Tin tức

Sôi động các dự án đầu tư tại Hòa Bình

(VOVTV) - Hòa Bình là tỉnh miền núi, có lợi thế tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội và là giao điểm thông thương giữa các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và các tỉnh miền núi Tây Bắc, giàu tiềm năng, lợi thế vì vậy tỉnh Hoà Bình đang là “điểm đến” của các nhà đầu tư.

Tác giả Mùi Sơn / VOVTV
01/12/2021 09:54

Sôi động các dự án đầu tư

Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nhiều về mọi mặt, đặc biệt là kinh tế. Thị trường bất động sản cũng ảnh hưởng không kém, tuy nhiên với sự sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, sự phối hợp của các bộ ngành cùng sự đồng tâm vững chí của người dân, dịch bệnh được khống chế, và kinh tế có những dấu hiệu khởi sắc trở lại, thị trường bất động sản trở nên sôi động.

Hòa Bình: Điểm đến của những nhà đầu tư - Ảnh 1.

Tỉnh Hoà Bình đã và đang là điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư

Toàn tỉnh Hoà Bình có diện tích tự nhiên trên 4.500 km2. Tài nguyên rừng phong phú với diện tích đất lâm nghiệp chiếm 54,7%, nằm trong khu vực của 3 hệ thống sông chính là: Sông Đà, sông Mã, sông Đáy, với khoảng 400 con suối lớn, nhỏ. Những năm qua, tỉnh Hòa Bình đã tập trung chú trọng đầu tư cho công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch cho nhiều dự án giao thông trọng điểm cũng như các dự án xây dựng khu công nghiệp, cụm công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà tỉnh Hòa Bình lại trở thành điểm đến của những nhà đầu tư.

Tính đến tháng 9/2021, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có 624 dự án đầu tư còn hiệu lực hoạt động; trong đó có 40 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 593,806 triệu USD và 584 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 105.894,5 tỷ đồng. Trong đó: 463 dự án đầu tư ngoài khu, cụm công nghiệp (bao gồm 13 dự án đầu tư nước ngoài và 450 dự án đầu tư trong nước); 101 dự án đầu tư trong các khu công nghiệp (bao gồm 27 dự án đầu tư nước ngoài và 74 dự án đầu tư trong nước); 27 dự án đầu tư trong nước trong các cụm công nghiệp và 33 dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại.

Chỉ tính riêng năm 2021, toàn tỉnh có khoảng 360 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký khoảng 14.000 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước, số lượng doanh nghiệp cấp mới tăng 35%, số vốn đăng ký tăng 75,8%; 60 doanh nghiệp đăng ký chi nhánh, văn phòng đại diện; cấp thay đổi, bổ sung nội dung giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 1.200 lượt doanh nghiệp; 110 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh; 35 doanh nghiệp giải thể tự nguyện; 105 doanh nghiệp quay trở lại thị trường.

Những tập đoàn lớn với tầm nhìn đi trước thời đại cũng đã "đổ bộ" vào Hoà Bình như Vingroup đã đầu tư dự án Trung tâm Vincom và nhà mặt phố thương mại Shophouse, Tập đoàn FLC với kế hoạch đầu tư khu du lịch nghỉ dưỡng có tổng vốn đầu tư lên đến hàng chục nghìn tỷ, Tập đoàn T&T vừa đề xuất 7 dự án trong lĩnh vực đô thị, thương mại, dịch vụ và nông nghiệp, Geleximco đã khai trương sân golf 27 lỗ... và hàng loạt các dự án nhà ở khác.

Nhiều dự án đáng chú ý tại Hòa Bình

Chỉ hơn một giờ di chuyển từ trung tâm Thủ đô về đến thành phố Hòa Bình, các nhà đầu tư sẽ thấy ngay được sự chuyển mình rất rõ rệt của một đô thị đang trên đà phát triển. Với sự năng động trong mời gọi đầu tư của UBND tỉnh Hòa Bình, tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư xây dựng các dự án hữu ích trên địa bàn tỉnh, các dự án khác đang được đẩy mạnh triển khai.

