Hai khu dự trữ sinh quyển Việt Nam được UNESCO công nhận: Vinh dự kép - Trách nhiệm lớn
(VOVTV) - Trong tổng số 22 đề cử đến từ 20 quốc gia, cái tên Việt Nam đã được xướng lên 2 lần với hai hồ sơ Vườn Quốc gia Núi Chúa (tỉnh Ninh Thuận) và Khu dự trữ sinh quyển cao nguyên Kon Hà Nừng (tỉnh Gia Lai).
Vào chiều qua (theo giờ Paris), tại Kỳ họp trực tuyến lần thứ 33 Hội đồng điều phối quốc tế Chương trình Con người và Sinh quyển (Abuja, Nigeria, 13 - 17/9/2021), Việt Nam là nước duy nhất có hai hồ sơ được thông qua ngay từ vòng đầu tiên xét duyệt là Vườn Quốc gia Núi Chúa (tỉnh Ninh Thuận) và Khu dự trữ sinh quyển cao nguyên Kon Hà Nừng (tỉnh Gia Lai) được UNESCO ghi danh Khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Danh hiệu quan trọng này không chỉ là vinh dự mà còn là cơ hội và trách nhiệm lớn đối với Việt Nam và các địa phương trong việc xây dựng mô hình phát triển bền vững, gắn kết hài hòa con người và thiên nhiên, kết hợp cân bằng giữa bảo tồn đa dạng sinh học với phát triển sinh kế cho người dân. Điều này càng đặc biệt quan trọng trong nỗ lực phục hồi và phát triển sau đại dịch COVID-19.
Trong tổng số 22 đề cử đến từ 20 quốc gia, cái tên Việt Nam đã được xướng lên 2 lần với hai hồ sơ Vườn Quốc gia Núi Chúa (tỉnh Ninh Thuận) và Khu dự trữ sinh quyển cao nguyên Kon Hà Nừng (tỉnh Gia Lai). Như vậy sau 6 năm, nước ta có Khu dự trữ sinh quyển thế giới mới được ghi danh (gần nhất là Lang Biang, 2015) và sau 12 năm, ta mới có cùng 1 lúc 2 khu được ghi danh (2009: Cù Lao Chàm và Mũi Cà Mau).
Quốc gia duy nhất có hai hồ sơ được thông qua ngay từ vòng đầu tiên
Vui mừng trước vinh dự kép được cộng đồng quốc tế công nhận đối với Việt Nam, Đại sứ, Trưởng đại diện phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO Lê Thị Hồng Vân cho biết các hồ sơ của nước ta đảm bảo tốt 7 tiêu chí mà UNESCO đề ra.
Đại sứ Lê Thị Hồng Vân nói: “Vườn quốc gia Núi Chúa là nơi hội tụ cả ba không gian rừng, biển, bán sa mạc, có hệ sinh thái phong phú, đa dạng với nhiều loài động vật, thực vật quý hiếm và đặc hữu ở trên cạn, dưới biển. Khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng có những đặc điểm chuyên biệt của rừng Tây nguyên, sự phong phú của hệ sinh thái rừng kín nhiệt đới, tính đa dạng sinh học cao. Cả hai khu này đều có những đặc trưng của cộng đồng dân cư ở đây. Xét trên các tiêu chí được đề ra, hai hồ sơ của chúng ta đã được Hội đồng điều phối quốc tế thông qua ngay trong giai đoạn đầu tiên. Và với 2 khu dự trữ sinh quyển mới, đến nay Việt Nam có 11 khu dự trữ sinh quyển được thế giới công nhận".
Chương trình Con người và Sinh quyển – chương trình lâu đời nhất của UNESCO là khuôn khổ quan trọng thúc đẩy hợp tác về nghiên cứu và phát triển, phục hồi hệ sinh thái, xây dựng năng lực, tăng cường kết nối để chia sẻ thông tin, tri thức, kinh nghiệm bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu gắn với phát triển bền vững và bảo đảm sinh kế cho người dân.
Trực tiếp tham dự kỳ họp, đại diện tỉnh Ninh Thuận và tỉnh Gia Lai đã phát biểu trân trọng sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế và cam kết sẽ thúc đẩy các chương trình phát triển bền vững để bảo tồn và phát huy các giá trị của các khu dự trữ sinh quyển có giá trị của Việt Nam.
Khu dự trữ sinh quyển thế giới - không chỉ là Danh hiệu
Cũng theo Đại sứ, Trưởng phái đoàn Lê Thị Hồng Vân, việc Việt Nam cùng lúc được thế giới ghi danh hai khu dự trữ sinh quyển thể hiện sự ghi nhận của quốc tế đối với sự phát triển đa dạng, độc đáo về giá trị tự nhiên, sinh học, động thực vật, giá trị văn hóa của cộng đồng ở 2 khu DTSQTG tại Việt Nam cũng như những nỗ lực của địa phương và người dân trong bảo tồn đa dạng sinh học bền vững.
Đại sứ Lê Thị Hồng Vân nói: “Việc UNESCO ghi danh hai khu dự trữ sinh quyển của chúng ta không chỉ đơn thuần là danh hiệu mà thật sự mở ra nhiều cơ hội cho chúng ta trong học hỏi tiếp thu các kinh nghiệm, thúc đẩy sáng kiến trong bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi hệ sinh thái, thúc đẩy mô hình phát triển bền vững, đảm bảo sinh kế của người dân.
Chúng tôi thấy điều này rất quan trọng khi thế giới đang bước vào Thập kỷ LHQ về phục hồi hệ sinh thái 2021-2030 cũng như những nỗ lực của chúng ta trong nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế -xã hội sau đại dịch COVID-19. Đồng thời chúng tôi cũng thấy rằng đây cũng là dịp để chúng ta thể hiện cam kết của Việt Nam đối với nỗ lực chung của quốc tế trong đảm bảo đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, đóng góp vào nỗ lực phát triển bền vững chung toàn cầu".
Đến nay, thế giới có 714 khu dự trữ sinh quyển ở 129 quốc gia tạo nên mạng lưới khu dự trữ sinh quyển rộng khắp. Theo Cơ quan phát triển LHQ (UNDP), Việt Nam hiện xếp thứ 16 trong số các nước có đa dạng sinh học cao nhất thế giới và là một trong 10 trung tâm giàu đa dạng sinh học nhất của hành tinh. Việt Nam đang là thành viên Hội đồng điều phối quốc tế Chương trình hợp tác Con người và Sinh quyển (MAB-ICC) nhiệm kỳ 2017-2021. Chúng ta cũng là một trong những nước đi đầu thúc đẩy sáng kiến Ngày quốc tế về khu dự trữ sinh quyển 3/11 dự kiến sẽ được thông qua tại Đại hội đồng UNESCO 41 (tháng 11/2021).
Tin nổi bật
Tin Video