Khám phá

Hành trình vạn lý đến thượng nguồn Mekong – Lan Thương (phần cuối)

Theo dự kiến ban đầu, hành trình theo dòng Lan Thương sẽ đến tận nơi con sông này chảy ra khỏi đất Trung Quốc sang Myanmar để trở thành dòng Mekong, song do tình hình dịch bệnh, thành phố Bảo Sơn thuộc tỉnh Vân Nam đã trở thành chặng cuối cùng của chuyến đi này.

Tác giả Bích Thuận / VOV Bắc Kinh  -  
27/11/2020 08:59

Thành phố Bảo Sơn, giáp ranh với Myanmar là một trong những địa phương có dòng Lan Thương chảy qua khá dài tại tỉnh Vân Nam, khoảng 133km. Để đến được gần dòng sông, đoàn phóng viên đã phải trải qua một chặng đường núi quanh co, hiểm trở hơn 40km để đến được thôn Bình Pha, thuộc xã Thủy Trại.

Hành trình vạn lý đến thượng nguồn Mekong – Lan Thương (phần cuối) - Ảnh 1.

Đường vào làng Bình Pha

Cũng như nhiều ngôi làng vùng sơn cước khác, Bình Pha nằm tĩnh lặng nép mình bên núi và dòng Lan Thương xanh biếc. Đâu đó, người ta còn thấy những rặng tre, khóm trúc, những bắp ngô phơi trước nhà hay một vài cây thanh long mọc tản mạn ven đường.

Thật khó có thể hình dung ngôi làng bình dị, nằm vắt vẻo trên núi cao này từng là một trong những nơi bắt nguồn của Trà Mã cổ đạo - một trong những tuyến thông thương nằm ở vị trí cao nhất, nguy hiểm nhất trên thế giới, cũng là trạm dừng chân quan trọng của Con đường Tơ lụa cổ đại ở phía Nam Trung Quốc, kết nối thông thương giữa các tỉnh Tứ Xuyên, Vân Nam... với khu vực Đông Nam Á, Tây Á, thậm chí châu Âu.

Con đường Tơ lụa cổ đại ở phía Nam này thậm chí còn ra đời trước cả Con đường Tơ lụa nổi tiếng trong lịch sử có từ thời Tây Hán, với điểm khởi đầu từ kinh thành Trường An (tức Tây An, tỉnh Thiểm Tây).

Hành trình vạn lý đến thượng nguồn Mekong – Lan Thương (phần cuối) - Ảnh 2.

Con đường cổ trong làng Bình Pha

Con đường cổ trong làng từng là tuyến đường duy nhất để đi vào Bảo Sơn qua dòng Lan Thương trên Con đường Tơ lụa cổ đại. Không ít tảng đá trên con đường này vẫn còn hằn vết móng ngựa của một thời kỳ giao thương hưng thịnh hơn 2000 năm về trước.

Cổng làng với tên gọi “Trại Môn” được xây từ thời nhà Minh, cũng là một di chỉ kiến trúc hiếm có còn sót lại của Con đường Tơ lụa cổ đại ở phía Nam.

Hành trình vạn lý đến thượng nguồn Mekong – Lan Thương (phần cuối) - Ảnh 3.

Chị Dương Dung, cán bộ tuyên truyền xã Thủy Trại

Chị Dương Dung, cán bộ tuyên truyền xã Thủy Trại giới thiệu: “Con đường Tơ lụa phía Nam là con đường thông thương quan trọng bắt đầu từ Tứ Xuyên, qua Vân Nam, tới các quốc gia Đông Nam Á, để giao lưu văn hóa và trao đổi hàng hóa. Bình Pha có vị trí quan trọng, bởi nó cũng là một trong những nơi phải đi qua khi di chuyển giữa Vân Nam và các nước Đông Nam Á. Từ đây, vượt qua dòng sông Lan Thương sẽ đến được Myanmar và sang các quốc gia Đông Nam Á khác.”

Hành trình vạn lý đến thượng nguồn Mekong – Lan Thương (phần cuối) - Ảnh 4.

Ba cây cầu bắc qua dòng Lan Thương

Giờ đây, trên dòng Lan Thương chảy ngay cạnh ngôi làng có 3 cây cầu quan trọng. Cây cầu thấp nhất có tên Tế Hồng, được lấy tên theo cây cầu cổ vốn được mệnh danh là “Tây Nam đệ nhất kiều” và tồn tại cách đó không xa, nay chỉ còn lại qua các ghi chép trên vách đá.

