Kinh doanh

Hàng chính hãng vs hàng xách tay: Cuộc chiến không cân sức nhưng nhờ đó doanh nghiệp chú trọng hơn đến thị trường Việt Nam

(VOVTV) - Đã kinh qua thời gian kinh doanh hàng xách tay, đến khi chuyển sang mô hình phân phối hàng chính hãng, chị Nguyễn Thị Nguyệt (17A Lý Nam Đế) phải công nhận rằng: Đây là một cuộc chiến không cân sức!

Tác giả Ngọc Dung / VOVTV
21/01/2021 09:02

Theo chị Nguyệt, khó khăn mà các nhà phân phối hàng chính hãng thường gặp, đó là giá chênh lệch giữa hàng xách tay và chính hãng. "Nếu như một sản phẩm kem chống nắng chính hãng của Bioderma có giá dao động từ 400.000 - 500.000/sản phẩm, thì cùng loại sản phẩm đó, hàng xách tay chỉ có giá khoảng 350.000. Tức là thấp hơn từ 15 - 20% so với hàng hãng".

Cùng với đó, việc các cửa hàng xách tay đa phần là những hộ kinh doanh cá thể, không chịu bất cứ một quy định hay ràng buộc nào với hãng mẹ, nên việc đưa giá cho một sản phẩm họ rất chủ động. Kể cả những chiêu trò nhằm phá giá thị trường họ cũng sẵn sàng làm nếu như cần xả hàng cận date hoặc chỉ đơn giản để tăng data khách hàng.

"Nhiều khách hàng có tâm lý e ngại chất lượng của… hàng chính hãng thay vì đặt vấn đề đó với hàng xách tay. Thậm chí có nhiều khách hàng bài xích hàng chính hãng. Trường hợp khách hàng vào shop của tôi hỏi có phải hàng xách tay không, và khi nhận được câu hỏi đây là hàng chính hãng thì im lặng bỏ đi không ít", chị Nguyệt chia sẻ.  

Hàng chính hãng vs hàng xách tay: Cuộc chiến không cân sức nhưng nhờ đó doanh nghiệp chú trọng hơn đến thị trường Việt Nam  - Ảnh 1.

Tâm lý của người dùng hiện tại đang rất chuộng hàng xách tay. Ảnh: Internet

Để tồn tại và dần giành lại thị phần trong "cuộc chiến" với hàng xách tay, những nhà phân phối, thậm chí cả hãng liên tục phải triển khai những chiến dịch ưu đãi để lôi kéo khách hàng. Không những thế, việc tăng cường chăm sóc khách hàng và hậu mãi cũng phải làm rất tốt, bởi nếu tất cả các khâu làm tốt, nhưng chỉ cần một sơ suất là lại tự mình đem "bán" khách của mình sang cho nhóm hàng xách tay.

Trong "cuộc chiến" không cân sức này, những nhà phân phối chính hãng thực sự rất khó khăn. "Ngoài việc giá cả, không hiểu từ đâu những nghi ngờ rằng hàng chính hãng không tốt bằng hàng xách tay cũng khiến chúng tôi thêm một điểm trừ. Bởi ràng buộc và phải tuân thủ nhiều quy định từ luật pháp Việt Nam, quy định riêng của từng hãng, nên chúng tôi không thể "biến" sản phẩm của mình trở nên thần thánh như các bài quảng cáo của sản phẩm trôi nổi tràn lan trên thị trường".

Và tất nhiên, bởi hàng chính hãng không được phép dùng những ngôn từ khoa trương, thổi phồng công dụng trong quảng cáo, thế nên đôi khi những khách hàng không thực sự hiểu biết lại cho rằng hàng chính hãng chất lượng không bằng hàng xách tay. Họ lý luận rằng, khi hàng hãng xuất về Việt Nam đã bị thay đổi thành phần, không còn nguyên vẹn những thành phần như sản phẩm được xách tay từ "nước mẹ".

Hàng chính hãng vs hàng xách tay: Cuộc chiến không cân sức nhưng nhờ đó doanh nghiệp chú trọng hơn đến thị trường Việt Nam  - Ảnh 2.

Nhận định hàng xách tay tốt hơn hàng chính hãng là không có căn cứ. Ảnh: Internet

Nhìn ở góc độ thị trường, việc sử dụng mọi "chiêu trò", tăng sức hấp dẫn cho sản phẩm bằng các chế độ hậu mãi và chế độ chăm sóc khách hàng tối ưu thì khách hàng là người hơn hết được hưởng lợi. Từ đó cũng phải nhìn nhận rằng, hàng xách tay đã góp phần đem đến cho khách hàng thêm lựa chọn khi mua sắm, và cũng là "động lực" để các hãng có mặt tại Việt Nam, các nhà phân phối hàng nghiêm túc hơn trong việc buôn bán sản phẩm.

Để "chiến đấu" với hàng xách tay, các nhà phân phối buộc phải ý thức được rằng, việc gian lận trong mua bán, các chiêu trò trộn hàng, hoặc lấy thương hiệu chính hãng để o ép khách hàng sau khi bán… không bao giờ khiến doanh nghiệp "sống khỏe". Mà thay vào đó, việc cung cấp sản phẩm một cách nghiêm túc, có tâm mới là cái để doanh nghiệp sống còn.

Và rộng hơn nữa, "cuộc chiến" giữa hàng chính hãng và xách tay còn khiến các nhà sản xuất chú trọng đến thị trường Việt Nam nhiều hơn.

Nhóm ngành hàng chính hãng đang có lợi thế từ Nghị định 98/2020/NĐ-CP, bởi ngoài xác định nhóm hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc, Nghị định còn quy định cụ thể các trường hợp, đồng thời tăng nặng hình thức xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm.

Tuy nhiên, có "chiếm lĩnh" được thị trường hay không không chỉ phụ thuộc vào sự cố gắng, chấn chỉnh của nhà sản xuất, phân phối, mà ở đây còn phụ thuộc vào toàn bộ các hệ thống liên quan. Thay đổi thói quen của một lớp người tiêu dùng, lấy lại niềm tin và ngăn chặn tận gốc hàng xách tay tiếp tục là những cái phải làm.

Bởi theo nhiều chuyên gia, việc tăng mức xử phạt sẽ không có nhiều tác dụng đối với việc kiểm soát kinh doanh hàng xách tay, bởi với lợi nhuận do kinh doanh sản phẩm này từ những cơ sở lớn, số lượng hàng hóa bán ra nhiều, đôi khi người ta sẵn sàng đánh đổi vì số tiền phạt chỉ bằng một phần số lợi nhuận mang lại…

Vậy nên, nếu chưa có một biện pháp xử lý tận gốc, có lẽ "cuộc chiến" giữa hàng chính hãng và xách tay vẫn sẽ còn tiếp diễn.

Ý kiến của bạn