Hoà Bình: Gìn giữ văn hoá dân tộc
(VOVTV) - Là mảnh đất có bề dày truyền thống, mang đậm bản sắc dân tộc và quy tụ nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, tỉnh Hòa Bình vẫn đang thực hiện tốt mục tiêu vừa bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc vừa phát triển kinh tế.
Gìn giữ nét tinh hoa văn hoá
Bản sắc văn hóa là những nét tinh hoa được hình thành trong quá trình lịch sử phát triển của dân tộc, được con người tạo ra và thể hiện qua những cái "riêng" của từng vùng miền gắn liền với sự phát triển kinh tế - xã hội.
Hòa Bình là tỉnh miền núi, có nhiều dân tộc cùng sinh sống. Trong đó, người Mường chiếm trên 63% dân số. Nơi đây lưu giữ nhiều giá trị di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc. Trong tiến trình hội nhập đang dần trở nên mạnh mẽ, việc bảo vệ và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp trở thành nhiệm vụ then chốt, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.
Từ bao đời nay, dệt thổ cẩm đã trở thành nét văn hóa không thể thiếu trong đời sống đồng bào dân tộc Mường, Thái trong tỉnh. Đến những bản Dao dễ dàng bắt gặp hình ảnh các bà, các mẹ ngồi tỉ mỉ thêu những chi tiết hoa văn thì ở các bản làng Mường, Thái lại "níu giữ" du khách với hình ảnh người phụ nữ ngồi bên khung cửi, bằng đôi tay khéo léo cho ra đời những sản phẩm độc đáo. Dệt thổ cẩm - tinh hoa văn hóa dân tộc Mường vẫn luôn được trân trọng gìn giữ và nỗ lực bảo tồn dẫu trải qua những thăng trầm của lịch sử.
Nghề dệt thổ cẩm không biết có từ bao giờ, chỉ biết rằng bao nhiêu thế hệ người con Mường, Thái sinh ra và lớn lên bằng lời ru bên khung cửi, tuổi thơ gắn liền với tiếng kẽo kẹt đạp chân của bà, của mẹ khi se tơ, dệt vải. Khi trưởng thành, dựng vợ gả chồng, người con gái phải tự chuẩn bị cho gia đình chồng mỗi người một bộ váy, áo để thể hiện tấm lòng của cô dâu mới. Chăn, màn, đệm, gối cho phòng tân hôn cũng do người con gái tự tay dệt với ngụ ý rằng, đôi bàn tay khéo léo sẽ biết chăm lo, vun vén cho gia đình êm ấm. Những tấm vải thổ cẩm cứ thế hiện diện trong đời sống và trở thành nét đẹp truyền thống không thể phai nhòa.
Xóm Lục, xã Yên Nghiệp (Lạc Sơn) có HTX nông nghiệp và dệt thổ cẩm truyền thống Lục Nghiệp Thành. Mặc dù do ảnh hưởng của dịch Covid-19, HTX không còn nhộn nhịp, sôi động như trước, nhưng những người phụ nữ nơi đây vẫn tranh thủ khoảng thời gian nhàn rỗi để dệt nên những tấm thổ cẩm đủ kích cỡ. Một phần để sử dụng trong gia đình, phần để mang bán tại các phiên chợ giúp tăng thu nhập.
Bà Dương Thị Bin, Giám đốc HTX cho biết: Hiện nay, HTX có 170 khung dệt với 170 người dệt thường xuyên, chủ yếu là các mẹ, các chị tại xóm Lục và một số xã lân cận như Vũ Bình, Tân Mỹ, Ân Nghĩa... Bình quân mỗi năm, HTX sản xuất trên 27.500 sản phẩm thổ cẩm như váy, áo, mũ, khăn… phục vụ nhu cầu người dân trong địa bàn và các vùng lân cận. Trước đây, khi dịch Covid-19 chưa xuất hiện, sản phẩm làm ra được du khách trong và ngoài tỉnh ưa chuộng, thu nhập của chị em ổn định từ 2 - 2,5 triệu đồng/người/tháng.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có một số làng nghề, cơ sở còn giữ gìn và phát triển mạnh nghề dệt như: HTX dệt thổ cẩm và dịch vụ du lịch Chiềng Châu (Mai Châu), HTX nông nghiệp và dệt thổ cẩm truyền thống Lục Nghiệp Thành (Lạc Sơn); làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống xóm Cóm, xã Đông Lai (Tân Lạc)… Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều làng nghề cũng lao đao.
Dịch bệnh đã, đang tác động đến mọi mặt của đời sống, trong đó ảnh hưởng không nhỏ đến việc tiêu thụ những sản phẩm thủ công truyền thống. Nỗ lực vượt lên khó khăn, bà con duy trì giữ gìn nét tinh hoa thổ cẩm truyền thống và truyền dạy cho thế hệ trẻ. Riêng tại HTX nông nghiệp và dệt thổ cẩm truyền thống Lục Nghiệp Thành, trong 3 tháng hè vừa qua đã dạy nghề dệt cho khoảng 50 học viên từ 16 tuổi trở lên biết dệt cơ bản. Chính quyền các cấp trong tỉnh cũng luôn quan tâm, tạo điều kiện để nghề dệt thổ cẩm được bảo tồn, phát triển.