Vào thời Đông Hán, đây là cây cầu được làm bằng mây bắc trên vách đá treo leo vắt qua sông Lan Thương. Đến thời nhà Minh, cầu được xây lại dưới dạng cầu treo bằng thép và là cây cầu treo cổ nhất Trung Quốc, có lịch sử hơn 400 năm, nối sang Myanmar, tới Ấn Độ. Tuy nhiên đến năm 1986 cây cầu cổ đã bị nước lũ cuốn trôi sau một trận mưa lớn.

Cây cầu thứ 2 là cầu đường ống dẫn dầu giữa Trung Quốc và Myanmar, cây cầu thứ 3 cao nhất là cầu đường sắt nối từ Đại Lý đến Thụy Lệ trên đất Vân Nam.

Những cây cầu này đã trở thành biểu tượng du lịch và văn hóa của thành phố Bảo Sơn, đặc biệt là làng Bình Pha.

Hành trình vạn lý đến thượng nguồn Mekong – Lan Thương (phần cuối) - Ảnh 5.

Bí thư chi bộ Bình Pha

Theo ông Chu Hồng Quang, Bí thư chi bộ Bình Pha, một công ty du lịch đã được thành lập tại đây từ năm 2015 với thu nhập hàng năm khoảng 150.000 nhân dân tệ (hơn 500 triệu đồng Việt Nam). Ông nói: “Khách du lịch tới thôn Bình Pha chủ yếu trải nghiệm Con đường Tơ lụa cổ đại, các tác phẩm điêu khắc trên vách núi và ngồi thuyền, ngồi cáp thưởng ngoạn cảnh đẹp trên sông Lan Thương.”

Ông còn cho biết, vào các dịp nghỉ lễ dài hay mùa du lịch, mỗi ngày có tới 5.000 khách du lịch đến đây và mỗi sạp hàng của người dân địa phương ở đây có thể kiếm được tầm 2.000 nhân dân tệ (khoảng 7 triệu đồng Việt Nam)/ngày.

Hành trình vạn lý đến thượng nguồn Mekong – Lan Thương (phần cuối) - Ảnh 6.

Dòng Lan Thương chảy về phía Tây Song Bản Nạp trước khi ra khỏi lãnh thổ Trung Quốc

Từ Bảo Sơn, dòng Lan Thương tiếp tục chảy sang Tây Song Bản Nạp (Xishuangbanna), một địa phương khác của tỉnh Vân Nam và ra khỏi lãnh thổ Trung Quốc, chảy sang Myanmar chính thức mang tên Mekong, rồi chảy tiếp qua các nước Đông Nam Á khác trước khi đổ ra Biển Đông tại Việt Nam./.

Một số hình ảnh về làng Bình Pha bên dòng Lan Thương:

Hành trình vạn lý đến thượng nguồn Mekong – Lan Thương (phần cuối) - Ảnh 7.

Đường làng Bình Pha


Hành trình vạn lý đến thượng nguồn Mekong – Lan Thương (phần cuối) - Ảnh 8.

Cây thanh Long trồng ở làng Bình Pha

Hành trình vạn lý đến thượng nguồn Mekong – Lan Thương (phần cuối) - Ảnh 9.

Vết móng ngựa trên con đường cổ đã có lịch sử hơn 2.000 năm trong làng Bình Pha

Hành trình vạn lý đến thượng nguồn Mekong – Lan Thương (phần cuối) - Ảnh 10.

Một ngôi nhà của người dân trong làng

Hành trình vạn lý đến thượng nguồn Mekong – Lan Thương (phần cuối) - Ảnh 11.

Một cụ bà ở Bình Pha

Hành trình vạn lý đến thượng nguồn Mekong – Lan Thương (phần cuối) - Ảnh 12.

Cảnh sinh hoạt của người dân Bình Pha

Hành trình vạn lý đến thượng nguồn Mekong – Lan Thương (phần cuối) - Ảnh 13.

Hành trình vạn lý đến thượng nguồn Mekong – Lan Thương (phần cuối) - Ảnh 14.

Hành trình vạn lý đến thượng nguồn Mekong – Lan Thương (phần cuối) - Ảnh 15.

Trại Môn - cổng làng cổ từ thời nhà Minh

Hành trình vạn lý đến thượng nguồn Mekong – Lan Thương (phần cuối) - Ảnh 16.

Dòng Lan Thương bên làng Bình Pha

Hành trình vạn lý đến thượng nguồn Mekong – Lan Thương (phần cuối) - Ảnh 17.

Cầu Tế Hồng mới bắc qua sông Lan Thương

Hành trình vạn lý đến thượng nguồn Mekong – Lan Thương (phần cuối) - Ảnh 18.

Những ghi chép khắc trên vách núi về cầu Tế Hồng cổ, cây cầu được mệnh danh là "Tây Nam đệ nhất kiều"

Ý kiến của bạn