Hệ quả của chiến lược phòng dịch 'cuốn theo chiều gió'
Số ca mắc COVID-19 ở Mexico đã vượt 1 triệu người, trong đó có gần 100.000 ca tử vong, xếp thứ 11 thế giới về số ca bệnh và thứ tư thế giới về số ca tử vong.
Tuy nhiên, giới chuyên gia y tế cho rằng đây là hệ quả tất yếu của chiến lược phòng chống dịch “có cũng như không” theo kiểu "cuốn theo chiều gió" của quốc gia này, khi không áp dụng các biện pháp phong tỏa hay cách ly bắt buộc.
Sau 2 tháng thực hiện khuyến cáo của chính phủ về giãn cách xã hội để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19, cuộc sống của người dân Mexico đã quay trở lại tình trạng “bình thường mới” khi chính phủ dỡ bỏ giãn cách xã hội và mở cửa lại các lĩnh vực của nền kinh tế từ ngày 1/6, bất chấp số ca nhiễm và tử vong do virus SARS-CoV-2 vẫn tăng mạnh hằng ngày. Tình trạng ách tắc giao thông lại tiếp diễn và các phương tiện giao thông công cộng lại “chật ních” người, chỉ với một điều khác biệt là sự xuất hiện của những chiếc khẩu trang y tế.
Mexico ghi nhận ca bệnh đầu tiên vào ngày 28/2 và khi dịch bắt đầu bước vào giai đoạn lây lan cộng đồng từ cuối tháng 3, chính phủ của Tổng thống Andres Manuel Lopez Obrador chỉ ban bố tình trạng khẩn cấp y tế, với việc triển khai giãn cách xã hội, tăng cường các biện pháp bảo vệ những người dễ bị tổn thương, dừng tất cả các sự kiện tập trung trên 100 người và đình chỉ các hoạt động không cần thiết trong mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội. Mặc dù chưa thể khống chế đà tăng mạnh số ca nhiễm và tử vong, chính phủ chỉ khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp y tế phòng dịch như giữ khoảng cách tối thiểu 1,5m đối với những người xung quanh ở những nơi công cộng.
Cho đến nay, số ca nhiễm bệnh thực tế ở Mexico vẫn là một dấu hỏi, khi chính phủ không áp dụng xét nghiệm đại trà để khoanh vùng dịch. Trung bình mỗi ngày, Mexico thực hiện trên 10.000 xét nghiệm và tỷ lệ cho kết quả dương tính với vi rút SARS-CoV-2 từ 30 - 60%. Các trường hợp xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 ở Mexico là người dân, theo ứng dụng số trên điện thoại thông minh về chẩn đoán bệnh, thấy mình có triệu chứng mắc COVID-19, sau đó tự đến bệnh viện để làm xét nghiệm. Có tới 85% bệnh nhân xuất hiện triệu chứng nhẹ đều tự cách ly tại gia theo khuyến cáo của cơ quan y tế. Và với việc các bệnh nhân nhẹ tự cách ly tại gia thì khả năng kiểm soát dịch tại Mexico là rất khó.
Sở dĩ, cơ quan y tế khuyến cáo người bệnh tự cách ly bởi lo ngại xảy ra tình trạng “vỡ trận” tại các bệnh viện. Hệ thống y tế Mexico hiện chỉ đáp ứng được hơn 11.000 giường bệnh điều trị và thiếu hụt nghiêm trọng về đội ngũ bác sỹ và y tá. Theo Bộ trưởng Y tế Mexico, Jorge Alcocer Varela, mạng lưới y tế nước này thiếu gần 7.000 bác sỹ và trên 23.000 y tá để đối phó với COVID-19.
Mexico không áp dụng các biện pháp mạnh như nhiều quốc gia trên thế giới để ngăn chặn sự lây lan và tiến tới kiểm soát dịch, xuất phát từ quan điểm cũng như chiến lược phòng chống dịch COVID-19 của chính quyền Tổng thống Lopez Obrador: vừa chống dịch, vừa đảm bảo giảm thiểu thiệt hại kinh tế. Ông Lopez Obrador khẳng định sẽ không áp dụng các biện pháp mạnh như cách ly bắt buộc, giới nghiêm hay đóng cửa biên giới vì cho rằng kinh tế sẽ rơi vào suy thoái và làm tổn thương tới tầng lớp dân nghèo. Ở Mexico, 52,4 triệu người dân sống trong tình trạng nghèo đói (chiếm gần 42% tổng dân số), trong đó, 15% thuộc diện nghèo cùng cực.
Tuy nhiên, dưới góc độ kinh tế, giới quan sát đánh giá rằng Tổng thống Mexico Andres Manuel López Obrador đã cho thấy cách tiếp cận không chỉ đặt nền kinh tế lên trước sức khỏe của người dân, mà còn cả biện pháp "thắt lưng buộc bụng" về tài khóa so với tình trạng kinh tế hiện tại. Mexico đã giữ mức chi tiêu trong tầm kiểm soát và dường như cam kết không nâng mức nợ công, thể hiện ở mức chi tiêu công để kích hoạt lại nền kinh tế ở mức thấp chỉ bằng 0,7% GDP.
Theo Tổng thống López Obrador, Mexico sẽ không thể thực hiện chính sách tài khóa ngược vòng tuần hoàn vì nước này không thể tăng mức nợ. Tuy nhiên, mức nợ công của Mexico chỉ khoảng 58% GDP, rất thấp so với Argentina và Brazil, và có khả năng tiếp cận tín dụng quốc tế, với hạn mức tín dụng linh hoạt đã được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) phê duyệt. Các tổ chức tài chính đa phương dự báo GDP của Mexico trong năm 2020 sẽ tăng trưởng âm 10%, với sự phục hồi rất chậm và phải tới năm 2025 mới lấy lại đà phục hồi như trước đại dịch.
Quay trở lại với tình trạng dịch, Chính phủ Mexico có lẽ nhận ra rằng, vào thời điểm này, để áp dụng các biện pháp mạnh nhằm ngăn chặn sự lây lan và kiểm soát dịch là bất khả thi, và đặt cược toàn bộ vào vaccine sớm được nghiên cứu thành công. Chính phủ Mexico thông báo đã ký hợp đồng mua 198 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 để cung cấp miễn phí cho người dân. Ngoại trưởng Marcelo Ebrard cho biết Mexico sẽ tiếp nhận các liều vaccine trên từ tháng 12/2020 - 8/2021 và ưu tiên cho bác sỹ, nhân viên y tế cũng như những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương.
Theo kế hoạch, 35 triệu liều vaccine (1 liều/người) của công ty dược phẩm CanSino Biologics (Trung Quốc) sẽ được tiêm vào tháng 12 tới; tiếp đó là 77,4 triệu liều (2 liều/người) của hãng liên doanh Anh-Thụy Điển AstraZeneca và 34,4 triệu liều (2 liều/người) của công ty dược Pfizer (Mỹ). Bên cạnh đó, Mexico cũng thanh toán trước 160 triệu USD để mua 51,57 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, theo Cơ chế tiếp cận toàn cầu vaccine COVID-19 (COVAX), được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thúc đẩy.
Không chỉ người dân Mexico mà cả thế giới đều mong đợi vaccine ngừa COVID-19. Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng cho đến khi vaccine được phổ cập, thì ở những quốc gia chấp nhận để tình trạng dịch “cuốn theo chiều gió” như Mexico, số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 sẽ tiếp tục tăng.
Tin nổi bật
Tin Video