NN & PTNT huyện Lạc Thủy, cho biết thêm: Ngành nông nghiệp của huyện Lạc Thủy đã và đang chuyển dịch theo đúng định hướng, chủ trương của tỉnh Hòa Bình, theo Nghị quyết, Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện.
Thời gian qua, huyện đã triển khai thực hiện tốt công tác dồn điền đổi thửa gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển từ đất trồng ngô, trồng màu sang trồng cây lâu năm, tạo điều kiện phát triển sản xuất hàng hóa. Hiện nay, diện tích trồng rau an toàn tăng mạnh, trong đó có 2 cơ sở trồng rau công nghệ cao với diện tích 6 ha; cây ăn quả cho giá trị cao phát triển như: Cam, bưởi, nhãn, na, thanh long…; diện tích trồng cây gỗ lớn chiếm khoảng 25% diện tích trồng rừng của huyện. Lĩnh vực chăn nuôi phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng, nhất là một số vật nuôi chủ lực như: Gà Lạc Thủy, dê Lạc Thủy, bò hướng thịt, động vật hoang dã thông thường…
Huyện cũng thực hiện tốt việc quản lý vật tư nông nghiệp, an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn; chú trọng công tác thủy lợi, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Bên cạnh công tác tuyên truyền, các cấp, các ngành trong huyện còn thường xuyên quan tâm hỗ trợ, định hướng việc phát triển các sản phẩm OCOP trên cơ sở lợi thế, thế mạnh của từng địa bàn. Đặc biệt, các hoạt động quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm được đẩy mạnh giao địch trên các sàn thương mại điện tử postmark.vn và voso.vn.
Huyện cũng đã làm tốt công tác quản lý, xây dựng và phát triển thương hiệu bảo hộ các sản phẩm chủ lực của địa phương với 1 nhãn hiệu tập thể "Cam Lạc Thủy", 4 nhãn hiệu chứng nhận: "Gà Lạc Thủy", Na Lạc Thủy", "Dê Lạc Thủy", "Chè Sông Bôi". Tổng số cơ sở đã được cấp sử dụng nhãn hiệu là 96 cơ sở, trong đó có 30 cơ sở chăn nuôi gà Lạc Thủy, 30 cơ sở nuôi dê, 20 cơ sở trồng na, 15 cơ sở trồng cây cam và 1 cơ sở cấp quyền sử dụng nhãn hiệu Chè Sông Bôi. Phát triển 17 sản phẩm OCOP được UBND tỉnh Hoà Bình xếp hạng, trong đó có 4 sản phẩm đạt 4 sao và 13 sản phẩm đạt 3 sao.
Riêng trong năm 2023, huyện xây dựng được 4 sản phẩm OCOP, vượt 2 sản phẩm so kế hoạch, nâng tổng số sản phẩm OCOP trên địa bàn lên 21 sản phẩm.
Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, huyện cũng phát động mạnh mẽ phong trào thi đua điển hình sản xuất nông nghiệp giỏi, sản xuất vụ chiêm xuân, toàn dân tham gia làm thủy lợi… Điển hình là phong trào thi đua "Huyện Lạc Thuỷ chung sức xây dựng Nông thôn mới", toàn huyện đã huy động hàng năm trên 45.000 ngày công thực hiện chiến dịch toàn dân làm giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng, trên 12.000 ngày công thực hiện xây dựng nông thôn mới.... Qua đó, huyện Lạc Thuỷ là một trong ba đơn vị đầu tiên của tỉnh Hoà Bình, được Thủ tướng Chính phủ công nhận Huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020, tại Quyết định số 1401/QĐ-TTg ngày 13/8/2021.
Báo cáo của ngành nông nghiệp huyện Lạc Thủy năm 2023 cũng nêu bật những mục tiêu, chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Cụ thể, lĩnh vực trồng trọt, tổng diện tích gieo trồng của huyện đạt 9.799 ha, đạt 104,6% so kế hoạch, bằng 100,08% so với cùng kỳ. Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 33.105 tấn, đạt 103,1% kế hoạch, bằng 104,51% so cùng kỳ.
Tổng diện tích cây ăn quả hiện có trên 1.444 ha. Trong đó, diện tích cây ăn quả có múi là 1 nghìn ha, chủ yếu là Cam, bưởi; diện tích gieo trồng một số loại quả khác như, Na trên 78 ha, Nhãn trên 143 ha, Thanh long 56 ha, macca 154 ha và diện tích chè xanh là 254 ha.
Tổng đàn trâu bò toàn huyện hiện có khoảng 11.850 con, đàn lợn 61.100 con, đàn gia cầm 1.460.000 con, đàn dê 8.600 con…đều đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Phát triển đàn ong mật cũng là thế mạnh của huyện, có trên 500 hộ nuôi ong với số lượng trên 12.600 đàn, sản lượng ước đạt 136 tấn, bằng 100% so cùng kỳ. Đàn ong tập trung chính tại các xã: Yên Bồng, Khoan Dụ, Đồng Tâm, Thống Nhất, An Bình và thị trấn Chi Nê. Nhiều hộ cũng duy trì chăn nuôi các động vật cho giá trị kinh tế cao như, nhím, lợn rừng và hươu...
Bên cạnh đó, toàn huyện Lạc thủy còn có 605 ha diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản, sản lượng năm 2023 ước đạt 1.115 tấn, đạt 101,3% kế hoạch, trong đó, sản lượng nuôi trồng là 1.013 tấn, sản lượng khai thác tự nhiên là 112 tấn.
Lĩnh vực lâm nghiệp, thời gian qua, huyện Lạc Thủy thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng. Tính đến thời điểm đầu tháng 12/2023, toàn huyện trồng được 1.341,27 ha rừng, đạt 161,6% kế hoạch; tỷ lệ che phủ tự nhiên của rừng đạt 46,72%, đạt 100,04% kế hoạch, bằng 100,04% so cùng kỳ. Trồng cây phân tán đạt 95.500 cây, đạt 102% kế hoạch; trồng thử nghiệm 7,6 ha cây Quế; gieo ươm trên 2 triệu cây keo giống phục vụ trồng rừng sản xuất.
Đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại
Chủ tịch UBND huyện Lạc Thủy Nguyễn Văn Hải, cho biết: Trong năm 2024 và những năm tiếp theo, huyện Lạc Thủy tiếp tục đẩy mạnh phát triển cây trồng, con vật nuôi chủ lực có giá trị kinh tế cao, phù hợp với thị trường tiêu thụ. Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp gắn với xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu…
Mục tiêu hướng đến là phát triển một nền nông nghiệp hiện đại, an toàn, hiệu quả, sản xuất hàng hóa lớn, tập trung, gắn kết chặt chẽ với công nghiệp chế biến, du lịch, thị trường tiêu thụ, bảo vệ môi trường, phát huy lợi thế của từng vùng, đặc điểm xã, thị trấn, phát triển các vùng chuyên canh tập trung. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có trọng tâm, trọng điểm, có chọn lọc chất lượng cao, bảo đảm an toàn thực phẩm dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, cơ giới hoá, tự động hoá. Khai thác lợi thế của địa phương để đẩy mạnh nhóm nông sản chủ lực, sản phẩm OCOP của huyện vào thị trường vùng Thủ đô Hà Nội, các thị trường lớn trong nước và xuất khẩu.
Trên cơ sở đó, huyện tiếp tục tạo chuyển biến trong nhận thức của cán bộ và nông dân trong việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, cơ chế chính sách của Nhà nước hỗ trợ sản xuất, thông tin thị trường, sản xuất hàng hoá... Từ đó, lựa chọn sản xuất loại cây trồng, vật nuôi cho phù hợp; không yêu cầu nông dân thực hiện sản xuất mang tính ép buộc dẫn đến sản xuất ra không tiêu thụ được, hiệu quả kinh tế thấp.
Tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề cho lao động nông thôn; xây dựng các mô hình, mở rộng diện tích trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như cam, bưởi, nhãn, thanh long, chuối hàng hóa; các mô hình chăn nuôi, mô hình trang trại, trồng rừng kinh tế cao...
Huy động nguồn lực thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới; thực hiện hiệu quả liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm.
Đẩy mạnh thực hiện dồn điền đổi thửa ở một số xã để tập trung đất đai, áp dụng khoa học kỹ thuật sản xuất hàng hóa được thuận lợi, góp phần nâng cao năng xuất lao động.
Thực hiện các Chương trình, dự án để hỗ trợ nông dân phát triển ngành nghề nông thôn, gắn sản xuất nông nghiệp với công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ để tận dụng thời gian nhàn rỗi trong nông nghiệp.
Thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất cho nông dân như hỗ trợ thiệt hại do thiên tai, hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật, khuyến nông, khuyến lâm, hỗ trợ giống mới, liên kết tiêu thụ nông lâm sản...
Chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn liền với chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất, xây dựng và điều chỉnh quy hoạch đất nông nghiệp cho phù hợp với quá trình sản xuất.
Thu hút đầu tư để phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Tiến hành lồng ghép các chương trình, dự án để xây dựng cơ sở hạ tầng để tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống, xây dựng nông thôn mới.
Huyện tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, hệ thống thủy lợi, đường nội đồng theo chương trình nông thôn mới.... Chủ động tưới tiêu, đề phòng giảm nhẹ thiên tai, đảm bảo cho sản xuất phát triển ổn định. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Đặc biệt, huyện chú trọng ưu tiên đầu tư vốn và thu hút đầu tư vào các vùng quy hoạch sản xuất cây trồng, vật nuôi hàng hóa, tăng tỷ lệ cơ giới hóa nông nghiệp. Khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn, chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, giảm phát thải khí nhà kính…
Tăng cường đôn đốc, hướng dẫn, tạo điều kiện giúp các cơ sở sản xuất đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án nông nghiệp mang tầm chiến lược, vừa đảm bảo hoàn thành các kế hoạch đề ra, vừa tạo động lực để địa phương phát triển kinh tế - xã hội theo hướng toàn diện, bền vững, hiệu quả, hiện đại.
Phát triển mạnh kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác, trọng tâm là hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp; thúc đẩy liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng. Phát triển đồng bộ, hiệu quả hệ thống kỹ thuật chuyên ngành thú y, bảo vệ và kiểm dịch thực vật, động vật, quản lý an toàn thực phẩm. Quản lý chặt chẽ chất lượng vật tư nông nghiệp, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh.
Huyện Lạc Thủy phấn đấu đến năm 2025, sản lượng nông sản, hàng hóa qua sơ chế, chế biến trên địa bàn huyện đạt trên 30%, với sản phẩm chủ lực như: Chè Sông Bôi, Gà Lạc Thủy, rau công nghệ cao, lâm sản, lâm sản phụ... Sản phẩm nông, lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt ít nhất 20% tổng sản lượng của nhóm nông, lâm sản chủ lực. Có ít nhất từ 2 nhóm sản phẩm trồng trọt đáp ứng được yêu cầu quy mô cung ứng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Tỷ lệ giá trị nông sản được sản xuất theo quy trình sản xuất tốt hoặc tương đương đạt trên 25%. Có ít nhất 50% sản lượng của các sản phẩm chủ lực và sản phẩm OCOP được tiêu thụ tại các siêu thị, hệ thống bán lẻ, chợ đầu mối của vùng Thủ đô Hà Nội và một số tỉnh thành có sức tiêu thụ lớn.
Bằng những giải pháp, cách làm cụ thể, thiết thực, có trọng tâm, trọng điểm, ngành nông nghiệp huyện Lạc Thủy đã từng bước khẳng định được vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh Hòa Bình. Ngành Nông nghiệp phát triển tương đối toàn diện cả về quy mô, chất lượng, cũng như từng bước ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất hiệu quả, khai thác được tối đa tiềm năng, lợi thế đặc thù, nguồn lao động dồi dào, tạo chuyển biến thực chất thế mạnh của từng tiểu vùng sinh thái.
Tin nổi bật
Tin Video