'Hãy ứng xử với Hội An như một Di sản văn hoá thay vì là điểm du lịch'
(VOVTV) - Xung quanh việc thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam triển khai bán vé tham quan đối với tất cả du khách khi vào tham quan phố cổ đang được dư luận cả nước đặc biệt quan tâm. Nhiều người yêu mến Hội An lo ngại việc Di sản Văn hoá thế giới nhưng được được ứng xử như một nơi để “tận thu”? Hội An sẽ đánh mất mình nếu cứng nhắc thực hiện chủ trương phân luồng, bán vé tham quan?
PV: Thưa ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An, là một người gắn bó lâu năm với đô thị cổ Hội An, từng dành nhiều tâm huyết cho công tác bảo tồn văn hoá, phát triển du lịch Hội An, theo ông, điều gì ở phố cổ Hội An luôn được du khách trong và ngoài nước yêu mến nhất?
Ông Nguyễn Sự: Điểm xuất phát của du lịch thành phố Hội An bắt đầu từ phố cổ, từ các giá trị văn hoá, do đó khi ứng xử với Hội An là phải ứng xử với một di sản văn hóa rồi sau đó mới nói đến việc ứng xử với một điểm đến du lịch. Phố cổ Hội An hoàn toàn khác với các di tích được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới vì đó là di tích sống, khác hoàn toàn cố đô Huế, khu đền tháp Mỹ Sơn. Hội An cũng khác với các di sản thiên nhiên như động Phong Nha. Các di sản này đều không có người sinh sống trong lòng di sản, nhưng phố cổ Hội An ngoài kiến trúc vật thể thì còn yếu tố lớn hơn đã tạo nên hồn cốt của Di sản Văn hóa thế giới Hội An, đó là những con người đang sống trong lòng phố cổ. Chính họ đã tạo ra các giá trị văn hóa và làm cho các giá trị văn hóa của Hội An từ trong quá khứ đã tốt đẹp thì bây giờ đang được những con người đương đại, đang sống trong lòng di sản làm cho sáng lên, phong phú hơn. Chính những sinh hoạt của họ đã tạo nên sức hút vô hình, khiến du khách gần xa thêm yêu mến Hội An.
PV: Những ngày gần đây dư luận đặc biệt quan tâm đến việc thành phố có chủ trương bắt buộc mọi du khách khi vào phố cổ phải mua vé tham quan? Lãnh đạo thành phố cũng cho rằng thu tiền bán vé để có nguồn lực trùng tu phố cổ, ông suy nghĩ thế nào về vấn đề này?
Ông Nguyễn Sự: Nếu là di sản, khi mọi người đến tham quan thì người dân cần có kinh phí để trùng tu, tức là phải mang lại lợi ích cho người dân từ di sản, để người dân thấy rằng giá trị của di sản không chỉ có ý nghĩa về mặt tinh thần mà còn mang lại giá trị vật chất trong cuộc sống hiện tại của họ và con cháu họ sau này phải có thu nhập. Người dân trong phố cổ phải buôn bán được, kinh doanh phù hợp với quy chế trong phố cổ để rồi họ mới tiếp tục gắn bó với phố cổ. Do đó bán vé khi vào tham quan phố cổ Hội An là việc phải làm.
PV: Việc triển khai bán vé tham quan phố cổ Hội An có gì khác so với việc bán vé tại nhiều di sản hay các điểm tham quan khác thưa ông?
Ông Nguyễn Sự: Phố cổ Hội An rất khác cố đô Huế hay khu đền tháp Mỹ Sơn, không phải cứ đóng barie lại là bán vé mà ở đây là một khu phố sống. Người dân trong phố cổ sinh hoạt bình thường như mọi nơi. Do đó bất cứ một chủ trương nào đưa ra thì trước hết phải mang lại lợi ích cho người dân đang sinh sống trong phố cổ. Chủ trương nào mà không mang lại lợi ích cho người dân trong phố cổ thì phải xem lại.
PV: Từ trước tới nay, thành phố Hội An tổ chức bán vé tham quan như thế nào, hiệu quả ra sao thưa ông?
Ông Nguyễn Sự: Chủ trương bán vé cho khách tham quan phố cổ Hội An đã có từ năm 1995, lúc đó tôi còn làm Chủ tịch UBND thành phố Hội An. Thời điểm đó, để bảo vệ chủ trương bán vé tham quan, thành phố cũng gặp rất nhiều khó khăn. Có thời điểm tiền in vé tham quan hết chi phí 52 triệu đồng nhưng bán xong chỉ thu về được có 50 triệu đồng. Sau khi tổ chức lại việc bán vé một cách phù hợp hơn. Chủ trương bán vé ở thời điểm đó là ai vào phố cổ thì phải mua vé nhưng phải luôn lưu ý rằng: kiểm soát vé tham quan ai và không kiểm soát ai? Những đoàn khách đã nộp tiền cho các tour du lịch để được vào tham quan phố cổ Hội An thì bắt buộc phải mua vé, không thể nào đi chuôi được.
Lâu nay có tình trạng một số đơn vị lữ hành đã cơ cấu giá vé tham quan rồi nhưng mà sau khi đưa khách vào phố cổ lại không mua vé mà chia nhỏ đoàn khách ra để đi vào phố cổ, lách việc mua vé. Làm như vậy du khách bị thiệt hại nhiều nhất. Tuy nhiên, đối với khách là người Việt Nam đi riêng lẻ từ các nơi đến Hội An, dù họ có đi tham quan không, khi vào phố cổ Hội An họ có thể tự nguyện mua vé chứ thành phố không bắt buộc. Vì có thể họ đã đi tham quan phố cổ Hội An nhiều lần rồi, họ hiểu Hội An quá rõ rồi thì không có lý do gì mà yêu cầu họ phải mua vé tham quan nữa.
PV: Bán vé tham quan phố cố Hội An đã có từ lâu, thế nhưng tại sao khi đề cập lại vấn đề này vẫn còn nhiều vấn đề chưa thực sự thỏa đáng khiến dư luận băn khoăn, thưa ông?
Ông Nguyễn Sự : Vấn đề ở chỗ khi một đề án đang quá trình xây dựng, sắp đưa ra lấy ý kiến thì có thể bản thân lãnh đạo thành phố Hội An đã chưa giải thích rõ khiến dư luận hiểu nhầm vấn đề. Quan điểm của thành phố Hội An qua các thời kỳ là không tận thu. Việc bán vé tham quan phố cổ là phải làm.
PV: Chính quyền thành phố dự định sẽ phân luồng, kiểm soát người vào phố cổ? Điều này đang vấp phải sự phản đối gay gắt của dư luận và cả người dân trong khu phố cổ, ông nghĩ sao về điều này?
Ông Nguyễn Sự: Về việc phân luồng du khách vào phố cổ Hội An tôi cũng chỉ nghe lãnh đạo thành phố nói vậy, chứ thật sự tôi cũng chưa hiểu sẽ phân luồng kiểu gì. Người dân trong phố cổ họ có quyền đi lại tự do, đi trên mọi đường phố nên phân luồng kiểu gì cho phù hợp? Chả lẽ người địa phương đi vào phố cổ Hội An, người ta chỉ được đi đường này mà không được đi đường kia à?
Tôi có trao đổi với lãnh đạo thành phố Hội An và hiểu dự định của thành phố là phân luồng đối với những đoàn du khách, khi vào phố cổ sẽ đi theo những con đường mà thành phố quy định. Đoàn lữ hành sẽ đưa du khách đi theo đường Lê Lợi hoặc Nguyễn Thị Minh Khai, còn người dân họ sẽ được đi tự do như lâu nay. Tôi cũng được biết rằng lãnh đạo thành phố Hội An đang lắng nghe, tiếp thu ý kiến dư luận, sau khi tổ chức lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp… thành phố sẽ tổng hợp để có sự điều chỉnh cho phù hợp.
Năm 2012, lúc đó khi tôi còn làm việc, tôi cũng từng vấp phải phản đối từ dư luận khi tổ chức kiểm soát vé tham quan phố cổ Hội An. Lúc đó thành phố Hội An lập nhiều trạm kiểm soát vé, dẫn đến sự phản cảm nên người dân phản đối, Chính quyền thành phố luôn lắng nghe ý kiến người dân và dư luận. Họ góp ý đúng mình phải tiếp thu và điều chỉnh để cho phố cố Hội An mãi là di sản sống, nơi đây không chỉ phục vụ cho mỗi khách tham quan mà còn phục vụ cho những người không phải du khách nhưng vì tình yêu với Hội An nên họ đến đây. Đôi lúc họ đã đi vào Hội An cả trăm lần rồi, họ thuộc lòng từng ngóc ngách, biết rõ từng ngôi chùa, từng hội quán… bây giờ nhớ Hội An, họ muốn đi ngang qua Chùa Cầu thì tại sao phải mua vé? Có người mua vé, có người không mua vé thì điều đó cũng không phải là sự thất thoát gì lớn cả. Họ vào phố cổ chụp một tấm ảnh đẹp đăng lên mạng xã hội để cộng đồng biết được Hội An đẹp thế này thì chính họ là người góp phần giới thiệu hình ảnh, con người và văn hóa Hội An. Họ không chỉ là người hưởng thụ thôi đâu mà còn góp phần làm đẹp cho Hội An. Bắt buộc họ phải mua vé thì tình yêu dành cho Hội An sẽ bị hụt hẫng, còn đâu cảm xúc để cho ra những tấm ảnh đẹp. Ví dụ như giá một tô Cao Lầu trong khu phố cổ là 30 ngàn đồng nhưng khách vào ăn phải mua vé tới 80 ngàn đồng thì không ai vào ăn nữa, quán bán Cáo Lầu cũng ế khách thì họ cũng khó lòng đủ khả năng gìn giữ di tích.
PV: Thưa ông, hạ tầng phố cổ Hội An xuống cấp có phải xuất phát từ việc quá tải du khách? Có ý kiến cho rằng ngoài khu phố cổ thì những năm qua Hội An vẫn còn quá ít sản phẩm du lịch mới để níu chân du khách?
Ông Nguyễn Sự: Quá tải trong phố cố có nhiều nguyên nhân. Người ta yêu Hội An quá họ tới dẫn đến quá tải, điều này là đáng mừng nhưng cũng đáng lo vì môi trường ô nhiễm, phố cổ xuống cấp. Nhưng quá tải là cũng vì lý do mình tạo ra khi mọi hoạt đồng đều dồn vào phố cổ, trong khi ngoại vi rất nhiều chỗ mình bỏ trống thì họ phải vào phố cổ thôi. Thành phố Hội An lo chuyện quá tải là đúng, nhưng tìm ra nguyên nhân vì sao quá tải, chứ không phải vì không bán vé mà quá tải. Hội An phải tự làm mới mình đi, làm mới trên các giá trị cũ. Nếu không làm mới thì không khéo, dần dần Hội An trở thành một điểm vệ tinh của Đà Nẵng, khách vào đây quanh một chút rồi về Đà Nẵng ngủ vì nơi đây không có gì để cuốn hút họ, phải làm mới mình, không chỉ phố cổ mà còn nhiều chỗ khác.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!.
Tin nổi bật
Tin Video