Tin tức

Hoà Bình: Cải cách hành chính tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội

(VOVTV) - Những năm qua, tỉnh Hoà Bình luôn xác định tầm quan trọng của việc đẩy mạnh cải cách hành chính nhà nước là khâu đột phá, then chốt tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Do đó, tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt và tổ chức thực hiện đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực và đạt được những kết quả tích cực.

Tác giả Mùi Sơn / VOVTV
26/10/2021 14:50

Khâu đột phá trong cải cách hành chính

Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản từ Nghị quyết, Chỉ thị, Đề án, Kế hoạch 5 năm, hàng năm để lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ CCHC (năm 2013 UBND tỉnh đã có Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 19/3/2013 về tiếp tục đẩy mạnh CCHC trên địa bàn tỉnh; đến năm 2016, UBND tỉnh đã trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 13/5/2016 về đẩy mạnh CCHC tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2016-2020 và UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án đẩy mạnh cải cách hành chính tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2016-2020 tại Quyết định số 2194/QĐ-UBND ngày 26/8/2016; năm 2021, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch cải cách hành chính tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021-2025 số 2143/KH-UBND ngày 21/9/2021).

Tỉnh Hoà Bình cải cách hành chính tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội - Ảnh 1.

Cải cách hành chính là một trong những khâu đột phá của tỉnh Hoà Bình nhằm phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2021

Trong 3 khâu đột phá chiến lược của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015 và giai đoạn 2016-2020, 2021-2025 thì CCHC được UBND tỉnh xác định đo là một trong đột phá. Vì thế, từ năm 2016 đến nay UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo CCHC của tỉnh, thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ CCHC, qua đó kịp thời chỉ đạo, chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, yếu kém; gắn việc thực hiện nhiệm vụ CCHC với công tác thi đua, khen thưởng và đánh giá trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.

Sau khi Bộ Nội vụ phê duyệt Đề án xác định Chỉ số cải cách hành chính của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã Quyết định ban hành Bộ Chỉ số cải cách hành chính của các Sở, Ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã để theo dõi, đánh giá kết quả cải cách hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước trong tỉnh. Từ năm 2018 đến nay, đã triển khai xác định Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính trong tỉnh và gắn kết quả của Chỉ số này thành một tiêu chí xác định Chỉ số cải cách hành chính.

Trước sự vào cuộc quyết liệt, trong 10 năm qua, nhiều lĩnh vực CCHC sau khi triển khai thực hiện đã mang lại hiệu quả cao, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân trong tỉnh như: Thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh (đưa tất cả các TTHC của các Sở, Ban, ngành và một số cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn ra Trung tâm này để tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi giải quyết TTHC chỉ cần đến một nơi duy nhất); kiện toàn, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp, đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã (đã sắp xếp, giảm được 248 đơn vị sự nghiệp, 01 đơn vị hành chính cấp huyện và 59 đơn vị hành chính cấp xã (đạt tỷ lệ 28%, đứng thứ nhất cả nước trong việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã); giảm chi thường xuyên khoảng 317 tỷ đồng/năm).

Cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tiếp tục thực hiện hiệu quả tại Bộ phận một cửa các cấp. Năm 2017, Ủy ban nhân dân tỉnh đã Quyết định thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công thuộc Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, đưa các thủ tục hành chính của các Sở, Ban, ngành và các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn ra thực hiện tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm này. Đến nay, Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh, 100% Bộ phận một cửa cấp huyện và 34% Bộ phận một cửa cấp xã đã được trang bị đầy đủ các thiết bị chuyên dụng, hiện đại để phục vụ nhân dân.

Tỉnh Hoà Bình cải cách hành chính tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội - Ảnh 2.

Bộ phận một cửa tại các xã, huyện, thành phố đã làm tốt chức năng của mình

Phần mềm một cửa điện tử đã được kết nối từ tỉnh đến 100% đơn vị cấp huyện, cấp xã, với tổng số thủ tục hành chính thực hiện theo cơ chế một cửa là 1.777 thủ tục; trong đó, cấp tỉnh là 1.426 thủ tục, cấp huyện là 246 thủ tục và cấp xã là 105 thủ tục (không tính các thủ tục hành chính đặc thù phải thực hiện trực tiếp trên các thiết bị, phương tiện và các thủ tục hành chính của các ngành: Công an, Bảo hiểm xã hội, Điện lực).

Thủ tục hành chính được giải quyết theo hình thức liên thông cùng cấp là 307 thủ tục; thủ tục hành chính được giải quyết theo hình thức liên thông các cấp là 33 thủ tục. 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp chính quyền đều được giải quyết qua phần mềm một cửa điện tử. Từ năm 2011 đến hết tháng 3/2020, toàn tỉnh đã tiếp nhận 4.223.825 hồ sơ thủ tục hành chính, giải quyết đúng hạn 4.222.235 hồ sơ, giải quyết quá hạn 1.590 hồ sơ, tỷ lệ giải quyết đúng hạn đạt 99,96%.

Tinh gọn bộ máy, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ

Cùng với cải cách TTHC, giai đoạn 2011-2020, UBND tỉnh đã chỉ đạo việc đẩy mạnh sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, huyện, thành phố; phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị. Đến nay, toàn tỉnh cơ bản hoàn thành việc sắp xếp, kiện toàn một số tổ chức và các đầu mối bên trong của từng đơn vị.

