Hành vi giả giấy tờ để trục lợi từ bảo hiểm bị xử lý thế nào?
Theo luật sư Nguyễn Đức Hùng, hiện nay, tình trạng vi phạm pháp luật liên quan đến bảo hiểm đang ngày càng gia tăng. Hình thức trục lợi được sử dụng nhiều nhất là tạo hiện trường giả, giả mạo giấy tờ, lợi dụng chức vụ…
Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an vừa ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, liên quan đến vụ “1 khách hàng mua 19 hợp đồng bảo hiểm”. Trong vụ án này, ông Nguyễn Văn Khánh (sinh năm 1987, thường trú TP. Hải Phòng) bị Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và 9 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ (Liberty, Prudential, Aviva, MB Ageas, FWD, Generali, Dai-ichi, VBI, Cathay) tố giác "có dấu hiệu gian dối trong kê khai mua bảo hiểm nhằm chiếm đoạt tiền bảo hiểm".
Giả giấy tờ để trục lợi tiền từ 19 doanh nghiệp bảo hiểm
Theo đó, biết trước mình bị ung thư tuyến giáp, bằng cách giả mạo thông tin nhân thân để khám tại bệnh viện và nhận được kết quả chẩn đoán là bị ung thư tuyến giáp, chỉ trong một thời gian ngắn, từ cuối tháng 9/2019 đến đầu tháng 11/2019, ông Khánh đã có 25 yêu cầu bảo hiểm tại 15 công ty bảo hiểm và đã mua được 19 hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe.
Sau khi hết thời gian chờ theo quy định của hợp đồng bảo hiểm, ông Khánh đã hợp pháp hóa hồ sơ bệnh án bằng cách đi khám và điều trị tại Bệnh viện K Hà Nội và nộp hồ sơ yêu cầu chi trả quyền lợi bảo hiểm.
Cho đến thời điểm phát hiện vụ việc, ông Khánh đã được 5 công ty bảo hiểm chi trả số tiền ban đầu khoảng 4 tỉ đồng. Nếu không kịp thời điều tra làm rõ, số tiền các công ty bảo hiểm sẽ phải tiếp tục chi trả có thể lên tới trên 20 tỉ đồng.
Liên quan vụ việc này, có nhiều ý kiến tranh luận trái chiều của các thành viên trong giới bảo hiểm, một bên cho rằng khách hàng này trục lợi bảo hiểm, bên kia thì không.
Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Đức Hùng - Phó Trưởng Phòng Tranh tụng, Công ty Luật TNHH TGS (đoàn luật sư Hà Nội) cho biết, hiện nay, pháp luật không có quy định về giới hạn số lượng hợp đồng bảo hiểm nhân thọ mà một người có thể tham gia. Vì vậy, một người có thể tham gia một hay nhiều hợp đồng bảo hiểm dựa trên nhu cầu và điều kiện tài chính của mình. Trong trường hợp một người mua từ hai bảo hiểm nhân thọ trở lên thì khi có rủi ro xảy ra, người đó sẽ được hưởng quyền lợi bảo hiểm theo tất cả các hợp đồng.
"Tại Điều 44 Luật kinh doanh bảo hiểm 2000 quy định: Hợp đồng bảo hiểm trùng là trường hợp bên mua bảo hiểm giao kết hợp đồng bảo hiểm với hai doanh nghiệp bảo hiểm trở lên để bảo hiểm cho cùng một đối tượng, với cùng điều kiện và sự kiện bảo hiểm; Trong trường hợp các bên giao kết hợp đồng bảo hiểm trùng, khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, mỗi doanh nghiệp bảo hiểm chỉ chịu trách nhiệm bồi thường theo tỷ lệ giữa số tiền bảo hiểm đã thỏa thuận trên tổng số tiền bảo hiểm của tất cả các hợp đồng mà bên mua bảo hiểm đã giao kết. Tổng số tiền bồi thường của các doanh nghiệp bảo hiểm không vượt quá giá trị thiệt hại thực tế của tài sản”- luật sư Hùng phân tích
Như vậy, khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, mỗi doanh nghiệp bảo hiểm chỉ chịu trách nhiệm bồi thường theo tỷ lệ giữa số tiền bảo hiểm đã thỏa thuận trên tổng số tiền bảo hiểm của tất cả các hợp đồng mà bên mua bảo hiểm đã giao kết. Tổng số tiền bồi thường của các doanh nghiệp bảo hiểm không vượt quá giá trị thiệt hại thực tế của tài sản.
Tuy nhiên, theo phân tích của luật sư Hùng, bảo hiểm trùng chỉ áp dụng trong hợp đồng bảo hiểm hiểm tài sản. Còn bảo hiểm nhân thọ là hợp đồng bảo hiểm con người nên không áp dụng quy định chi trả như trên. Do đó, một cá nhân được phép mua nhiều bảo hiểm nhân thọ khác nhau, nếu rủi ro xảy ra thuộc phạm vi bảo hiểm của các hợp đồng đó thì sẽ được bảo hiểm chi trả và thanh toán theo từng hợp đồng riêng biệt đúng như thỏa thuận mà không liên quan đến sự tồn tại của các hợp đồng khác (cùng một quyền lợi bảo hiểm), việc trả tiền ở các hợp đồng bảo hiểm là hoàn toàn độc lập.
Hành vi khai báo gian dối để trục lợi bảo hiểm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Đối với hành vi cố ý cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm để được trả tiền bảo hiểm hoặc được bồi thường của người mua bảo hiểm thì Doanh nghiệp bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm và thu phí bảo hiểm đến thời điểm đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm khi bên mua bảo hiểm theo quy định tại khoản 2 Điều 19 Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000.
Hành vi khai báo gian dối để trục lợi bảo hiểm trị giá từ 2.000.000 đồng trở lên thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015, với mức hình phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 20 năm hoặc tù chung thân, tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Theo luật sư Nguyễn Đức Hùng, hiện nay, tình trạng vi phạm pháp luật liên quan đến bảo hiểm đang ngày càng gia tăng. Hình thức trục lợi được sử dụng nhiều nhất là tạo hiện trường giả, giả mạo giấy tờ, lợi dụng chức vụ…
Trước thực trạng này, luật sư Hùng cho rằng, cần có những biện pháp khắc phục và chế tài xử lý hành chính trong trường hợp người mua bảo hiểm có hành vi gian dối, khai báo không đúng sự thật.
Trường hợp đã bị xử phạt hành chính và yêu cầu khắc phục hậu quả nhưng vẫn tiếp tục tái phạm thì mới áp dụng các quy định của pháp luật luật hình sự để truy cứu trách nhiệm hình sự. Bên cạnh đó, các đơn vị kinh doanh bảo hiểm cần phải có kế hoạch cụ thể trong công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát phát hiện, xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân, doanh nghiệp vi phạm.