Tin tức

Hàng trăm sinh viên tại Cần Thơ bỗng dưng mắc nợ

(VOVTV) - Hàng trăm sinh viên đang theo học các trường Cao đẳng, Đại học trên địa bàn Cần Thơ bỗng dưng thiếu nợ từ 10 đến 60 triệu đồng.

Tác giả Phạm Hải / VOV ĐBSCL
03/06/2022 09:18

Trong khi các em sinh viên này không nhận bất cứ tiền hay sản phẩm gì. Lý do của vấn đề là, hàng trăm sinh viên này bị một người tên Trương Quang Anh Đức, ngụ Cần Thơ nhờ giả làm khách hàng đăng ký mua sản phẩm để chạy doanh số cho cửa hàng Thế giới di động và cửa hàng FPT.

Hiện là sinh viên năm thứ 3 Trường Đại học Cần Thơ, Nguyễn Hữu Lộc (ngụ quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ) chia sẻ, thông qua một người, Lộc biết Trương Quang Anh Đức tự nhận mình là người chạy doanh số cho cửa hàng Thế giới di động và cửa hàng FPT, công việc do các cửa hàng trên tạo ra khi thiếu doanh số.

Mỗi người được cung cấp một tài khoản và khi hoàn tất hồ sơ sẽ được trả tiền công cho mỗi bộ hồ sơ là 400.000 đồng, nếu giới thiệu thêm bạn sẽ được hưởng từ 150.000 - 200.000 đồng. Với những lời dụ dỗ của Trương Quang Anh Đức rằng, hồ sơ trả góp được duyệt sẽ được hệ thống hủy sau 2 ngày và chỉ việc đứng ra ký tên vay hộ mua trả góp, không cần cọc hay trả bất cứ chi phí nào.

Hàng trăm sinh viên tại Cần Thơ bỗng dưng mắc nợ - Ảnh 1.

Những em sinh viên bị lừa bỗng dưng thiếu nợ từ 10 đến 60 triệu đồng

Nguyễn Hữu Lộc cho biết, bản thân đang nợ khoảng 60 triệu đồng với 4 hồ sơ vay, hiện không có khả năng chi trả và liên tục bị nhắn tin, điện thoại đòi nợ, thậm chí đe dọa. Giờ đây, sinh viên này buộc phải đi làm thuê để có tiền trả nợ.

"Nhờ chúng tôi chạy doanh số cho hai cửa hàng đó, khi đậu hồ sơ, Anh Đức trả tiền công 400.000 đồng và mỗi người được làm tối đa 2 hồ sơ. Sau đó tôi giới thiệu cho một hai người nữa và nhận được tiền hoa hồng trên mỗi hồ sơ đậu là 150.000 đồng.

Trước đó, Anh Đức nói hồ sơ sẽ bị hủy sau 2 ngày, nhưng tới 22/4, Đức nói anh bị vỡ nợ và thú nhận lấy tiền của chúng tôi vay ngân hàng đi ra ngoài cho vay nặng lãi. Tôi và em tôi đang nợ khoảng 60 triệu đồng và không có khả năng chi trả phải đi làm trả nợ. Phía ngân hàng một ngày gọi chừng 20 đến 30 cuộc gọi để đòi nợ"- Nguyễn Hữu Lộc kể lại.

Hàng trăm sinh viên tại Cần Thơ bỗng dưng mắc nợ - Ảnh 2.

Những tin nhắn đe dọa được gửi đến sinh viên

Tương tự, những lời dụ dỗ của Trương Quang Anh Đức đã làm Bùi Đoàn Thanh Phương, đang theo học tại Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ lâm vào tình trạng vay nợ lên tới 25 triệu đồng và không có khả năng để chi trả.

Còn Trần Thanh Nhiều, sinh viên Trường Đại học Cần Thơ cho biết, đến tháng 4 vừa rồi mới biết bị lừa với số tiền hơn 28 triệu đồng. Đây là một số tiền lớn đối với sinh viên này, hiện nay em liên tục nhận được tin nhắn đe dọa, chửi bới buộc phải thanh toán nợ. Chính điều này làm Nhiều hoang mang, lo sợ, ảnh hưởng đến việc học hành.

"Công ty tài chính gửi tin nhắn nói đã quá hạn rồi mà không đóng, lúc đó tôi mới biết là hồ sơ không phải 2 ngày hủy. Mỗi tháng đóng cho ngân hàng là 3 - 4 triệu, tổng là 28 triệu. Tiền cũng không phải chúng tôi vay, sản phẩm cũng không lấy, số tiền đó cũng không xài được gì hết"- Trần Thanh Nhiều cho biết.

Hàng trăm sinh viên tại Cần Thơ bỗng dưng mắc nợ - Ảnh 3.

Các em sinh viên liên tục nhận được tin nhắn đe dọa, chửi bới

Với thủ đoạn trên, Trương Quang Anh Đức đã lừa đảo hàng trăm sinh viên đang theo học tại một số trường Cao đẳng, Đại học trên địa bàn Cần Thơ. Nhiều sinh viên gia cảnh khó khăn không có khả năng chi trả thì liên tục bị điện thoại, nhắn tin đòi nợ, thậm chí đe dọa và khủng bố tinh thần.

Biết bị lừa, những sinh viên đã làm đơn gửi Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ để tố giác tội phạm về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hiện nay, đơn tố giác của các sinh viên đã được gửi đến Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an quận Ninh Kiều.

Theo đơn tố cáo, thủ đoạn lừa đảo diễn ra như sau: Từ năm 2020 đến đầu năm 2022, Trương Quang Anh Đức (ngụ Cần Thơ) lần lượt tìm đến những sinh viên tại các trường Cao đẳng, Đại học và giới thiệu công việc là chạy doanh số cho cửa hàng Thế giới di động và cửa hàng FPT khi thiếu doanh số. Sau đó, nhờ giả làm khách hàng đăng ký mua sản phẩm của cửa hàng để bù vào cho đủ doanh số. Mỗi sinh viên được cấp một tài khoản và khi hoàn tất hồ sơ sẽ được trả tiền công cho mỗi bộ hồ sơ 400.000 đồng và hồ sơ trả góp được duyệt sẽ được hệ thống hủy sau 2 ngày.

Tuy nhiên, khi đến cửa hàng làm thủ tục, một số còn bị lừa ký vào tờ giấy trắng không có nội dung. Một số hồ sơ chỉ cần chụp chứng minh nhân dân mà không cần ký tên là đã hoàn tất hồ sơ. Một số sinh viên còn không được biết mình đã đứng tên vay trả góp số tiền là bao nhiêu. Khi đến cửa hàng để ký biên nhận nhận sản phẩm thì trong hộp sản phẩm là hộp rỗng, không có sản phẩm và không biết ai nhận và hiện tại ở đâu.

Trước sự việc nêu trên và tránh những điều tương tự có thể xảy ra, nhà trường cần có những khuyến cáo đến các sinh viên về những hành vi lừa đảo, nhất là đối với các sinh viên năm nhất. Ngoài ra, cần có sự vào cuộc nhanh chóng của cơ quan chức năng để sớm giải quyết vụ việc, tránh những sự việc đáng tiếc có thể xảy ra khi các em sinh viên liên tục bị gọi điện, nhắn tin đe dọa.

Ý kiến của bạn