Hàng nghìn nữ sinh ở Kenya 'bỗng dưng' mang bầu giữa đại dịch Covid-19, lý do vì đâu mà xảy ra thực trạng nhức nhối đến như vậy?
Mang thai ngoài ý muốn khiến nhiều nữ sinh ở Kenya không thể đến trường tiếp tục việc học dở dang của mình.
Tương lai bất định
Vào tháng 3 vừa qua, khi Covid-19 lan nhanh tại Kenya đã khiến các trường học tại đây buộc phải đóng cửa. Và chẳng ai ngờ, trong thời gian phong tỏa vì Covid-19, có hàng nghìn nữ sinh mang thai ngoài ý muốn, buộc phải nghỉ học, không thể quay lại trường vào năm tới.
Tại vùng ngoại ô Dandora rộng lớn ở thành phố Nairobi, nữ sinh Jackie ngồi trầm tư trên chiếc ghế dài bên ngoài một cửa hàng. Đáng lẽ ở tuổi này, cô bé đang tham gia những cuộc vui bên bạn bè, chuẩn bị đi học lại sau gần một năm trường đóng cửa do dịch Covid-19 nhưng ở tuổi 16, nữ sinh này đang mang thai 6 tháng.
Cha qua đời từ sớm, mẹ thì quá khó khăn nên Jackie sống với dì, người đủ điều kiện giúp cô ăn học nên người. Nhưng vào hồi tháng 7, dì đuổi Jackie đi khi biết cô mang thai.
"Bạn trai tôi không sử dụng biện pháp bảo vệ nào và chúng tôi cũng không nghĩ rằng tôi sẽ mang thai. Tôi ước giá như có thể quay ngược thời gian, bây giờ đã quá muộn", nữ sinh nói.
Bây giờ, cô gái 16 tuổi sống trong sợ hãi với sự xuất hiện của đứa bé. Không cha mẹ, không người thân, không việc làm, nữ sinh này thấy tương lai của mình thật mù mịt.
Sự thật trần trụi
Không chỉ Jackie mà hàng nghìn trẻ em gái ở Kenya không thể đi học tiếp vì đã mang thai trong thời gian phong tỏa do dịch Covid-19. Tại Kenya, từ tháng 1 đến 5/2020, hơn 150.000 nữ sinh mang thai được ghi nhận, riêng ở Nairobi là 12.000 em. Các nhân viên y tế nhận định con số thực tế có thể cao hơn nữa vì nhiều người không đến phòng khám.
Vào tháng 3, khi Covid-19 lan rộng tại Kenya buộc các trường học đóng cửa, nữ sinh Bella chuyển sang học từ xa. Do gia đình không có điện và Internet, em phải nghỉ học, giặt quần áo thuê để kiếm thêm thu nhập cho gia đình.
Một người đàn ông hứa trả cho em 1.000 shilling (khoảng 200.000 đồng) hoặc 1.500 shilling (khoảng 300.000 đồng) để quan hệ tình dục mà không hề có biện pháp an toàn nào. Số tiền này gấp ba lần tiền Bella kiếm được từ việc giặt quần áo nên nữ sinh đã cắn răng chấp nhận. Sau khi Bella có thai, người đàn ông mất hút không dấu vết.
Bella cho rằng chính đại dịch đã đẩy em vào tình cảnh như hiện tại bởi nếu không có Covid-19, em vẫn đang đi học, việc đi giặt quần áo thuê và gặp người đàn ông nọ là không bao giờ xảy ra. Bella hiện nhận hỗ trợ xã hội từ nhóm vận động quốc tế ActionAid và vẫn đi giặt thuê để kiếm tiền nuôi đứa con sắp chào đời.
Bóng đen bao trùm
Mercy Chege, giám đốc chương trình thuộc tổ chức Plan International Kenya, cho biết nhiều gia đình không thể lo nổi các nhu cầu vệ sinh cơ bản cho con em mình như nước sạch, xà phòng và băng vệ sinh sau khi các trường học đóng cửa vào tháng 3. Từ đó, nhiều trẻ em gái trở thành con mồi cho những gã đàn ông lớn tuổi, dụ dỗ đổi tình lấy tiền mặt.