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW thời điểm 30/4/2015 và triển khai Nghị quyết số 18, 19-NQ/TW thời điểm 31/10/2017 cho đến nay. Hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở có sự quyết tâm cao, nhất quán trong nhận thức; công tác tuyên truyền được triển khai sâu rộng; có sự tham gia tích cực của các cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến cơ sở trong chỉ đạo, kiểm tra, phối hợp hướng dẫn, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện do đó đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, đặc biệt trong sắp xếp tổ chức bộ máy đơn vị sự nghiệp của tỉnh, sắp xếp các ban quản lý dự án và sáp nhập thôn, xóm, tổ dân phố có quy mô nhỏ trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Tỉnh Hoà Bình cải cách hành chính tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội - Ảnh 3.

Cải cách hành chính góp phần không nhỏ trong việc thu hút và mời gọi các nhà đầu tư thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh Hoà Bình

Kết quả đến năm 2020, tỉnh Hòa Bình đã rà soát, sắp xếp lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp trên địa bàn tỉnh và thôn, xóm, tổ dân phố, giảm 119 đơn vị sự nghiệp và 51 đầu mối trực thuộc. Riêng việc sắp xếp các ban quản lý dự án trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành từ năm 2016, qua đó giảm 144 ban quản lý dự án cấp tỉnh, cấp huyện. Việc thành lập, sắp xếp các tổ chức bên trong các cơ quan hành chính (phòng, ban, chi cục), đơn vị sự nghiệp được thực hiện theo chỉ đạo của Trung ương và Kế hoạch của tỉnh và gắn với tinh giản biên chế.

Sau ba năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW (2017 – 2021), tỉnh Hòa Bình đã rà soát, sắp xếp lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp trên địa bàn tỉnh và thôn, xóm, tổ dân phố, giảm 119 đơn vị sự nghiệp và 51 đầu mối trực thuộc; giảm 535 thôn, xóm, tổ dân phố. Riêng việc sắp xếp các ban quản lý dự án trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành từ năm 2016, qua đó giảm 144 ban quản lý dự án cấp tỉnh, cấp huyện. Việc thành lập, sắp xếp các tổ chức bên trong các cơ quan hành chính (phòng, ban, chi cục), đơn vị sự nghiệp được thực hiện theo chỉ đạo của Trung ương và Kế hoạch của tỉnh và gắn với tinh giản biên chế.

Đến nay tất cả các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện đã ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định pháp luật hiện hành. Thông qua việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở đã từng bước khắc phục sự chồng chéo, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ, thu gọn đầu mối quản lý, giảm khâu trung gian, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Từ sự sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, đảng và quá trình triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả của các cấp chính quyền trong triển khai thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và các huyện, thành phố theo Nghị định 107/2020/NĐ-CP; Nghị định 108/2020/NĐ-CP; Nghị định 120/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Năm 2021 tỉnh Hòa Bình đã sắp xếp lại cơ cấu tổ chức của tất cả các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố.

Sau khi sắp xếp về bộ máy, số lượng tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp giảm so với năm 2020 cụ thể như sau: giảm 1 sở, 23 phòng và tương đương thuộc sở; 20 phòng thuộc Chi cục và 8 phòng thuộc UBND cấp huyện; giảm 1 đơn vị sự nghiệp thuộc sở, 1 đơn vị sự nghiệp thuộc Chi cục và 1 đơn vị sự nghiệp thuộc UBND cấp huyện.

Đối với biên chế công chức hành chính năm 2021 là 2.061 người, giảm so với biên chế được giao năm 2015 là 287 người (tương đương giảm 12,2%); biên chế sự nghiệp năm 2021 là 22.765 người giảm so với biên chế được giao năm 2015 là 2.727 người; (tương đương giảm 11,3%). Tổng số đối tượng nghỉ theo chính sách tinh giản biên chế là 2.781 người trong giai đoạn 2015 - 2021, đạt tỉ lệ 11.56% vượt tỉ lệ yêu cầu của Nghị quyết 39 (10%).

Đến nay tất cả các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện đã ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định pháp luật hiện hành. Thông qua việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở đã từng bước khắc phục sự chồng chéo, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ, thu gọn đầu mối quản lý, giảm khâu trung gian, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Phát huy những kết quả đạt được hướng đến xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, UBND tỉnh đã ban hành đề án, triển khai thực hiện hiệu quả việc ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước. Toàn tỉnh đã xây dựng Cổng thông tin điện tử 3 cấp, tích hợp Cổng thông tin điện tử của tỉnh, Trang thông tin điện tử của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố. 100% cơ quan hành chính từ tỉnh đến cơ sở, đơn vị sự nghiệp trực thuộc và các sở, ban, ngành đã triển khai kết nối đồng bộ và thông suốt Hệ thống phần mềm Quản lý văn bản và điều hành với Trục liên thông quốc gia.

Tỷ lệ văn bản trao đổi giữa các cơ quan, đơn vị dưới dạng điện tử đạt 97%. Các ngành, UBND các huyện, thành phố đã có Cổng thông tin, Trang thông tin điện tử đáp ứng yêu cầu đăng tải đầy đủ thông tin giới thiệu về tỉnh, cơ quan, đơn vị, địa phương; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản hành chính được đăng tải kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp khai thác thông tin. Đồng thời, ứng dụng chữ ký số chuyên dùng cho cơ quan hành chính Nhà nước; đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.

Công tác cải cách hành chính nói chung, cải cách thủ tục hành chính nói riêng của tỉnh Hoà Bình những năm qua đã và đang là những giải pháp tích cực trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, củng cố chính quyền cơ sở, phục vụ nhân dân.

Ý kiến của bạn