Khám phá

Hòa Bình: Du lịch Lạc Thủy 'thế chân vạc' có gì hấp dẫn?

(VOVTV) - Dốc Bòng Bong, ngã ba Sỏi hay dòng sông Bôi, đồi chè, động Tiên, chùa Tiên, hang Luồn, mẫu Đầm Đa và cả nhà máy in Tiền… đều là những địa danh lịch sử, chốn linh thiêng, cảnh sắc kỳ vĩ làm say đắm lòng du khách khi đến khám phá thưởng ngoạn, nhất là du xuân dịp đầu năm ở vùng đất sông núi hữu tình huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình.

Tác giả Trọng Hiếu/VOVTV
18/01/2023 09:42

Nhiều khu du lịch đặc sắc

Lạc Thủy là huyện miền núi thấp, cách trung tâm Hà Nội hơn 80 km, có tuyến đường mòn Hồ Chí Minh, quốc lộ 21A chạy qua và dòng sông Bôi hiền hòa, thuận tiện kết nối với các quần thể du lịch lớn trong khu vực. Tổng diện tích đất tự nhiên của Lạc Thủy trên 31 nghìn ha, với dân số hơn 60 nghìn người, chủ yếu là dân tộc Kinh và dân tộc Mường, sinh sống ở 8 xã, 2 thị trấn.

Thiên nhiên tươi đẹp cùng với sự thân thiện, gần gũi của con người Lạc Thủy đã tạo nên một vùng đất yên bình, giàu truyền thống cách mạng, bản sắc văn hóa đa dạng. Tận dụng lợi thế về hệ thống nhiều sông suối, hồ đầm, núi non hùng vĩ tạo nên cảnh đẹp tự nhiên, hấp dẫn cùng với những di tích lịch sử thiêng liêng, huyện Lạc Thủy đã phát triển du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch thắng cảnh và du lịch tâm linh, lễ hội.

Một trong những lợi thế lớn về phát triển du lịch của Lạc Thủy là nằm ở vị thế đắc địa, giáp ranh, cận kề với chùa Hương, huyện Mỹ Đức, TP.Hà Nội và khu du lịch Tam Chúc của huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, hình thành nên "thế chân vạc", tạo các chuỗi du lịch khép kín, tua du lịch hấp dẫn, thuận tiện cho khách thập phương du xuân, lễ hội đầu năm.

Hòa Bình: Du lịch Lạc Thủy 'thế chân vạc' có gì hấp dẫn?- Ảnh 1.

Cảnh sắc đồi chè sông Bôi, xã Phú Thành cũng làm say đắm lòng người

Hòa Bình: Du lịch Lạc Thủy 'thế chân vạc' có gì hấp dẫn?- Ảnh 2.

Đến Lạc Thủy, du khách được cảm nhận những giá trị văn hóa lịch sử, được tìm hiểu phong tục thờ Mẫu qua các di tích lịch sử

Hòa Bình: Du lịch Lạc Thủy 'thế chân vạc' có gì hấp dẫn?- Ảnh 3.

Huyện Lạc Thủy phát triển du lịch gắn với việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

Hiện tại, ở huyện Lạc Thủy đã có dự án đầu tư xây dựng tuyến cáp treo Hương Bình, kết nối từ khu du lịch chùa Tiên, xã Phú Nghĩa sang quần thể chùa Hương, huyện Mỹ Đức, TP.Hà Nội. Ngoài ra, hạ tầng giao thông đi lại thuận lợi cũng giúp du khách di chuyển từ huyện Lạc Thủy đi đến khu du lịch nổi tiếng Tràng An, Bái Đính, Vân Long, rừng Cúc Phương của tỉnh Ninh Bình.

Hành trình đến với Lạc Thủy cũng là về miền linh thiêng đất phật, khi du khách tham quan Quần thể di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh hang động chùa Tiên. Nơi đây vẫn giữ được những nét nguyên sơ hiếm có của một thung lũng giữa đại ngàn, với những đồi núi xanh mướt, những động thạch nhũ kỳ ảo.

Quần thể di tích giúp du khách cảm nhận những giá trị văn hóa lịch sử, trở về với cội nguồn, tìm về cõi tâm linh hướng thiện, được tìm hiểu phong tục thờ Mẫu qua các di tích lịch sử, như: Đền Trình, đền Mẫu Âu Cơ, chùa Tiên và các hang động được mang tên các vị thánh trong tín ngưỡng thờ Tứ phủ. Đồng thời, được khám phá những hang động còn lưu giữ những dấu vết của người Việt cổ, chiêm ngưỡng những bức tranh thiên nhiên tuyệt mỹ mà tạo hóa đã ban tặng, như hình Rồng ấp trứng, Bầu sữa mẹ, trái đào tiên, mâm xôi, hình ông tiên, hình con rùa, con voi….