“Đó như một đại dịch bóng tối. Khi không đến trường, các cô gái có nhiều thời gian tự do, không bị cha mẹ giám sát. Chính phủ từng tặng băng vệ sinh cho các em ở trường nhưng không thể gửi chúng tới tận nhà khi trường học đóng cửa, khiến các nữ sinh gặp khó khăn", Mercy cho biết.
"Đôi khi những buổi quan hệ tình dục chóng vánh chỉ để đổi lấy 15 shilling (hơn 3.000 đồng), đủ trả tiền tắm rửa hàng ngày trong nhà tắm công cộng. Cuộc sống khó khăn khiến nhiều cô gái sẵn sàng đánh đổi thể xác để nhận những tiện nghi được xem là xa xỉ' như vậy".
Mercy cho biết thêm một số trẻ em gái còn bị dụ dỗ đóng phim khiêu dâm. Chúng không biết điều mình làm là hoàn toàn trái pháp luật và bản thân đang bị lạm dụng tình dục.
Khó khăn phía trước
Thiếu giáo dục đầy đủ về giới tính và sức khỏe sinh sản đã và đang là trở ngại trong việc ngăn ngừa tình trạng mang thai tuổi vị thành niên ở Kenya. Đối với phụ nữ và trẻ em gái ở quốc gia này, việc tìm kiếm dịch vụ chăm sóc y tế trong mùa dịch bệnh là vô cùng khó khăn. Đầu năm nay, Bộ Giáo dục Kenya đã cho phép nữ sinh có con tiếp tục đi học mà không bị phân biệt đối xử. Nhưng nhiều em sợ quay lại trường học vì lo bị bạn bè và giáo viên chế giễu, đánh giá.
"Nhiều bà mẹ nhí không muốn quay lại trường học vì sợ bị chế giễu, bắt nạt. Gần đây, có trường hợp một giáo viên mời nữ sinh bị hiếp dâm chia sẻ về vấn đề tình dục và nói cô ấy 'là chuyên gia trong vấn đề này'. Mọi chuyện đối với họ không hề dễ dàng", Mercy nhận định.
Hiện, Jackie chia sẻ một căn phòng với Liz (17 tuổi), cũng bị chủ nhà đuổi ra ngoài sau khi không thể trả tiền thuê trong hơn 3 tháng. Ở Kenya, bất kỳ ai dưới 18 tuổi đều được coi là trẻ vị thành niên cần được cha mẹ hoặc người giám hộ chăm sóc.
Nhưng Liz đang phải làm việc để chu cấp cho đứa con gái mới sinh của mình. Tình trạng phong tỏa toàn quốc được đưa ra ngay khi cô chuẩn bị bước vào năm đầu tiên trung học, trước đây cô đã phải bảo lưu kết quả học tập vì thiếu tiền đóng học phí.
"Trường học đóng cửa và sau đó tôi gặp bạn trai. Tôi thậm chí không chắc liệu mình có yêu anh ấy không. Anh ấy đã bỏ chạy khi tôi được thông báo đang mang thai", Liz kể.
Ba tuần sau khi sinh con, Liz đi khắp khu phố để tìm những công việc có thể làm như giặt quần áo thuê. "Tôi thường xuyên ngất xỉu vì sức khỏe chưa hồi phục. Mọi người bắt đầu không thuê tôi nữa", Liz tâm sự.
Rồi tương lai của hàng nghìn nữ sinh trên sẽ ra sao? Những đứa trẻ sơ sinh sống trong hoàn cảnh thiếu thốn ấy sẽ như thế nào? Chẳng một ai dám đưa ra câu trả lời cho điều này bởi đó là một vấn đề nan giải không biết đến bao giờ mới chấm dứt hoàn toàn.
Tin nổi bật
Tin Video