Hết đất thành phố, kéo nhau lên rừng xanh núi thẳm phân lô bán nền
Hết nạc vạc đến xương, các khu phân lô bán nền cứ xa dần thành phố và đến giờ thì người ta kéo nhau lên rừng xanh núi đỏ để làm việc này.
Tôi cùng mấy người bạn kéo nhau đi dã ngoại ở hồ Cấm Sơn thuộc Lục Nam - huyện thuộc Bắc Giang giáp với Chi Lăng (Lạng Sơn). Nơi đây phong cảnh hữu tình, nhưng hồ là nơi cung cấp nước sạch cho TP Bắc Giang cũng như các khu công nghiệp của tỉnh nên không phải là nơi phát triển du lịch. Vậy mà giá đất ở đây khiến chúng tôi kinh ngạc.
Gần như không sử dụng đường bộ, phương tiện chính là thuyền, có thể nói đây là nơi “thâm sơn cùng cốc”, vậy nhưng giá 1 ha đồi xung quanh hồ lên đến 3 tỷ đồng. Thậm chí có những nơi ở phía sâu trong hồ, 3 tỷ đồng chỉ mua được nửa ha (5.000 m2). 3 tỷ đồng để đổi lấy diện tích đất chỉ có thể trồng rừng hoặc trồng vải với doanh thu mỗi năm cao nhất vài chục triệu đồng, không biết người ta mua đất với giá trên trời đó để làm gì?
Những khu đô thị cứ mọc lên ngày một cách xa thành phố. Giờ đã có những khu đô thị cách trung tâm Hà Nội đến 40 - 50 km nhưng giá một căn chung cư loại vừa cũng không hề rẻ, trung bình trên 2 tỷ đồng, còn nhà liền kề hoặc biệt thự thì từ chục tỷ đồng đến cả triệu USD. Thực tế này phần nào phản ánh xu hướng ở nơi xa thành phố chật chội khi hạ tầng giao thông được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, đằng sau đó chủ yếu vẫn là cơn sốt đất như lên đồng khắp đất nước.
Hết nạc vạc đến xương, hết thành phố, hết ngoại ô, hết các tỉnh vệ tinh xung quanh, người ta kéo nhau lên rừng xanh núi thẳm phân lô bán nền. Ở miền Bắc, Hà Nội hết quỹ đất, người ta kéo đến Hoà Bình, Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc… và khi ở đó cũng hết, họ lại kéo nhau đi xa hơn, lên Bắc Giang, thậm chí tận Mộc Châu - Sơn La...
Ở phía nam, từ TP.HCM, người ta đi Bình Phước, lên Tây Ninh, ra khắp các tỉnh Nam Trung Bộ lùng mua đất để phát triển du lịch, để phân lô bán nền, mua đi bán lại.
Ở Lâm Đồng, khi thành phố Đà Lạt trở thành khối bê tông khổng lồ và đã cơ bản phá hết rừng, người ta sục sạo đến những đồi chè mướt mát tại các huyện, phá tan hoang màu xanh để phân lô bán nền. Ở khắp tỉnh này, màu xanh bình yên của sự sống được thay thế bằng những khối bê tông báo hiệu sự tàn phá do lòng tham vô đáy của con người.
Giờ gần như không còn tìm thấy nơi nào nguyên sơ, có phong cảnh đẹp như tranh vẽ mà không sắp sửa biến thành khu đô thị phân lô bán nền với rừng bê tông hoặc khu du lịch… Cứ đà này, chỉ thời gian ngắn nữa thôi, đến cả những nơi thâm sơn cùng cốc cũng sẽ mọc lên rừng bê tông do phân lô bán nền.
Khắp nơi trên đất nước là không khí bừng bừng bạt đồi, phá núi, tận diệt rừng xanh để phân lô bán nền. Những miền quê vốn yên bình, tĩnh lặng nay quay cuồng nóng rẫy trong những cơn sốt đất không có điểm dừng. Nhà nhà buôn đất, người người làm cò đất. Giá đất ở những làng quê mà trước đây cho nhau cũng không lấy thì giờ được đẩy lên hàng chục triệu đồng/m2.
Đâu đâu cũng nghe những câu chuyện đất tăng giá như cơn lên đồng. Đâu đâu cũng nghe đến chuyện bán đất, phất lên từ đất.
Rõ ràng, xét cho cùng, để xảy ra tình trạng báo động đỏ này là do chính sách đã quá bất cập, không theo kịp diễn tiến của cuộc sống, của thị trường. Phải có một chính sách đúng đắn, kịp thời mới mong điều tiết được hoạt động của thị trường, mới có tác dụng chặn đứng cơn sốt đất quay cuồng hiện nay.
Tin nổi bật
Tin Video