'Hiệu ứng Elon Musk' phơi bày rủi ro của Bitcoin
Theo giới chuyên gia, rủi ro của Bitcoin đã bị phơi bày khi những lần trồi sụt giá mạnh gần nhất của đồng tiền này đều được kích hoạt bởi các động thái của Elon Musk.
Hôm 29/1, Elon Musk đổi dòng tự mô tả trên Twitter thành "#Bitcoin".
Ngày 1/2, ông chủ Tesla tiếp tục khẳng định "Bitcoin là một khoản đầu tư tốt" ở thời điểm hiện tại và thừa nhận lẽ ra nên mua vào từ 8 năm trước.
Một tuần sau, Tesla tiết lộ mua 1,5 tỷ USD Bitcoin và sẽ chấp nhận đồng tiền này như một hình thức thanh toán trong tương lai.
Tất cả động thái trên của Musk và Tesla đều khiến giá Bitcoin tăng phi mã. Bitcoin lần đầu thiết lập kỷ lục giá 58.000 USD/đồng ngày 22/2, nâng vốn hóa đồng tiền lên hơn 1.000 tỷ USD.
Tuy nhiên, chính bình luận của ông chủ Tesla cũng khiến đồng tiền này tụt dốc không phanh. Trên Twitter, Musk cho rằng giá Bitcoin và Ether đang "có vẻ khá cao".
Phơi bày rủi ro
Theo dữ liệu của Coindesk tối 23/2 (theo giờ Việt Nam), giá Bitcoin có thời điểm trượt dốc xuống 45.000 USD/đồng. Như vậy, đồng tiền này đã giảm giá 22% từ mức đỉnh.
Hiện, đồng tiền mã hóa phổ biến nhất thế giới được giao dịch quanh ngưỡng 47.600 USD/đồng, giảm hơn 10% so với một ngày trước đó. Lợi nhuận tính từ đầu năm 2021 của Bitcoin bị thu hẹp còn 66,74%.
Sau bình luận của Elon Musk, giá trị vốn hóa thị trường của Bitcoin lần lượt mất mốc 1.000 tỷ USD và 900 tỷ USD. Hiện, vốn hóa của đồng tiền này chỉ còn hơn 893 tỷ USD.
Ngoài Bitcoin, các đồng tiền mã hóa khác cũng đồng loạt lao dốc. So với một ngày trước đó, đồng Ether, Stellar và XRP lần lượt tụt giá 10,06%, 11,2% và 14,81%.
"Elon Musk và những người hâm mộ của ông ta có sức mạnh đáng kinh ngạc đối với giá thị trường", ông Mati Greenspan, nhà sáng lập Quantum Economics, nhận xét.
Trong cuộc phỏng vấn với Zing hôm 22/2, chuyên gia tài chính Craig Erlam (có trụ sở tại London, Anh) ví von rằng Elon Musk "một lần nữa phù phép thị trường". Nhưng lần này, phát ngôn của ông chủ Tesla không còn có lợi cho Bitcoin.
Theo giới chuyên gia, "hiệu ứng Elon Musk" đối với thị trường đã phơi bày tính dễ biến động của Bitcoin. Những lần trồi sụt gần nhất của đồng tiền này cho thấy rằng sự biến động giá sẽ không biến mất ngay cả khi có sự tham gia của các tổ chức đầu tư lớn.
Trong cuộc phỏng vấn với CoinDesk, nhà kinh tế học Nouriel Roubini thậm chí gọi những dòng tweet có chủ ý của Musk là "hành vi tội phạm". Ông mô tả việc đầu tư vào Bitcoin rồi đẩy giá lên là "vô trách nhiệm và thao túng thị trường".
"Bitcoin không thực sự làm được gì ngoài việc giúp những ai nắm giữ nó kiếm tiền và bán giấc mơ làm giàu nhanh chóng. Đồng tiền này càng phát triển thì càng có thêm nhiều rủi ro, nhất là với sự quan tâm ngày càng lớn của các nhà đầu tư tổ chức", ông Erlam cảnh báo.
Nhiều tỷ phú khác cũng cảnh báo về rủi ro của Bitcoin. Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg, nhà sáng lập Microsoft Bill Gates cho biết ông không phải người hâm mộ của Bitcoin với lý do môi trường. Bởi hệ thống này sử dụng rất nhiều năng lượng.
Bill Gates cho rằng Bitcoin là một phát minh thừa thãi. Ông cũng khẳng định hiện không nắm bất kỳ đồng tiền mã hóa nào trong tay. "Elon có rất nhiều tiền và sành sỏi, nên tôi không lo lắng về việc những đồng Bitcoin ông ta nắm giữ sẽ tăng hoặc giảm", Bill Gates lập luận.
"Nhưng những nhà đầu tư đang đổ xô mua vào có thể không có nhiều tiền. Vì thế, tôi không lạc quan về Bitcoin. Theo tôi, nếu các vị có ít tiền hơn Elon, hãy đề phòng", nhà sáng lập Microsoft khẳng định.
Các cơ quan quản lý vào cuộc
Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh đầu tư Bloomberg ở New York, ông Martin Flanagan, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Invesco, nhận định "Bitcoin rất thú vị". "Tuy nhiên, đến một thời điểm nào đó, các vị có thể chứng kiến nhiều ngân hàng trung ương trên toàn cầu nhảy vào cuộc chơi của tiền mã hóa", ông Flanagan cảnh báo.
"Tôi cho rằng điều đó có thể khiến giá trị của Bitcoin gặp rủi ro", ông nói thêm.
Theo Bloomberg, nhà đầu tư tỷ phú Ấn Độ Rakesh Jhunjhunwala cũng cho rằng cơ quan quản lý của đất nước nên cấm các loại tiền mã hóa như Bitcoin. Người được coi là "Warren Buffett của Ấn Độ" khẳng định "sẽ không bao giờ mua Bitcoin".
Các nhà chức trách Ấn Độ vẫn chưa đưa ra quyết định về Bitcoin cũng như những loại tiền mã hóa khác. Tuy nhiên, Bloomberg cho biết có nhiều đồn đoán rằng chính phủ nước này đang lên kế hoạch cấm tất cả tiền ảo tư nhân và tung ra loại tiền kỹ thuật số chính thức riêng.
"Tôi cho rằng các cơ quan quản lý nên vào cuộc, cấm Bitcoin và tập trung vào đồng rupee kỹ thuật số", ông Rakesh Jhunjhunwala nhận định.
Áp lực từ các bình luận của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cũng đè nặng lên giá Bitcoin. “Tôi không nghĩ rằng Bitcoin nên được sử dụng rộng rãi như một cơ chế giao dịch", bà Yellen chia sẻ với nhà báo Andrew Ross Sorkin của CNBC tại hội nghị DealBook của New York Times.
Theo bà, Bitcoin là tài sản có tính đầu cơ cao, không ổn định, mang đến nhiều rủi ro cho nhà đầu tư và thường được sử dụng với mục đích tài chính trái phép.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ còn chỉ trích Bitcoin "là cách thực hiện giao dịch cực kỳ kém hiệu quả". Bà nhấn mạnh rằng "lượng năng lượng tiêu thụ để xử lý các giao dịch đó thật sự rất đáng ngạc nhiên".
Mới đây, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Thái Lan cũng cho biết các quy tắc mới có thể buộc nhà đầu tư cá nhân phải có một số kiến thức nhất định về tiền mã hóa trước khi được phép mở tài khoản giao dịch.
Tin nổi bật
Tin Video