Hàng loạt nông sản không vào được TP.HCM
Từ hải sản, thịt heo đến trái cây, rau củ... của nhiều tỉnh thành vào TP.HCM đang gặp khó do 3 chợ đầu mối đóng cửa, khâu lưu thông vận chuyển trở ngại.
17h, bà Hoàng Thị Vân (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) liên tục gọi cho các nhà xe để gửi hải sản vào cho con trai ở quận Bình Thạnh (TP.HCM).
“Gọi 3 nhà xe mà chỉ có một hãng còn chuyến đi, dịch nên hàng hóa gửi vào khó khăn lắm không giống như trước”, bà Vân nói.
Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, bà Vân chỉ cần gọi cho đại lý hải sản là họ tự động gửi hàng vào TP.HCM. “Dịch bùng phát, đại lý không gửi hàng nữa vì các nhà xe cắt giảm chuyến, tôi phải đích thân đi gửi nhưng số lượng không được nhiều”, bà Vân cho biết.
Hải sản, thịt heo các tỉnh đều ùn ứ
Thực tế hiện nay, tại tỉnh Khánh Hòa, lượng lớn hải sản đang bí đầu ra vì khâu vận chuyển. Một số đại lý bán hải sản Nha Trang ở TP.HCM lại không có hàng để bán.
“Giờ dịch bệnh, hàng hóa ở Nha Trang không vào được. Lúc trước chúng tôi có thuê xe chở vào, nhưng nay tài xế phải có giấy xét nghiệm âm tính, phát sinh chi phí nên xe ngưng chạy rồi”, chủ đại lý này cho biết.
Trong khi đó, một đại lý ở cảng cá Hòn Rớ (xã Phước Đồng, TP Nha Trang) cho biết cảng này bị phong tỏa vì có ca mắc Covid-19, nên không có hàng.
“Gần chục ngày cảng cá bị phong tỏa nên thuyền không được cập cảng, không có hàng. Trong kho còn hàng tồn mà không xuất ra ngoài được vì khu dân cư bị phong tỏa”, chị H. chủ đại lý hải sản ở khu vực cảng Hòn Rớ cho biết.
Hiện, giá hải sản tại cảng như cá ngừ giao động 70.000-110.000 đồng/kg, cá sọc dưa 45.000-60.000/kg. Trong khi đó tại các chợ, giá hải sản có chiều hướng tăng từ 10.000-15.000 đồng/kg. Cụ thể, tôm sú biển có giá 280.0000-450.000 đồng/kg, tùy loại; cá thu dao động 220.000-250.000 đồng/kg, cá bớp 240.000-270.000 đồng/kg.
Theo Ban quản lý cảng Hòn Rớ và chợ thủy sản Nam Trung Bộ, sau khi nơi này có ca dương tính với nCoV, cảng bị phong tỏa khiến hàng trăm tàu thuyền của ngư dân các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa gặp khó khăn tìm nơi bán hải sản.
Trong khi đó, nhiều tiểu thương cũng cho biết sau khi các tỉnh, thành và đặc biệt là TP.HCM, Bình Dương giãn cách xã hội khiến hàng hóa tồn đọng.
Trước giãn cách, 2 xe lạnh thuộc công ty hải sản của anh Phước ngày nào cũng chở hải sản vào TP.HCM và Bình Dương. Nay, dịch Covid-19 phức tạp, để vào đến 2 địa phương này, 2 xe hàng gặp rất nhiều khó khăn.
"Đi 2 tài xế mất gần 1,5 triệu, 2 xe mất 3 triệu đồng chưa tính chi phí ăn uống, ngủ nghỉ nên ngưng chạy. Hàng của công ty tôi tồn khoảng 80%, chưa biết khi nào bán được”, anh Phước cho hay.
TP.HCM vốn là thị trường tiêu thụ chính thịt heo của Đồng Nai. Do đó, khi TP thực hiện giãn cách xã hội, đóng cửa 3 chợ đầu mối, hoạt động thu mua heo tại thủ phủ thịt heo cũng bị đình trệ theo.
Lo sốt vó vì trang trại 1.000 con heo đến lứa thu hoạch chưa có người mua, chị Trần Thủy (huyện Trảng Bom, Đồng Nai) cho biết chợ Hóc Môn đóng cửa, giá heo về mức dưới 60.000 đồng/kg trong khi giá thức ăn chăn nuôi mỗi ngày một tăng khiến người chăn nuôi lao đao.
