Kinh doanh

Hiệp định RCEP có thể được ký trực tuyến trong tuần này

Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) - một ưu tiên trong chiến lược hội nhập của Việt Nam - có thể là FTA đầu tiên được ký trực tuyến.

09/11/2020 10:56

Hiệp định RCEP là FTA đầu tiên được ký trực tuyến

Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) - một ưu tiên trong chiến lược hội nhập của Việt Nam - có thể là FTA đầu tiên được ký trực tuyến.

Bangkok Post ngày 7/11 cho biết, Bộ trưởng Thương mại Jurin Laksanawisit đại diện cho Thái Lan ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) giữa tháng 11.

RCEP 1

Hiệp định RCEP là FTA đầu tiên được ký trực tuyến (Ảnh: Quốc tế)

Việt Nam với cương vị Chủ tịch ASEAN dự kiến tổ chức một loạt hội nghị cấp cao theo hình thức trực tuyến trong 4 ngày, từ 12 đến 15 tháng 11, bao gồm cả Hội nghị cấp cao Đông Á với sự tham gia của Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ. Theo lịch trình, Hội nghị cấp cao RCEP diễn ra vào ngày 15.

Bà Usana Berananda, Vụ trưởng Vụ ASEAN thuộc Bộ Ngoại giao Thái Lan trước đó cho biết: "Đây là lần đầu tiên một hiệp định như vậy được ký kết trực tuyến".

Tầm quan trọng của Hiệp định RCEP

RCEP là một hiệp định thương mại tự do (FTA) được đề xuất giữa 10 quốc gia thành viên của ASEAN và 6 đối tác của khối này là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand.

Với Việt Nam, RCEP giúp các doanh nghiệp không chỉ tiếp cận thị trường tiêu thụ lớn, quy mô GDP gấp đôi CPTPP, mà còn tiếp cận được nguồn nguyên liệu, phục vụ chuỗi sản xuất các mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu hiện nay. Việt Nam có thể nhập khẩu chip điện tử từ Nhật Bản, Hàn Quốc; nhập nguyên liệu dệt may từ Trung Quốc, sau đó sản xuất trong nước và xuất đi nước khác, đồng thời thỏa mãn quy tắc xuất xứ nội khối để tận dụng được ưu đãi thuế quan.

Trong cuộc đàm phán phút chót ngày 4/11 năm ngoái, khi Thái Lan là Chủ tịch ASEAN, Ấn Độ đã rút khỏi RCEP do còn các nhiều điểm chưa được giải quyết, đặc biệt là vấn đề liên quan đến thuế nông nghiệp. Ấn Độ sau đó tuyên bố không tham gia hiệp định trong năm nay. Nước này lo ngại việc tham gia RCEP có thể ảnh hưởng đến sinh kế của người dân yếu thế, đồng thời dẫn đến thâm hụt thương mại và hàng nhập khẩu, đặc biệt các sản phẩm giá rẻ từ Trung Quốc tràn ngập thị trường nội địa.

RCEP 2

Hội nghị hàng năm đều diễn ra thành công tốt đẹp (Ảnh: VietnamPlus)

Một tuyên bố từ RCEP cho biết 15 quốc gia tham gia đã kết thúc các cuộc đàm phán cho tất cả 20 chương và các vấn đề tiếp cận thị trường. Dù có Ấn Độ hay không, hiệp định RCEP đã được lên kế hoạch ký chính thức trong năm nay. Hiệp định sẽ có hiệu lực vào năm 2021 hoặc tháng 1/2022.

RCEP sẽ hỗ trợ thương mại và đầu tư mở, toàn diện và có quy định. Hiệp định sẽ củng cố, duy trì kết nối với chuỗi cung ứng, sản xuất trong khu vực, đặc biệt là tăng cường phục hồi kinh tế sau tác động Covid-19.

Theo quy trình phê chuẩn của quốc hội, nếu một nửa số quốc gia thành viên RCEP (trong đó ít nhất 6 quốc gia ASEAN và 4 quốc gia không phải ASEAN) phê chuẩn, hiệp định sẽ được thực thi ngay lập tức.

Năm 2019, quy mô dân số của các nước thành viên RCEP đạt mức 3,6 tỷ người, với tổng GDP trị giá hơn 28.500 tỷ USD, chiếm 32,7% GDP toàn cầu. Khối lượng thương mại của các thành viên là 11,2 nghìn tỷ đô la, ước khoảng 29,5% thương mại thế giới.

Ý kiến của bạn