Trong năm, UBND tỉnh Hoà Bình đã phê duyệt Quyết định chủ trương đầu tư cho 20 dự án trong nước với số vốn đăng ký là 32.517 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước, số lượng dự án giảm 17 dự án nhưng số vốn đăng ký tăng 92,5%; điều chỉnh chủ trương đầu tư cho 19 dự án. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có tổng số 571 dự án; trong đó, có 39 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký 590,8 triệu USD và 533 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 120.681 tỷ đồng.

Hòa Bình: Điểm đến của những nhà đầu tư - Ảnh 2.

Dự án nhà ở thương mại đang được xây dựng tại thành phố Hoà Bình

Riêng các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện có 102 dự án đầu tư đã được cấp phép; trong đó, có 27 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký 527,35 triệu USD và 75 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 11.059,45 tỷ đồng. Doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh 9 tháng đầu năm của các doanh nghiệp trong các KCN ước đạt 10.924 tỷ đồng, giảm 3,8% so với cùng kỳ năm trước, đạt 69,1% so với kế hoạch.

Cải cách hành chính, gỡ "rối" giúp doanh nghiệp

Để tạo điều kiện thuận lợi trong giải quyết TTHC của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã công bố 777 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và 462 dịch vụ công mức độ 3 tại cấp tỉnh; Cấp huyện có 80 dịch vụ công mức độ 3; 101 dịch vụ công mức độ 4 và Cấp xã có 48 dịch vụ công mức độ 3; 24 dịch vụ công mức độ 4. Cắt giảm 30% thời gian giải quyết TTHC so với quy định của pháp luật đối với 697 TTHC tại cấp tỉnh; 133 TTHC tại cấp huyện và 42 TTHC tại cấp xã.

Trong đó: cơ quan thực hiện cắt giảm số TTHC nhiều nhất là Sở Kế hoạch và Đầu tư với 106 thủ tục; Sở Xây dựng được cắt giảm thời gian giải quyết là 61 TTHC; Sở Tài nguyên và Môi trường cắt giảm thời gian giải quyết 26 TTHC; Ban Quản lý các khu công nghiệp cắt giảm thời gian giải quyết của 35 TTHC… Đồng thời, Ban hành Quy chế phối hợp trong việc giải quyết các TTHC về lĩnh vực đầu tư dự án trong khu công nghiệp tại Quyết định số 1733/QĐ-UBND ngày 12/9/2017 về Quy chế phối hợp trong giải quyết các thủ tục hành chính về lĩnh vực đầu tư trong khu công nghiệp, giúp đẩy nhanh thời gian giải quyết thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư/Quyết định chủ trương đầu tư dự án trong các khu công nghiệp.

Hòa Bình: Điểm đến của những nhà đầu tư - Ảnh 3.

Cải cách thủ tục hành chính là một trong những khâu đột phá được tỉnh Hoà Bình thực hiện nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư khi đến đầu tư tại Hoà Bình

Tỉnh Hòa Bình được đánh giá có hạ tầng phát triển ở mức khá so với toàn quốc, đứng thứ 5 so với các tỉnh trong cùng vùng miền núi phía Bắc. Điều này được thể hiện qua chất lượng một số hạ tầng cơ bản như: Điểm số khu, cụm công nghiệp đạt 11,5 điểm (trung bình cả nước 12,63), đường bộ 18,85 (trung bình cả nước 19), điện/điện thoại 17,34 (trung bình cả nước 16,23), mạng internet 21,88 (trung bình cả nước 20,98). Cơ cấu kinh tế của tỉnh khá cân đối giữa các ngành công nghiệp - xây dựng, dịch vụ và nông, lâm nghiệp.

Trong thời gian tới, tỉnh Hòa Bình tiếp tục tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội thiết yếu, hạ tầng du lịch; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chú trọng công tác đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp đến đầu tư.

Với những thuận lợi về tiềm năng, lợi thế cùng môi trường đầu tư thông thoáng, Hòa Bình đã và đang là điểm đến sôi động và tin cậy của các nhà đầu tư.

Ý kiến của bạn