Nằm trong Quần thể di tích có chùa Tiên nổi tiếng, tọa lạc dưới chân núi Tung Xê, trên một khu đất bằng phẳng. Đến dâng hương tại chùa Tiên, du khách sẽ có dịp được bày tỏ lòng thành kính lên đức phật những ước mong của mình. Theo truyền thuyết, chùa Tiên được xây dựng từ rất xa xưa với lối kiến trúc nhà sàn, nguyên vật liệu là tranh tre nứa lá. Để đáp ứng với nhân dân địa phương và khách thập phương về lễ phật, ngôi chùa được khởi công xây mới vào năm 2007, với tổng diện tích là 1.122 m². Hệ thống tượng phật được lắp đặt công phu và bài trí cả một không gian rộng thật u huyền và tĩnh mịch.

Hòa Bình: Du lịch Lạc Thủy 'thế chân vạc' có gì hấp dẫn?- Ảnh 4.

Du khách tham quan, trải nghiệm hang Luồn, còn gọi là hang Trinh Nữ

Hòa Bình: Du lịch Lạc Thủy 'thế chân vạc' có gì hấp dẫn?- Ảnh 5.

Mùa xuân cũng là mùa trẩy hội của du lịch Chùa Tiên. Đến với Quần thể di tích lịch hang động Chùa Tiên, là đến với tín ngưỡng tâm linh của người Việt

Hòa Bình: Du lịch Lạc Thủy 'thế chân vạc' có gì hấp dẫn?- Ảnh 6.

Một góc thôn xóm thấp thoáng giữa những vạt đồi Na ở xã Đồng Tâm, nhìn từ đỉnh dốc Bòng Bong

Hơn thế nữa, du khách còn được tới thăm quan động Tam Tòa, đẹp lung linh huyền ảo nằm đối diện với đền Trình. Tại đây, du khách sẽ thấy được vẻ đẹp toàn diện của quần thể danh thắng cảnh chùa Tiên, cảnh làng xóm xã Phú Nghĩa như bức tranh sơn thủy hữu tình.

Động Tam Tòa nằm treo leo trên đỉnh núi ở độ cao khoảng 400m, đường lên là những bậc đá quanh co uốn lượn, lên tới nơi du khách có cảm giác như bước vào một sứ sở thần tiên của đá. Tới lưng chừng dốc, du khách dừng chân để phóng tầm mắt thưởng ngoạn toàn cảnh của thung lũng chùa Tiên từ trên cao. Thung lũng được bao bọc bởi hai dãy núi khổng lồ, trong lòng thung mầu xanh của những mảng cây rừng, của cánh đồng lúa và có cả những mái ngói đỏ tươi đan xen vào nhau, tạo thành một bức tranh sinh động. Xa xa phía ngoài hồ nước là một dãy những quả đồi nhỏ nằm song song với dải núi. Một điều rất kỳ lạ ở đây là, mỗi quả đồi như được vị thần nào đó nặn rất đều nhau về kích cỡ, hình dáng, giống nhau như những chiếc bát khổng lồ úp xuống.

Động Tam Tòa có không gian rất thoáng rộng chiều dài của động khoảng 130m, động được chia làm 3 tòa, có các khối nhũ đều lớn và quy mô. Du khách có thể ngắm nhìn từ vòm trần rủ xuống lòng động các khối nhũ đá như đan xen, hòa quyện vào nhau tạo nên một bức tranh sinh động, rực rỡ như một vườn hoa, thướt tha như những dải lụa. Đi sâu vào bên trong giữa bốn bề là mầu sám của đá, các khối nhũ hiện lên kỳ ảo, lấp lánh giữa ánh đèn trông như ngọc ngà, ngỡ như mọi sự trắng trong cao đẹp của thế gian ngưng tụ tại đây.

Cùng với danh thắng động Tiên, hang Luồn hay còn gọi là hang Trinh Nữ, cũng mang đến cho du khách những trải nghiệm hấp dẫn khi đến thăm vùng đất yên bình Lạc Thủy. Hang Luồn có địa vực khá phong phú, nằm trên địa phận 3 đơn vị hành chính là xã Đồng Tâm, xã Yên Bồng và thị trấn Chi Nê. Hang luồn qua núi, uốn lượn quanh co. Hai bên bờ và trên vòm hang như đang phô bày một cuộc triển lãm tranh tượng bằng nhũ đá, ngỡ như vừa có bàn tay tạo hóa cùng bàn tay kiến tạo của con người. Nhìn từ xa, hang Luồn hiện ra như một bức tranh thiên nhiên hùng vĩ. Vẻ đẹp nơi đây là sự kết hợp tinh tế giữa những vách đá sừng sững, hùng vĩ với dòng sông hiền hòa, thơ mộng làm say đắm lòng người.

