Kinh doanh

Hàng nghìn tỷ đồng “chôn” theo dự án “treo” (Phần 2)

(VOVTV) - Hàng loạt dự án chậm triển khai trên địa bàn thành phố không chỉ làm mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đời sống dân sinh, mà còn gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế.

15/12/2020 15:02

Bài 2: Những người có trách nhiệm nói gì?

Câu hỏi được đặt ra là, vì sao Hà Nội vẫn không thể rút ra được những bài học kinh nghiệm khi nhiều dự án “treo” cũ chưa được xử lý, dự án “treo” mới lại xuất hiện?. Những người có trách nhiệm của thành phố nói gì về nguyên nhân của thực trạng này? 

Dù đã để xảy ra rất nhiều dự án án “treo”, gây biết bao hệ lụy, trong đó có những dự án “vắt qua” 2 thập kỷ, nhưng hình như ngành chức năng, chính quyền thành phố Hà Nội vẫn muốn kéo dài, làm dầy thêm những “điểm đen đô thị” này. 

Hàng nghìn tỷ đồng “chôn” theo dự án “treo” (Phần 2) - Ảnh 1.

Bến xe Yên Sở theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào quý II/2018. Ảnh: Huy Nam

Điển hình nhất là dự án xây dựng Bến xe Yên Sở (phường Yên Sở, quận Hoàng Mai) chưa ráo mực phê duyệt chủ trương đầu tư đã nhanh chóng “chết yểu” sau khi hoàn thành xong công tác giải phóng mặt bằng.

Theo Quyết định ngày 30/12/2016 của UBND thành phố Hà Nội, việc xây dựng Bến xe Yên Sở sẽ hoàn thành vào quý II/2018, nhưng đến nay, bến xe khách được kỳ vọng hiện đại nhất cả nước, là điểm nhấn góp phần giải tỏa ùn tắc giao thông cho khu vực phía Nam Thủ đô chỉ là bãi đất trống huơ trống hoác. 

Lý giải về thực trạng dự án “chưa kịp nở đã tàn”, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết: "Thành phố đã thỏa thuận cho một doanh nghiệp đầu tư bến xe Yên Sở. Khi đã thỏa thuận và ra quyết định đầu tư rồi, nhưng trong dự án này có một phần đất công thuộc Hợp tác xã quận Hoàng Mai và có những kiến nghị rà soát, nên việc xây dựng Bến xe đang bị treo…".

Trước đó, trả lời báo chí, đại diện Sở Giao thông vận tải Hà Nội một mực khẳng định, việc đầu tư xây dựng Bến xe khách Yên Sở là cần thiết. 

Quy hoạch Bến xe đã được xem xét, tính toán, đánh giá kỹ lưỡng, đảm bảo hài hòa các yếu tố tác động nhằm đáp ứng được nhu cầu trước mắt cũng như lâu dài và đã được xác định trong Đồ án “Quy hoạch Giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

Theo ngành chức năng thành phố Hà Nội, nguyên nhân của việc nhiều dự án treo, dự án chậm triển khai trên địa bàn do có sự thay đổi liên quan đến chính sách đất đai, giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư thiếu năng lực tài chính, thậm chí sai phạm... 

Việc chậm xử lý các dự án này vì phải thực hiện đúng quy định của pháp luật. Mặt khác, công tác phối hợp giữa các cơ quan, nhất là rà soát số liệu theo chuyên ngành vẫn gặp nhiều khó khăn. 

Báo cáo về thực trạng dự án “treo” tại buổi làm việc giữa Thường trực Thành ủy với Ban cán sự UBND thành phố ngày 14/11 vừa qua, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư Hà Nội cho rằng, việc xem xét kiến nghị chấm dứt dự án có những khó khăn. 

Theo đó, phải căn cứ điều 48 của Luật Đầu tư để đối chiếu các quy định, các sai phạm của dự án, nếu phù hợp với pháp luật mới có cơ sở đề xuất, thu hồi. Một số dự án có hồ sơ pháp lý, nhưng quá trình triển khai phát sinh những vướng mắc, buộc phải thanh tra, kiểm tra để làm rõ.

Việc hàng loạt dự án đầu tư với hi vọng góp phần thay đổi diện mạo Thủ đô, nhưng nhanh chóng lụi tàn, “treo” từ năm này qua năm khác và thực tế mới nhất từ Bến xe Yên Sở cho thấy, mục tiêu về một đô thị Hà Nội văn minh, hiện đại vẫn còn những thách thức từ công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch (nhất là việc điều chỉnh quy hoạch tùy tiện); thẩm định, phê duyệt dự án; năng lực tài chính của chủ đầu tư…

Và câu chuyện hàng nghìn tỷ đồng “chôn” theo các công trình, dự án “hoen gỉ” trên đất vàng Hà Nội sẽ còn tiếp diễn chừng nào chính quyền thành phố chưa coi đây là vấn đề cấp bách cần ngăn chặn, xử lý.

Ý kiến của bạn