Hạn hán – mối đe dọa lớn nhất đối với vụ thu của Trung Quốc
(VOVTV) - Việc lần đầu tiên trong lịch sử phải phát đi cảnh báo hạn hạn màu cam cấp quốc gia, đang đe dọa nghiêm trọng thu hoạch vụ thu, vốn chiếm khoảng 75% sản lượng lương thực hàng năm tại Trung Quốc.
Đài Khí tượng Trung ương Trung Quốc lại phát đi cảnh báo nhiệt độ cao màu đỏ - mức cảnh báo thời tiết cực đoan cao nhất ngày thứ 11 liên tiếp vào sáng 22/8. Ít nhất 18/31 tỉnh, thành tại đây có nền nhiệt từ 35 độ C trở lên, trong đó có 9 tỉnh thành nhiệt độ trên 40 độ C.
Cảnh báo hạn hán màu cam cũng được đưa ra ngày thứ 2 liên tiếp vào 18h ngày 21/8. Theo trang những người yêu thích khí tượng Trung Quốc, đây là cảnh báo hạn hán màu cam cấp quốc gia đầu tiên do Đài Khí tượng Trung ương Trung Quốc ban bố kể từ khi thiết lập cơ chế cảnh báo sớm khí tượng, cho thấy cường độ hiếm thấy trong lịch sử của đợt nắng nóng và hạn hán trong mùa Hè năm nay ở nước này.
Đợt nắng nóng gay gắt kéo dài và hạn hán chưa từng có nhiều thập kỷ đang gây áp lực lên cung cấp điện và thu hoạch vụ thu của Trung Quốc.
Trong cuộc họp ngày 21/8, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn nước này nhận định, tình trạng nhiệt độ cao và hạn hán đã trở thành mối đe dọa lớn nhất đối với thu hoạch lương thực vụ thu ở miền Nam Trung Quốc. Hiện nay, hạn hán vẫn đang tiếp tục phát triển, nắng nóng và hạn hán đã gây thiệt hại nặng cho lúa và ngô ở một số khu vực phía Nam. Tình hình phòng chống thiên tai vẫn nghiêm trọng và đang trở thành nhiệm vụ cấp bách ở Trung Quốc.
Theo các chuyên gia, thu hoạch vụ thu chiếm tới 75% sản lượng lương thực hàng năm ở Trung Quốc. Từ tháng 7 đến nay, khu vực miền Nam nước này đã liên tục hứng chịu nhiệt độ cao, đồng thời ghi nhận đợt nắng nóng nghiêm trọng nhất và lượng mưa ít nhất kể từ năm 1961, gây thách thức lớn cho sản xuất lương thực vụ thu.
Ông Hồ Kiện Vĩ, dự báo viên trưởng của Bộ Thủy lợi Trung Quốc cho biết: “Dự kiến, lượng mưa và lượng nước đổ về lưu vực sông Dương Tử sẽ vẫn ở mức thấp, hạn hán sẽ tiếp tục xảy ra. Sau đó, cùng với sự xuất hiện của mưa Thu ở miền Tây Trung Quốc, tình trạng hạn hán ở thượng nguồn sông Dương Tử sẽ giảm dần, nhưng hạn hán ở vùng trung và hạ lưu, như An Huy, Hồ Bắc, Hồ Nam, Giang Tây vẫn chưa lạc quan”.
Thượng Hải, trung tâm tài chính, kinh tế của Trung Quốc, đã trở thành địa phương mới nhất phải hạn chế sử dụng điện. Theo thông báo của chính quyền thành phố, Thượng Hải đã phải đình chỉ chiếu sáng cảnh quan ở các địa điểm mang tính biểu tượng, như khu vực Bến Thượng Hải và một số điểm dọc theo sông Hoàng Phố vào ngày 22/8 và 23/8, bao gồm cả các màn hình LED quảng cáo truyền thông.
Trước đó, nhiều tỉnh, thành, như Trùng Khánh, Tứ Xuyên, Chiết Giang... đã phải yêu cầu các nhà máy tạm ngừng hoạt động hoặc ngừng sản xuất trong thời gian cao điểm để tiết kiệm năng lượng.
Ông Chu Kiếm, Phó kỹ sư trưởng Trung tâm Kiểm soát Điều độ Điện lực của Công ty Điện lực Tứ Xuyên chia sẻ: “80% nguồn điện của Tứ Xuyên đến từ thủy điện. Hiện tại, các hồ chứa chính như Hầu Tử Nham và đập Trường Hà đã chạm đáy. Công suất phát điện thủy điện của tỉnh đã giảm hơn 50%. Chúng tôi kêu gọi toàn xã hội tiết kiệm điện và sử dụng điện khoa học”.
Đến nay, hạn hán đã ảnh hưởng đến gần 33 triệu mẫu (gần 2,2 triệu ha) đất nông nghiệp ở 9 tỉnh, thành của Trung Quốc. Nước ở 2 hồ nước ngọt lớn nhất nước này là Phàn Dương và Động Đình đã giảm 66% chỉ trong gần 1 tháng trở lại đây.
Bộ Thủy lợi Trung Quốc đã phải lên kế hoạch bổ sung 1,48 tỷ mét khối nước cho hạ lưu sông Dương Tử, nhằm đảm bảo an toàn nước sinh hoạt cho người dân ở các khu vực khô hạn và đảm bảo cung cấp nước tưới cho vụ thu. Bộ Quản lý Tình trạng khẩn cấp cũng đã hỗ trợ vật tư và thiết bị chống hạn trị giá 11,67 triệu nhân dân tệ (1,7 triệu USD) cho Trùng Khánh, nơi nhiệt độ lên đến 45 độ C trong 2 ngày liên tiếp (18 và 19/8), phá vỡ kỷ lục kể từ năm 1935 khi thành phố này có các ghi chép về khí tượng.
Tin nổi bật
Tin Video