Hãng tin Mỹ đính chính vì đưa tin sai, nói tên lửa Nga nã vào Ba Lan
Hãng tin AP của Mỹ đã đăng tải đính chính sau khi đưa tin “sai sự thật” rằng tên lửa của Nga hôm 15/11 đã bắn sang lãnh thổ Ba Lan khiến 2 người ở Przewodow thiệt mạng.
Đính chính được AP công bố vào chiều 16/11 cho biết: “Trong các phiên bản trước đó của tin tức được xuất bản ngày 15/11/2022, hãng tin AP đã đưa tin sai dựa trên nguồn tin từ một quan chức tình báo cấp cao giấu tên của Mỹ nói rằng tên lửa của Nga đã nã vào lãnh thổ Ba Lan khiến 2 người thiệt mạng. Thông tin sau đó cho thấy, tên lửa này do Nga sản xuất và rất có thể do Ukraine bắn để phòng thủ trước các cuộc tấn công của Nga”.
AP đính chính thông tin sau khi nhiều quan chức, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói rằng vụ việc hôm 15/11 “rất có thể do tên lửa phòng không Ukraine bắn, thật không may đã rơi xuống Ba Lan”, và rằng “bất kể kết luận cuối cùng là gì đi nữa, thế giới biết rằng Nga phải chịu trách nhiệm cuối cùng về sự cố này”.
"Những bức ảnh được công bố tối 15/11 tại Ba Lan về mảnh vỡ tìm thấy ở làng Przewodow đã được các chuyên gia công nghiệp quốc phòng Nga xác định là bộ phận tên lửa của hệ thống phòng không S-300 thuộc quân đội Ukraine", Bộ Quốc phòng Nga ra tuyên bố khẳng định.
Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga nêu rõ: "Các cuộc tấn công với độ chính xác cao chỉ được thực hiện trên lãnh thổ Ukraine và cách biên giới Ba Lan ít nhất 35 km. Vụ rơi tên lửa ở Ba Lan là hành động cố ý khiêu khích nhằm leo thang tình hình".
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cùng ngày khẳng định Nga không liên quan gì đến vụ rơi tên lửa ở Ba Lan và một số quốc gia đã đưa ra "tuyên bố vô căn cứ".
"Ba Lan có thể đã thông báo rằng các mảnh vỡ đó thuộc hệ thống phòng không S-300 và mọi người sẽ hiểu rằng sự việc chẳng liên quan gì đến Nga", ông Peskov nói.
Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda hôm 16/11 đã xác nhận: “Không có dấu hiệu nào cho thấy đây là một cuộc tấn công có chủ đích nhằm vào Ba Lan, có khả năng tên lửa phòng không này đã không may rơi xuống lãnh thổ Ba Lan”.
Ông Duda thừa nhận, nhiều khả năng quả tên lửa này là loại tên lửa phòng không S-300 do Nga sản xuất “nhưng hiện tại không có bằng chứng nào cho thấy đó là tên lửa do Nga bắn”.
Ba quan chức Mỹ trả lời AP sau đó cũng cho rằng quả tên lửa rơi vào lãnh thổ Ba Lan do các lực lượng Ukraine bắn nhằm đánh chặn một tên lửa của Nga.
Tin nổi bật
Tin Video