Tin tức

Hoà Bình: 'Dân vận khéo' để phát huy sức mạnh của nhân dân

(VOVTV) - Đúng với khẩu hiệu “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh Hoà Bình đã chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác dân vận. Qua đó, xuất hiện nhiều mô hình có sức lan tỏa trong cộng đồng, góp phần thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Tác giả Mùi Sơn / VOVTV
11/10/2021 09:52

Trong giai đoạn 2016-2020, huyện Đà Bắc đã triển khai xây dựng 126 mô hình mô hình "Dân vận khéo" trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị. Các mô hình "Dân vận khéo" đã và đang từng bước tạo sức lan tỏa, đồng thuận trong nhân dân, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội.

Hoà Bình: “Dân vận khéo” để phát huy sức mạnh của nhân dân - Ảnh 1.

Mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ sông Đà được người dân học tập kinh nghiệm và làm theo để phát triển kinh tế

Bà Đinh Thị Kiều, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Đà Bắc cho biết: Cấp ủy, chính quyền các cấp đã bám sát nhiệm vụ trọng tâm của địa phương, đơn vị, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận hướng về cơ sở, gần dân, sát dân, nhất là tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng đặc biệt khó khăn; thường xuyên nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, từ đó giải quyết kịp thời những phát sinh từ cơ sở. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền các mô hình hay, những tấm gương tập thể, cá nhân tiêu biểu trong thực hiện hiệu quả phong trào "Dân vận khéo" ở các địa phương để học tập kinh nghiệm và làm theo.

Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện xây dựng mô hình "Dân vận khéo" gắn với tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt nội dung cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh". Đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn hóa mới trong việc cưới, việc tang, xây dựng gia đình văn hóa. Phát động thực hiện mô hình "Khu dân cư bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp từ trong nhà ra đến ngoài ngõ".

Đến nay, có 122 bản của 17/17 xã thực hiện mô hình. Tính riêng 2020 đến nay, đã vận động cán bộ, công chức, viên chức, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đóng góp ủng hộ quỹ "Vì người nghèo", "Quỹ xóa nhà tạm" trên 155,310,957 triệu đồng; phát động ủng hộ quỹ phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thu được 100,636,000 triệu đồng; thu trong kỳ các cuộc vận động được 583,265,000 triệu đồng; nhu yếu phẩm tổng trị giá hàng hoá: 150,596,000 triệu đồng (đã chuyển số hàng nhu yếu phẩm về Ban CHQS huyện và các điểm chốt kiểm soát dịch các xã, thị trấn).

Bên cạnh đó, Ban CHQS huyện và Ban CHQS các xã, thị trấn đã nhận đỡ đầu 10 học sinh nghèo hiếu học trên địa bàn huyện với số tiền hỗ trợ 300.000/tháng. Phối hợp với Ban Dân vận Huyện uỷ phát động cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, cán bộ công chức, viên chức ủng hộ, thực hiện mô hình "100 đồng thắp sáng niềm tin" xây dựng công trình "Đường điện chiếu sáng" tại xóm Trung Thượng, xã Trung Thành. Tính đến 30/8/2021 đã có 69 cơ quan đơn vị quyên góp ủng hộ, với số tiền là: 96,415,000 triệu đồng.

Hội LHPN huyện hướng dẫn cấp cơ sở thành lập 448 mô hình "Dân vận khéo" ở 17/17 xã, thị trấn; phát động phong trào "Phụ nữ chung sức xây dựng nông thôn mới", gắn với cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch", bảo đảm vệ sinh môi trường ở khu dân cư và tại gia đình.

Mô hình "Dân vận khéo" của Hội Nông dân huyện gắn với phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi", đã phát triển sâu rộng, thu hút đông đảo cán bộ, hội viên và nông dân tham gia, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực nông thôn, giúp nhiều hộ nông dân vượt khó thoát nghèo bền vững, trở thành hộ khá, giàu, tạo việc làm và cải thiện đời sống cho nhiều hộ nông dân.

Đến nay, các mô hình chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp cho hiệu quả kinh tế, như: Mô hình trồng lúa VRN20 quy mô 1,0 ha thực hiện tại xã Tú Lý với 12 hộ tham gia; mô hình sử dụng thảo dược trong chăn nuôi gà theo hướng sản phẩm OCOP với quy mô 1.000 con gà thực hiện tại 2 xã Cao Sơn và xã Tú Lý. Duy trì và nhân rộng các mô hình như: Mô hình đa canh tổng hợp Chăn nuôi - trồng trọt - dịch vụ vận tải, cải tạo và nâng cao chất lượng vườn cây ăn quả phù hợp nhu cầu thị trường, ứng dụng mô hình nuôi cá lồng, mô hình sản xuất rau an toàn, nuôi trâu, bò và vịt như ở các xã Mường Chiềng, Đồng Chum, Giáp Đắt, Hiền Lương, Tiền Phong...

Hoà Bình: “Dân vận khéo” để phát huy sức mạnh của nhân dân - Ảnh 2.

Dân vận khéo trong công tác 'chung tay xây dựng nông thôn mới' đã phát huy được hiệu quả (Ảnh tư liệu)

Căn cứ Quyết định số 816/QĐ-UBND ngày 19/5/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Bộ tiêu chí xã nông thôn mới tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2016 - 2020. Qua kết quả rà soát, tiêu chí đạt của các xã ước hết năm 30/9/2021 như sau: Tổng số tiêu chí của các xã đạt là 220 tiêu chí, tăng 2 tiêu chí so với 30/6/2021; (02 tiêu chí tăng thêm chưa qua thẩm tra), số tiêu chí đạt trung bình của các xã là 13,75 tiêu chí/xã, cụ thể toàn huyện có 03 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (Tú Lý, Hiền Lương, Toàn Sơn); 01 xã đạt 19/19 tiêu chí (xã Cao Sơn đang làm hồ sơ trình xét công nhận đạt chuẩn); 02 xã đạt 14 tiêu chí (Yên Hòa, Mường Chiềng); 10 xã còn lại đạt 10 - 13 tiêu chí. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 29,5 triệu đồng/người/năm. tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 23,75%.

Những kết quả đạt được trong thi đua "Dân vận khéo" ở Đà Bắc đã khẳng định đây là chủ trương đúng, trúng ý Đảng hợp lòng dân, tạo động lực thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Ý kiến của bạn