"Giờ chỉ mong có người đến bắt heo đi. Mấy ngày tôi gọi hết thương lái này đến thương lái khác nhưng người không mua người lại ép giá quá mức", chị chia sẻ.
Thực tế, tại thủ phủ heo Đồng Nai lúc này, hàng loạt thương lái của tỉnh kinh doanh ở các chợ đầu mối TP.HCM đều thuộc diện phải cách ly phòng dịch nên phải tạm dừng mọi hoạt động mua bán, kinh doanh. Giá heo cũng về mức thấp nhất kể từ sau đợt dịch tả heo châu Phi trở lại đây.
Tiêu thụ trái cây giảm 80%
Tương tự, mặt hàng nông, thủy sản của nông dân miền Tây cũng rơi vào tình cảnh ế ẩm, rớt giá vì khó tiêu thụ. Trong đó có các loại trái cây đặc sản của tỉnh Sóc Trăng như măng cụt, nhãn xuồng cơm vàng…
Chị Trúc Thanh, chủ vựa trái cây ở huyện Kế Sách (Sóc Trăng) cho biết trước đây mỗi ngày tiêu thụ được khoảng 500kg trái cây thì hiện chỉ còn 100kg (giảm khoảng 80%). Do thương lái ngoài tỉnh không đến mua nên chị Trúc chỉ bán lẻ cho người đi đường và bán hàng online.
“Măng cụt trước giá 35.000-40.000 đồng/kg, nay còn 14.000 đồng/kg. Nhiều nhà vườn trồng nhãn xuồng cơm vàng không tìm được nơi tiêu thụ”, chị Trúc chia sẻ.
Nói với Zing, anh Trương Trung Triệu ở xã Trinh Phú (Kế Sách, Sóc Trăng) cho biết nhãn xuồng cơm vàng trước đây giá 40.000 đồng/kg, nay còn 9.000-10.000 đồng/kg nhưng không có người mua. Đặc biệt là chanh không hạt giảm từ 4.000 đồng/kg xuống còn 1.500 đồng/kg.
Theo anh Triệu, trước đây nhà vườn bán trái cây ra ngoài tỉnh và TP.HCM nhưng hiện nay xe tải đi lại khó khăn nên người dân chỉ bán được trong tỉnh. Một số nhà vườn sợ để trái lâu làm cho cây mất sức nên phải hái để bán rẻ cho hàng xóm và chợ xã, thị trấn.
Trao đổi với Zing, ông Lê Vũ Đức, Chủ tịch UBND huyện Kế Sách cho biết địa phương tạo điều kiện cho thương lái chạy xe tải vào địa phương để tiêu thụ nông sản nhưng phải có đầy đủ giấy tờ và đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch.
"Tuy nhiên, nhiều ngày qua không có thương lái nào liên hệ địa phương để xúc tiến việc tiêu thụ nông sản", ông nói.
Chủ một vựa cua ở TP Bạc Liêu cũng cho biết nông dân rất khó khăn trong việc tiêu thụ, còn các điểm phân phối bán lẻ gặp khó khăn trong việc nhập các mặt hàng thủy, hải sản để bán.
“Khi nào có chuyến xe chuyển hàng hóa tôi mới nhờ vựa cua ở Năm Căn, Cà Mau chuyển lên. Giá cua đang giảm nhẹ, cua gạch chỉ còn 300.000-330.000 đồng/kg; cua thịt loại 4 con một kg giảm từ 300.000 đồng xuống 220.000-250.000 đồng/kg”, chủ vựa cua ở Bạc Liêu nói.
Không chỉ hải sản, thịt heo, trái cây mà rau, củ Đà Lạt, ven TP.HCM cũng bị ảnh hưởng khi chợ đầu mối nông sản dừng hoạt động.
Nhiều ngày nay chị Lan Hương (nông dân trồng rau ở huyện Củ Chi, TP.HCM) phải lên mạng tìm người thu mua rau muống cho gia đình vì đến ngày thu hoạch không có đầu ra.
