Hai làng chài cạnh tranh làm nơi chôn chất thải phóng xạ ở Nhật Bản
Do nền kinh tế bị tác động bởi dịch COVID-19, hai làng chài tại Hokkaido đang cạnh tranh để trở thành địa điểm xử lý chất thải phóng xạ “nửa thế kỷ” của Nhật Bản.
Nhưng người dân địa phương đang bị chia rẽ với hai luồng ý kiến, một phía ủng hộ mong muốn thu hút đầu tư và phía còn lại vẫn ám ảnh bởi thảm họa tại Fukushima năm 2011 do vậy yêu cầu ngưng dự án.
Vấn đề nhức nhối từ chất thải phóng xạ
Hãng Bloomberg (Mỹ) cho biết Chính phủ Nhật Bản đã đầu tư vào năng lượng hạt nhân để phát triển công nghiệp nhưng nay lại đối mặt với lượng chất thải phóng xạ lớn và không có nơi để thải loại.
Kể từ lần đầu sản xuất năng lượng hạt nhân vào năm 1966, Nhật Bản đã tạo ra hơn 19.000 tấn chất thải phóng xạ và chúng đang nằm tại các cơ sở lưu trữ tạm rải rác quanh nước này. Sau 2 thập niên tìm kiếm địa điểm xử lý vĩnh viễn chất thải phóng xạ, hai làng chài Suttsu dân số 2.885 người và Kamoenai dân số 810 người ở Hokkaido đang trở thành “ứng viên tiềm năng”.
Các sự cố tại Chernobyl năm 1986 và Fukushima năm 2011 khiến dư luận nghi ngờ về an toàn của các lò phản ứng hạt nhân. Thế hệ lò phản ứng hạt nhân mới được thiết kế an toàn hơn có thể coi là giải pháp “xoa dịu” lo lắng nhưng vấn đề về chất thải phóng xạ vẫn hiện hữu.
Cơ quan Quản lý Chất thải Hạt nhân Nhật Bản (NUMO) cho biết: “Khi xem xét về rủi ro động đất, sóng thần, hỏa hoạn và khủng bố thì việc giữ chất thải phóng xạ ở dưới đất sẽ an toàn hơn”. Chiến thuật của Nhật Bản là tái sử dụng uranium và plutonium sau đó niêm phong phần còn lại trong kính, đặt vào container bằng thép rồi chôn xuống vị trí cách mặt đất 300m. Sau đó tính phóng xạ sẽ giảm dần, mất 99,9% hiệu lực trong 1.000 năm.
Một đạo luật năm 2000 của Nhật Bản đặt mục tiêu đến năm 2025 chọn được địa điểm xử lý chất thải phóng xạ và quá trình này sẽ khởi động khoảng 1 thập niên sau đó. Ở thời điểm năm 2000, không một địa phương nào chủ động ứng cử.
Chất thải phóng xạ tiếp tục gia tăng, được lưu trữ tạm thời trên mặt đất ở Rokkasho trên đảo Honshu và một số nhà máy, trung tâm nghiên cứu khắp Nhật Bản.
Chính phủ Nhật Bản vào năm 2017 đã công bố bản đồ các địa điểm phù hợp về địa chất và nhiều yếu tốc khác để nhận chất thải phóng xạ về dài hạn. Do chịu tác động của dịch COVID-19 trong năm 2020, hai ngôi làng Suttsu và Kamoenai đã tình nguyện “giơ tay”.
Tồn tại những rào cản
Cả hai làng chài Suttsu và Kamoenai đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Sản lượng hải sản đánh bắt của Nhật Bản đã giảm hơn 2/3 kể từ năm 1985. Chính quyền làng Kamoenai đã cố gắng kích thích ngành đánh bắt hải sản nhưng nước biển ấm hơn, biến đổi khí hậu đã gây tác động.
Ưu đãi với những địa điểm được chọn làm nơi xử lý chất thải phóng xạ về dài hạn là khoản đầu tư 3,9 nghìn tỷ yen (37 tỷ USD) trong 3 giai đoạn. Đầu tiên, NUMO dành 2 năm đánh giá rủi ro dựa trên dữ liệu khoa học, địa chất. Sau đó là 4 năm nghiên cứu thực địa. Cuối cùng là giai đoạn thử nghiệm trong 14 năm trước khi ra quyết định cuối cùng.
Thống đốc Hokkaido Naomichi Suzuki trong tháng 10/2020 đã phản đối khi hai làng Suttsu và Kamoenai đăng ký tham gia giai đoạn 1.
Một số nhà địa chất cũng bày tỏ lo ngại, giáo sư Yugo Ono tại Đại học Hokkaido cho biết động đất có độ lớn hơn 6 có thể gây tổn thất đáng kể từng xảy ra ở những địa điểm “màu xanh” trong bản đồ của NUMO. Người phát ngôn của NUMO Takashi Hondo trong khi đó khẳng định quá trình xem xét đảm bảo chất thải phóng xạ không ảnh hưởng tới sức khỏe con người.
Tháng 1/2007, thị trưởng Toyo tại tỉnh Kochi đã đăng ký để địa điểm này trở thành nơi xử lý chất thải phóng xạ. Chỉ trong 3 tháng sau đó, thị trưởng tại vị 10 năm này thất bại trong cuộc bầu cử địa phương. Vị thị trưởng mới kế nhiệm đã lập tức rút đơn đăng ký.
Tuy tồn tại tâm lý lo ngại ở Nhật Bản nhưng ông Dale Klein tại Đại học Texas (Mỹ) đánh giá: “Các quốc gia ngày càng có nhiều tiến triển trong lĩnh vực này và nó sẽ tạo điều kiện để người dân Nhật Bản tự tin rằng việc xử lý chất thải phóng xạ về dài hạn có thể được thực hiện an toàn”.
Phần Lan từ năm 1999 đã chọn đảo Olkiluoto là địa điểm là nơi xử lý chất thải phóng xạ và bắt đầu xây dựng tại nơi này từ năm 2015. Phần Lan thi công nơi trữ chất thải phóng xạ ở vị trí 450 m dưới mặt đất và nơi đây sẽ đi vào hoạt động từ giữa thập niên này.
Thụy Điển trong khi đó chọn nhà máy hạt nhân tại Forsmark, cách Stockholm 100km làm địa điểm chôn chất thải phóng xạ từ năm 2009. Pháp, Thụy Sĩ và Canada vẫn trong giai đoạn nghiên cứu. Hầu hết các quốc gia có sử dụng năng lượng hạt nhân vẫn lưu trữ chất thải phóng xạ tại những cơ sở tạm thời.
Tin nổi bật
Tin Video