Hòa Bình: Du lịch Lạc Thủy 'thế chân vạc' có gì hấp dẫn?- Ảnh 7.

Nhà máy in tiền đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1946-1947) - nơi “Tờ giấy bạc Cụ Hồ” mang sứ mệnh lịch sử đã ra đời.

Trên địa bàn huyện Lạc Thủy còn có nhiều Hồ, Đập như hồ Đá bạc, hồ Đồng Tâm, hồ Đầm Khánh, liên hồ Phú Nghĩa, hang Chim, hang Hào, hang Đồng Thớt. Đặc biệt, dòng sông Bôi chảy qua là tiềm năng, thế mạnh để huyện phát triển du lịch đường thủy, xây dựng các tour du lịch nối liền các điểm di tích.

Ngoài những điểm du lịch sinh thái, du lịch thắng cảnh, du lịch tâm linh thì du khách không thể bỏ qua di tích lịnh sử Nhà máy in tiền đầu tiên của cách mạng Việt Nam, nằm ở Đồn Điền Chi Nê vào khoảng năm 1946- 1947, nay là địa phận xã Phú Nghĩa. Nhà máy in tiền vinh dự được đón bác Hồ về thăm. Tại đây, tờ bạc đầu tiên mang sứ mệnh lịch sử trong những ngày đầu độc lập của chính quyền cách mạng, có mệnh giá lớn nhất lúc bấy giờ là tờ 100 đồng Việt Nam, còn được gọi là tờ bạc "con Trâu xanh". Đây là nơi đánh dấu ấn lịch sử đầu tiên của Bộ Tài Chính. Năm 2017, di tích đươc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích cấp Quốc Gia. Di tích đã đi vào hoạt động và đón rất nhiều đoàn du khách đến thăm quan, học tập, nghiên cứu lịch sử...

Du khách đến với Lạc Thủy không chỉ được tham quan, vãn cảnh mà còn được tìm hiểu những nét đẹp văn hóa của nguời Mường cổ và khám phá những nét đặc trưng của người dân địa phương thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian và các lễ hội truyền thống, như: Lễ hội cầu mát, lễ cầu phúc bản Mường, hội xéc bùa...

Phát triển du lịch là ngành kinh tế quan trọng

Trên địa bàn huyện Lạc Thủy hiện có 108 di tích, trong đó, có 93 điểm di tích được kiểm kê cần bảo vệ, 6 di tích quốc gia, 10 di tích cấp tỉnh.

Ở vùng đất Lạc Thủy, các nhà khoa học đã phát hiện 8 di chỉ thuộc nền văn hóa Hòa Bình, gồm: Di vật trống đồng loại 1, giáo búp đa, giáo lá lúa, đỉnh đồng, mũi dao đồng... Điều này chứng tỏ nơi đây đã từng có sự giao thoa với nền văn hóa Đông Sơn. Đặc biệt, trong hang Đồng Nội, xã Đồng Tâm, các nhà khảo cổ còn phát hiện những hình khắc trên vách núi đá, tiêu biểu nhất là hình thú và ba mặt người. Có thể coi đây là tác phẩm duy nhất của nghệ thuật tạo hình trong nền văn hóa Hòa Bình.

Hòa Bình: Du lịch Lạc Thủy 'thế chân vạc' có gì hấp dẫn?- Ảnh 8.

Thiên nhiên tươi đẹp cùng với sự thân thiện, gần gũi của con người đã tạo nên một vùng đất yên bình Lạc Thủy

Ông Nguyễn Văn Hải, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Lạc Thủy, cho biết: Để phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có của thiên nhiên ban tặng cũng như các di tích lịch sử, huyện Lạc Thủy xác định, phát triển du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, quan trọng của địa phương. Huyện tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý Nhà nước về du lịch; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư và các chính sách khuyến khích phát triển du lịch; nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch; phát triển các loại hình du lịch; mở rộng hợp tác, liên kết phát triển du lịch…

Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, Trưởng phòng Văn hóa và Thông Tin huyện Lạc Thủy, cho biết thêm: Huyện Lạc Thủy có nhiều danh lam thắng cảnh, nhiều địa điểm du lịch sinh thái nổi tiếng là tiềm năng, lợi thế vững chắc để kêu gọi, thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch, dịch vụ. Huyện tập trung phát triển khu du lịch chùa Tiên thành khu du lịch trọng điểm của tỉnh Hòa Bình. Đồng thời xách định, du lịch tâm linh, quần thể khu danh lam thắng cảnh chùa Tiên là sản phẩm chủ lực mang tính đặc thù, nối các điểm di tích tại các xã lân cận, như Phú Thành, thị trấn Chi Nê, xã Đồng Tâm...

Xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng thúc đẩy các ngành kinh tế khác, Lạc Thuỷ chú trọng xây dựng hình ảnh du lịch an toàn, thân thiện, mến khách, văn minh, lịch sự, thực sự là điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Quan điểm của huyện là luôn đồng hành, hỗ trợ nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn về các thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, để các dự án triển khai đảm bảo tiến độ, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế bền vững.

Hiện nay, huyện Lạc Thủy đang triển khai các kế hoạch xúc tiến đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch mang đặc trưng vùng miền, thành lập các tour, tuyến du lịch chùa Tiên, núi Niệm, Nhà máy in Tiền, hang Luồn và các tour du lịch chùa Tiên - chùa Hương - Tam Chúc - Bái Đính - Tràng An; thông tuyến cáp treo chùa Tiên - chùa Hương. Khuyến khích phát triển ngành dịch vụ phụ trợ cho hoạt động du lịch, hình thành các ngành nghề truyền thống, như: chế tác đá cảnh, thủ công mỹ nghệ, sản xuất sản phẩm đặc sắc của địa phương…

Công tác thu hút đầu tư luôn được huyện Lạc Thủy chú trọng nên số lượng các nhà đầu tư về du lịch, thương mại ngày càng nhiều. Hiện tại, trên địa bàn huyện đang triển khai dự án tổ hợp thể thao, văn hóa, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng cao cấp kết hợp nuôi trồng thủy sản của tập đoàn TH, với số vốn đăng ký 148 tỷ đồng. Dự án Tuyến cáp treo Hương Bình, với số vốn đầu tư là trên 1 nghìn 726 tỷ đồng của Công ty TNHH một thành viên Du lịch Thái Bình. Dự án khu nghỉ du lịch văn hóa và nghỉ dưỡng Lạc Thủy của Công ty cổ phần TNHH một thành viên Pacific-Hòa Bình, với số vốn đăng ký trên 4 nghìn tỷ đồng. Dự án phát triển cơ sở hạ tầng du lịch hỗ trợ cho tăng trưởng toàn diện khu vực tiểu vùng Mê Công mở rộng giai đoạn 2, tiểu dự án tỉnh Hòa Bình.

Hòa Bình: Du lịch Lạc Thủy 'thế chân vạc' có gì hấp dẫn?- Ảnh 9.

Làng quê ở Lạc Thủy cũng thân thiện, yên bình, xanh - sạch - đẹp

Ngoài ra, trên địa bàn huyện Lạc Thủy cũng đang hoàn thiện thủ tục đầu tư cho một số dự án lớn, như: Dự án nhà ở sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp và vui chơi giải trí tại xã Đồng Tâm của Công ty cổ phấn tập đoàn Mặt trời- Sun group; dự án khu đô thị sinh thái hang Trinh Nữ tại thị trấn Chi Nê của Công ty cổ phần đầu tư GoldSun Framedia; dự án nông nghiệp trải nghiệm công nghệ cao tại xã Khoan Dụ của Công ty cổ phần du lịch Thiên Phú.

Huyện Lạc Thủy cũng luôn quan tâm tới công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; chú trọng công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch. Đồng thời, tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho khách du lịch; bảo vệ tài nguyên du lịch; quản lý môi trường tại các điểm, các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn huyện. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá xúc tiến đầu tư du lịch, trong đó, tập trung ưu tiên quảng bá xúc tiến đầu tư khu du lịch chùa Tiên và địa điểm Nhà máy in Tiền.

Tiếp tục nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch, ưu tiên các khu, điểm du lịch trọng điểm. Tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đảm bảo các thủ tục cho các nhà đầu tư, nhất là các dự án đã có trong chủ trương của tỉnh Hòa Bình. Tạo điều kiện môi trường đầu tư thông thoáng, nhanh gọn, hiệu quả trong giải quyết thủ tục hành chính, không để xảy ra tình trạng sách nhiễu, phát sinh chi phí đối với doanh nghiệp.

Hòa Bình: Du lịch Lạc Thủy 'thế chân vạc' có gì hấp dẫn?- Ảnh 10.

Sự huyền bí, kỳ ảo ở động Tiên

Nâng cao ý thức của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng về ý nghĩa của việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, phát triển tài nguyên du lịch; xây dựng, bảo vệ hình ảnh, môi trường, góp phần phát triển bền vững, không ngừng nâng cao thương hiệu và sức thu hút của du lịch huyện Lạc Thủy.

Với tiềm năng phát triển du lịch lớn, huyện Lạc Thủy đã trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Những năm tới, Lạc Thủy tiếp tục phát huy mọi lợi thế, tiềm năng sẵn có để bứt phá vươn lên, phát triển bền vững, phấn đấu đến năm 2025 trở thành khu du lịch trọng điểm của tỉnh Hòa Bình./.

Ý kiến của bạn