"Rau muống tại huyện đang bị bỏ đi rất nhiều vì không có người mua. Tôi kêu gọi mọi người giải cứu rau cho người dân và một phần cũng bán từ thiện với giá rẻ", chị nói.
Tương tự, ông Nguyễn Lâm, một nhà vườn trồng rau ở Đà Lạt thổ lộ: "Mấy tháng nay giá phân bón tăng mạnh nên chi phí đầu tư rau củ lớn, nếu vì dịch mà phải đổ bỏ thì sẽ rất bi đát’’.
Tuy nhiên, 3 ngày nay việc cung ứng đã diễn ra bình thường và giá các loại rau củ tại Lâm Đồng đều tăng nhẹ.
Qua ghi nhận hiện chỉ có mặt hàng rau tần ô (cải cúc) giá rẻ, khoảng 5.000 đồng/kg và khó tiêu thụ. Còn các loại rau củ khác đều tăng giá 30-50% so với nửa tháng trước, như: Cà rốt 17.000 đồng/kg, xà lách 15.000 đồng/kg, bắp cải 10.000 đồng/kg, cải thảo 18.000 đồng/kg, ớt chuông 18.000 đồng/kg, súp lơ xanh 17.000/bông…
Ông Nguyễn Lam Sơn, giám đốc Công ty nông sản Thảo Nguyên (chuyên cung cấp rau cho hệ thống siêu thị Co.op Mart tại TP.HCM), cho biết mùa dịch nên chi phí có tăng và có những trở ngại nhất định như đội ngũ lái xe hay tất cả nhân viên ở TP.HCM phải có giấy thông hành và chứng nhận xét nghiệm âm tính còn hiệu lực 72 giờ.
"Việc này mất thời gian và tốn kém nhưng mọi việc nay đều diễn ra bình thường. Số lượng đặt hàng tăng 50% và giá rau cũng tăng nên chúng tôi cũng bù được chi phí, ông Sơn cho biết thêm.
Ráo riết tìm đường tiêu thụ
Trao đổi với Zing, ông Bùi Thế, Phó giám đốc Sở Công Thương Lâm Đồng cho biết hiện nay lượng rau, củ quả của tỉnh về TP.HCM chỉ còn giảm khoảng 10% so với trước.
Theo ông, Sở cũng đề nghị các đơn vị trong tỉnh hướng dẫn người dân chủ động, thống nhất với thương nhân tại các chợ đầu mối tạm dừng về hình thức vận chuyển, phương thức điều phối giao, nhận hàng.
"Hiện, mỗi ngày vẫn duy trì ổn định khoảng 4.000 tấn rau, củ, quả các loại từ Lâm Đồng đưa về tiêu thụ tại TP.HCM", ông Thế nói.
Trong cuộc họp mới đây của Ban chỉ đạo chống dịch Covid-19 của tỉnh, một số sở ngành và địa phương đề xuất đưa đội ngũ tài xế xe tải đường dài vào diện ưu tiên tiêm vaccine nhằm đảm bảo hoạt động lưu thông hàng hóa và hạn chế nguồn lây do các tài xế thường di chuyển qua nhiều tỉnh thành.
Để giải bài toán nguy cơ tồn đọng hải sản, tỉnh Khánh Hòa cũng yêu cầu cơ quan chức năng thông báo, hướng dẫn cho ngư dân vào cảng Đá Bạc (TP Cam Ranh) bán hải sản.
Lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Khánh Hòa cho biết theo quy định tài xế muốn chở hàng vào TP.HCM hay các tỉnh phía nam phải có giấy âm tính với nCoV.
“Đây là quy định của từng địa phương để phòng, chống dịch. Cũng vì quy định này mà làm nguy cơ hàng hóa tồn đọng, thị trường thiếu hụt hàng hóa. Muốn giải quyết vấn đề trên phải nhiều cơ quan, ban ngành các tỉnh ngồi lại với nhau. Nếu chỉ Khánh Hòa thì rất khó giải quyết rốt ráo được”, vị lãnh đạo phân trần.
Tương tự, ngày 14/7, Sở Công Thương Đồng Nai cũng chấp thuận đề xuất của Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai về việc mở điểm bán thịt heo tại TP Biên Hòa nhằm “giải cứu” người nuôi heo.
Tin nổi bật
Tin Video