Đời sống

Hàng trăm người muốn hiến giác mạc nhưng Bệnh viện Mắt Trung ương không tiếp nhận

(VOVTV) - Hàng trăm trường hợp ở Ninh Bình bày tỏ mong muốn được hiến giác mạc sau khi người thân qua đời, nhưng thời gian qua, Bệnh viện Mắt Trung ương không tiếp nhận.

Tác giả Nguyễn Hải / VOV1
30/06/2023 07:25

Những năm qua, tỉnh Ninh Bình dẫn đầu cả nước về phong trào hiến tặng giác mạc sau khi qua đời giúp nhiều người tìm lại được ánh sáng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, phong trào này bị gián đoạn vì Bệnh viện Mắt Trung ương tạm dừng tiếp nhận giác mạc của người hiến.

Thực tế này đang làm giảm cơ hội tìm lại ánh sáng của những bệnh nhân đang cần được ghép giác mạc, đồng thời làm ảnh hưởng đến phong trào hiến mô tạng.

Từ năm 2007, phong trào vận động người dân hiến giác mạc, mô tạng tại tỉnh Ninh Bình bắt đầu phát triển và nhiều năm qua đạt được kết quả đáng ghi nhận. Trên địa bàn tỉnh đã có 502 người hiến giác mạc và 3 người hiến tạng sau khi qua đời.

Thấy nhiều người ở địa phương thực hiện nghĩa cử cao đẹp này, tháng 4 vừa qua, khi anh Nguyễn Văn Bản ở xã Cồn Thoi, huyện Kim Sơn qua đời, gia đình đã liên hệ với đơn vị đầu mối để hiến giác mạc nhưng Bệnh viện Mắt Trung ương đã không về nhận.

Chị Nguyễn Thị Lan - vợ của anh Bản cho biết, khi chồng chị còn sống đã có dự định sau này khi qua đời sẽ hiến giác mạc cho Ngân hàng Mắt. Ở Ninh Bình, nhiều người đã thực hiện nghĩa cử này. Khi chồng chị không may qua đời, gia đình mong muốn thực hiện tâm nguyện của anh. "Gia đình đã nhờ Hội Chữ thập đỏ liên hệ nhưng Bệnh viện Mắt Trung ương không cử người về nhận, chị Lan nói.

Cùng với gia đình anh Bản, hàng trăm trường hợp khác ở Ninh Bình cũng bày tỏ mong muốn được hiến giác mạc sau khi người thân qua đời, nhưng thời gian qua, Bệnh viện Mắt Trung ương cũng không tiếp nhận.

Ông Bùi Trọng Kỳ, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình cho hay, những tưởng việc tiếp nhận giác mạc của người hiến chỉ bị gián đoạn trong thời kỳ dịch Covid-19 bùng phát mạnh, nhưng đến nay, cuộc sống đã trở lại bình thường, Bệnh viện Mắt Trung ương vẫn từ chối nghĩa cử cao đẹp của người dân.

"Tâm nguyện của những gia đình muốn hiến giác mạc hoặc hiến tạng của người thân qua đời mà không đạt được nguyện vọng thì gia đình cũng buồn. Bởi vì khi chết đi, trở về với cát bụi, nhiều người có tâm nguyện muốn để lại những món quà để tiếp nối sự sống. Nếu điều mong muốn đó không trở thành hiện thực thì gia đình cũng không vui, đồng thời tạo hiệu ứng không tích cực cho phong trào vận động người dân hiến mô tạng. Chúng tôi mong muốn các cơ sở y tế tiếp tục đầu tư trang thiết bị, cố gắng tạo điều kiện để tiếp nhận tâm nguyện của người dân để tiếp tục phát triển phong trào hiến giác mạc tại Ninh Bình", ông Bùi Trọng Kỳ cho biết.

Trước thông tin cho rằng, hiện Bệnh viện Mắt Trung ương đang thiếu thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế do vướng mắc đấu thầu nên đã tạm dừng hoạt động tiếp nhận giác mạc của người hiến tặng, trao đổi với phóng viên VOV về vấn đề này, ông Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế chia sẻ, Bộ và các cơ quan chức năng đang rà soát nguyên nhân của tình trạng này.

“Những vấn đề ở Bệnh viện Mắt Trung ương, Bộ Y tế vẫn đang trong quá trình giải quyết, khi nào có kết quả cụ thể sẽ thông tin sau. Việc này, Bộ Y tế sẽ giải quyết, nhưng không thể giải quyết được trong ngày một, ngày hai mà phải có lộ trình…”, ông Trần Văn Thuấn cho biết.

Trước đó, lãnh đạo Bệnh viện Mắt Trung ương từng cho biết, sau khi có Nghị quyết 30 và Nghị định 07 của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn trong đấu thầu, tình trạng thiếu vật tư, sinh phẩm y tế tại bệnh viện này vẫn diễn ra trầm trọng, do chưa có hướng dẫn cụ thể của Bộ Y tế.

Tình trạng này không chỉ gây khó khăn cho hoạt động chuyên môn của bệnh viện mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân khi đi khám, chữa bệnh.

Thực tế thời gian qua cho thấy, nhiều bệnh nhân sau khi được khám tại Bệnh viện Mắt Trung ương đã phải tìm đến các cơ sở y tế tư nhân để mổ mắt.

Ý kiến của bạn