Quan tâm phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề
Trong những năm qua với sự nỗ lực của các cấp, ngành và các thành phần kinh tế, hộ nông dân trên địa bàn, ngành nghề nông thôn của tỉnh được phát triển về cả số lượng, đa dạng về nghề; giá trị sản xuất và xuất khẩu không ngừng tăng cao qua các năm ở nhiều lĩnh vực như: chế biến nông, lâm, thủy sản (lương thực, gỗ, chè, thủy sản); sản xuất vật liệu xây dựng: gạch, đá xây dựng, đá xẻ); cơ khí nhỏ; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, mây tre đan; dệt thổ cẩm; xây dựng, vận tải và dịch vụ... Ngành nghề nông thôn góp phần giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động ở các vùng nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn (thu nhập bình quân đầu người một tháng ở khu vực nông thôn tăng từ 1 - 2 triệu đồng tháng, năm 2011, đến nay đạt từ 2 – 4 triệu đồng/tháng).
Hiện nay ngành nghề nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh phát triển dưới 3 hình thức: Hộ cá thể sản xuất tiểu thủ công nghiệp, HTX tiểu thủ công nghiệp, Doanh nghiệp tư nhân. Sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn của tỉnh rất đa dạng (khoảng trên 30 loại sản phẩm khác nhau), chủ yếu sử dụng nhiên, nguyên vật liệu sẵn có tại địa phương nên đã khai thác được nguồn tài nguyên sẵn có của tỉnh phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài những sản phẩm truyền thống như dệt thổ cẩm, nấu rượu, làm rượu cần, đan lát hàng mây tre đan, còn có sản phẩm khác chổi chít, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí nhỏ, chế tác đá cảnh, đồ gỗ, đồ gốm sứ... Doanh thu từ ngành nghề nông thôn là: 6.744 tỷ đồng/năm.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Hoà Bình được biết, hiện trên địa bàn tỉnh Hoà Bình có gần 2.000 cơ sở sản xuất kinh doanh ngành nghề nông thôn, trong đó doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn là: 295 doanh nghiệp; Hợp tác xã sản xuất kinh doanh là 110; tổ hợp tác xã là 78 và số hộ gia đình sản xuất kinh doanh gần 10.500 hộ.
Ngành nghề nông thôn của tỉnh đang từng bước chuyển dịch từ quy mô nhỏ mang tính truyền thống sang phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá, phát triển các loại sản phẩm mới có chất lượng cao, được định hướng đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, áp dụng khoa học kỹ thuật công nghệ, có đầu tư về máy móc hỗ trợ sản xuất nên nhiều sản phẩm làm ra đạt chất lượng cao, không chỉ phục vụ thị trường trong vùng mà còn chiếm lĩnh được các thị trường rộng lớn khác trong và ngoài tỉnh.
Trong quá trình xây dựng nông thôn mới hiện nay, có nhiều tiêu chí liên quan đến hoạt động ngành nghề nông thôn như: tiêu chí về lao động, thu nhập, tiêu chí về xã hội, về môi trường, về phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã theo luật HTX năm 2012.... Đây là các tiêu chí có liên quan đặc biệt đến tổ chức phát triển ngành nghề nông thôn. Để từng bước đưa nông thôn phát triển bền vững theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, góp phần xây dựng nông thôn mới cần thiết phải bố trí lại cơ cấu lao động, phát triển ngành nghề nhằm chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn, tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập, giảm hộ nghèo, giảm dần tỉ trọng nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, đưa nhanh công nghiệp phục vụ chế biến nông, lâm, thuỷ sản, xây dựng, cơ khí, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ vào nông thôn.
Thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 13/6/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, về phát triển nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, đã đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 công nhận được 10 nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh.
Đến nay, toàn tỉnh có 11 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận, trong đó có 7 làng nghề truyền thống, 4 làng nghề. Trong đó, có 2 làng nghề thuộc nhóm ngành nghề sản phẩm chế biến (2 Làng nghề nấu rượu); 7 làng nghề truyền thống thuộc nhóm ngành nghề sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, dệt may, thêu ren, đan lát (1 làng nghề truyền thống mây tre đan và 6 làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm); 2 làng nghề trong nhóm ngành nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ (1 làng nghề chế tác đá cảnh, 1 làng nghề chế tác gỗ lũa, đá cảnh).
Sau khi được công nhận mỗi làng nghề được hỗ trợ với kinh phí 50 triệu đồng để duy trì, bảo tồn và phát triển. Đến nay đã hỗ trợ 8 làng nghề, làng nghề truyền thống với tổng kinh phí 400 triệu đồng; hỗ trợ 9 làng nghề, làng nghề truyền thống về cải tiến máy móc thiết bị, chuyển giao công nghệ tiên tiến vào các khâu sản xuất và xử lý môi trường với tổng kinh phí 2 tỷ 700 triệu đồng (300 triệu đồng hỗ trợ làng nghề, làng nghề truyền thống).
Song song với hỗ trợ làng nghề, công tác khuyến công được thực hiện cũng góp phần rất quan trọng vào sự phát triển nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn. Giai đoạn 2014 - 2019 tổng kinh phí nhà nước dành cho hoạt động khuyến công hơn 6,25 tỷ đồng, với 37 đề án, tập trung vào các lĩnh vực: xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại, truyền nghề và phát triển nghề tiêu thủ công nghiệp.
Qua hoạt động khuyến công, các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống được khôi phục và phát triển như: Dệt thổ cẩm, sản xuất rượu cần, sản xuất chổi chít... sản phẩm sản xuất đã đáp ứng một phần nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn.
Tin nổi bật
Tin Video