Hiệu quả từ chương trình khám chữa bệnh từ xa ở Mộc Châu
(VOVTV) - Tham gia mô hình khám chữa bệnh từ xa với các bệnh viện tuyến trên, Bệnh viện Đa khoa huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La đã có sự phát triển vượt bậc về chất lượng khám, chữa bệnh. Nhiều bệnh nhân nặng điều trị hiệu quả ngay tại huyện mà không cần chuyển tuyến trên, các bác sĩ tại cơ sở có cơ hội được nâng cao tay nghề chuyên môn.
Là một trong những Bệnh viện tuyến huyện đầu tiên của tỉnh Sơn La thực hiện mô hình khám chữa bệnh từ xa Telehealth, hội chẩn trực tuyến với Bệnh viện Đại học y Hà Nội, sau gần 1 năm thực hiện, nhiều ca bệnh phức tạp đã được các bác sĩ hội chẩn thống nhất phương án điều trị và cứu sống bệnh nhân kịp thời, không phải chuyển lên tuyến trên, tiết kiệm được thời gian, chi phí, công sức. Việc kết nối khám, chữa bệnh từ xa đem lại nhiều ích lợi cho đội ngũ y, bác sĩ, cơ sở y tế, đặc biệt là bệnh nhân.
Khi bệnh nhân đến khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Mộc Châu nếu có nhu cầu sẽ được các bác sỹ hướng dẫn đăng ký tham gia khám chữa bệnh từ xa, sau đó các bác sỹ sẽ thực hiện lập hồ sơ bệnh án, xét nghiệm… Sau khi có kết quả, bệnh án của bệnh nhân sẽ được chuyển cho các bác sỹ của Bệnh viện Đại học y Hà Nội để tiến hành hội chẩn, thảo luận để đưa ra phác đồ điều trị cụ thể đối với từng bệnh nhân.
Bác sỹ Trần Văn Vĩnh, Phó trưởng khoa Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng (Bệnh viện Đa khoa Mộc Châu) cho biết: "Khi bệnh nhân có nhu cầu khám chữa bệnh từ xa, bệnh nhân sẽ đến để đăng ký. Các nhân viên y tế và các bác sĩ sẽ trực tiếp khám sàng lọc chỉ định thực hiện xét nghiệm cần thiết, phù hợp theo từng loại bệnh.
Sau đó, các kết quả xét nghiệm sẽ được gửi về Bệnh viện Đại học y Hà Nội để các bác sỹ đánh giá, hội chẩn, thảo luận trước sau đó bệnh nhân sẽ được hẹn lịch khám luôn bệnh nhân sẽ không phải chờ đợi lâu".
"Thông qua hệ thống khám, chữa bệnh từ xa, nhiều bệnh nhân đã được các bác sĩ điều trị qua các phiên hội chẩn trực tuyến. Trong đó, có rất nhiều ca bệnh khó được các bác sĩ của các bệnh viện tuyến cơ sở thực hiện phác đồ điều trị thành công, dưới sự hướng dẫn trực tuyến của các bác sĩ có kinh nghiệm tuyến tỉnh và tuyến trung ương", bác sỹ Vĩnh nói thêm.
Sau gần 1 năm thực hiện mô hình (Telehealth) đã có hơn 100 bệnh nhân đăng ký tham gia khám chữa bệnh từ xa, trong đó có 20 bệnh nhân nặng, 18 bệnh nhân không phải chuyển tuyến, 2 bệnh nhân được chuyển tuyến và được các bác sỹ tại Bệnh viện Đại học y Hà Nội trực tiếp hội chẩn.
Điển hình như trường hợp bệnh nhi Hà Văn Mạnh (sinh ngày 24/5/2021) trú tại bản Cóc, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu. Trước đó, vào chiều 24/5/ 2021, Khoa sản – Bệnh viện Đa khoa Mộc Châu tiếp nhận thai phụ khoảng 6 tháng tuổi vào viện đã có biểu hiện chuyển dạ. Ngay lập tức các bác sỹ đã chuẩn bị máy thở, lồng ấp, dụng cụ và thuốc cấp cứu, kíp hỗ trợ gồm 1 bác sỹ, 1 điều dưỡng sơ sinh cùng các thiết bị hỗ trợ được đưa xuống phòng đẻ.
Sau khi sinh (có trọng lượng 800gram) cháu bé khóc rất yếu, tím tái, phản xạ sơ sinh yếu, tim rời rạc, kíp cấp cứu hỗ trợ bóp bóng, đặt nội khí quản, các thuốc vận mạch, được hồi sức cơ bản tại phòng đẻ rồi chuyển đơn nguyên sơ sinh. Những ngày đầu điều trị, cháu bé thường có cơn ngừng thở do sinh non và phải hồi sức 1-2 lần/ngày trong những ngày đầu, tình trạng ăn tiêu, phản xạ còn kém, xuất hiện tình trạng nhiễm trùng máu…
Nhận định đây là 1 ca bệnh nặng và khó nên các các bác sĩ khoa Nhi đã xin ý kiến điều trị tiếp theo của các thầy cô bệnh viện Đại học Y Hà Nội qua buổi hội chẩn từ xa và được thầy cô hướng dẫn về điều trị, chăm sóc nâng cao tiếp theo cho trẻ. Sau 15 ngày điều trị, trẻ đã dần cai máy thở, tập ăn qua sonde, phản xạ tốt hơn, cơn ngừng thở đã giảm nhiều.
Bác sỹ CKII Vi Hồng Kỳ, Giám đốc bệnh viện Đa khoa huyện Mộc Châu thông tin: "Khám chữa bệnh từ xa đem lại hiệu quả cho người dân, không phải đi lại về tuyến trung ương mà được các bác sĩ khám trực tiếp trên Telehealth người dân sẽ không phải mất chi phí đi lại. Đối với y bác sĩ ở tuyến cơ sở sẽ được trao đổi trực tiếp với các thầy, nâng cao được chuyên môn ở tuyến cơ sở hỗ trợ công tác điều trị tốt hơn. Với các tuyến trung ương giảm được việc quá tải do bệnh nhân các nơi tới thăm khám đặc biệt là trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp".
Hơn nữa, qua mô hình này (Telehealth) còn giúp bác sĩ tự tin hơn, tạo sự hài lòng của người bệnh đối với bệnh viện. Trong cơ sở điều trị, thống nhất chẩn đoán và hướng điều trị, từ đó hạn chế chuyển tuyến và giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên. Về phía bệnh nhân, người nhà bệnh nhân tiết kiệm chi phí đi lại, người bệnh được tư vấn, tiếp cận dịch vụ kỹ thuật y tế tuyến trên, được chẩn đoán điều trị kịp thời giúp giảm thời gian điều trị, hạn chế các biến chứng.
"Bên cạnh những hiệu quả từ chương trình đem lại, bệnh viện tuyến cơ sở còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế như trang thiết bị đang ảnh hưởng đến chất lượng khám, chữa bệnh từ xa. Do vậy, để việc khám, chữa bệnh từ xa mang lại hiệu quả cao và có sức lan tỏa lớn, cần có sự ưu tiên nâng cấp trang thiết bị hiện đại để đảm bảo hỗ trợ cho công tác chẩn đoán ở tuyến cơ sở được nâng cao và chính xác. Có như vậy việc khám ở tuyến cơ sở sẽ phát hiện ra triệu chứng chính xác khi các thầy ở tuyến dưới hội chẩn, đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả hơn", bác sỹ Kỳ nói thêm.
Tin nổi bật
Tin Video