Hành trình vạn lý đến thượng nguồn Mekong – Lan Thương (phần 8)
Từ huyện Mang Khang, Khu tự trị Tây Tạng, dòng Lan Thương tiếp tục chảy sang tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Một trong những nơi dòng sông chảy qua ở tỉnh này chính là Đại Lý.
Trong 3 tỉnh và khu tự trị ở Trung Quốc mà dòng Lan Thương chảy qua, đoạn ở tỉnh Vân Nam là dài nhất, khoảng 1.200km. Châu tự trị dân tộc Bạch Đại Lý là 1 trong số 7 địa phương tại Vân Nam được tắm mình trong dòng sông này với độ dài khoảng 85km, diện tích lưu vực hơn 16.600km2 và dân số hơn 1,8 triệu người.
Đường đi từ Tây Tạng đến Vân Nam để tiếp tục xuôi dòng Lan Thương chứng kiến không ít những đỉnh và dãy tuyết sơn hùng vĩ và cực kỳ linh thiêng đối với người dân địa phương như Mai Lí, Bạch Mã.
Nói đến Châu tự trị dân tộc Bạch Đại Lý, không thể không nhắc tới thành cổ Đại Lý, một trong những điểm du lịch nổi tiếng nhất Vân Nam. Trước đây, Đại Lý từng là vương quốc của người Bạch, tồn tại từ năm 937 đến năm 1253, nằm trong khu vực của tỉnh Vân Nam, Quý Châu và Tây Nam tỉnh Tứ Xuyên ngày nay.
Mặc dù dịch Covid-19 chưa qua, nhưng những ngày này du khách đến đây vẫn tấp nập. Tuy nhiên, theo giới thiệu của ông Đổng Học Trí, Phó ban tuyên truyền Thành ủy Đại Lý, cũng như nhiều nơi khác, du lịch tại đây đã phải chịu ảnh hưởng không nhỏ của dịch bệnh, đặc biệt là từ tháng 1 đến tháng 4 năm nay. Không ít các cửa hàng đã phải đóng cửa, một điều hiếm thấy ở khu thành cổ này.
Tầm tháng 6, du lịch Đại Lý đã dần hồi phục, đặc biệt là dịp Quốc khánh Trung Quốc 1/10 vừa qua, cơ bản đã đạt khoảng 70% cùng kỳ. Trong đó, du lịch cao cấp chiếm đa số.
Thành cổ Đại Lý dựa lưng vào dãy Thương Sơn và nhìn ra phía hồ Nhĩ Hải rộng lớn. Với diện tích lên đến 252km2, đây là hồ nước ngọt lớn thứ hai Vân Nam, thứ 7 ở Trung Quốc và chảy ra sông Lan Thương. Do đây là “dòng sông Mẹ” của Đại Lý, nên vài năm trở lại đây, việc bảo vệ nguồn nước tại hồ này đã dần nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương.
Chị Triệu Đình, nhân viên Ban Chỉ huy xây dựng Hành lang sinh thái hồ Nhĩ Hải cho biết: “Ấn tượng của tôi về hồ Nhĩ Hải trước đây không trong xanh như bây giờ, nhất là trước năm 2015. Đến nay, nếu đến gần bờ, sẽ thấy nước trong hơn rất nhiều, hơn nữa trên mặt hồ đã xuất hiện nhiều khóm hoa. Những năm trước không thể thấy hoa mọc thành vạt như vậy.”
Vào những năm 80 của thế kỷ trước, do tiến trình đô thị hóa nhanh chóng, Nhĩ Hải từng có thời kỳ bị ô nhiễm nặng. Hiện nay, một công cuộc cải tạo nguồn nước và cảnh quan môi trường đang được tiến hành rầm rộ với những biện pháp mạnh tay tại đây.
Một hành lang sinh thái dài 129km quanh hồ đang được gấp rút xây dựng, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm nay. 12km đầu tiên vừa được vận hành thử vào tháng 9 vừa qua. Dọc hành lang này là những người dân địa phương trong vai trò “nhân viên môi trường” thu gom rác thải ven bờ hoặc trên mặt hồ.
Cùng với việc đóng các cửa xả nước thải ra hồ, xử lý nghiêm các hành vi xả nước thải bừa bãi và bắt cá bằng chích điện, công tác chỉnh đốn các công trình xây dựng sai quy định và kinh doanh tùy tiện ven hồ cũng được tiến hành.
Việc xây dựng những ngôi nhà dọc hai bờ Nhĩ Hải phải chịu sự kiểm soát chặt chẽ kể từ năm 2015. Việc sửa sang phải được thực hiện theo quy định, tối đa chỉ được cao 2,5 tầng và đặc biệt không được xây mới. Diện tích xây dựng thường vào khoảng 300m2 và mang những nét đặc trưng của kiến trúc dân tộc Bạch với tường trắng không trang trí hoặc có trang trí hoa văn, chữ viết hay các bức họa và ngói xanh đen truyền thống.
Ý thức được nước là cội nguồn của sự sống và sự phát triển của chính mình, chính quyền địa phương ngày càng chú trọng việc bảo vệ môi trường nước hồ Nhĩ Hải và sông Lan Thương trên địa phận Đại Lý.
Một số hình ảnh về Đại Lý: