Tin tức

Hạ tầng giao thông khu vực phía Nam TP.HCM không đáp ứng yêu cầu phát triển

(VOVTV) - Khu vực phía Nam TP.HCM như Quận 4, Quận 7, huyện Nhà Bè phát triển nhanh chóng. Lượng người và phương tiện tăng cao gây quá tải lên hệ thống giao thông, nhất là các tuyến đường kết nối với trung tâm TP. Về lâu dài, sự quá tải này gây cản trở đến sự phát triển khu vực Nam Sài Gòn và cả TP

Tác giả Hà Khánh / VOV TPHCM
27/05/2022 09:34

Căng thẳng từ cao điểm tới thấp điểm

Có mặt tại tuyến đường Nguyễn Tất Thành (Quận 4), con đường huyết mạch nối khu vực Quận 4, Quận 7, huyện Nhà Bè với trung tâm TP vào lúc 10h sáng- không phải khung giờ cao điểm, chúng tôi vẫn thấy rõ áp lực giao thông dồn nén lớn như thế nào.

Xe ô tô, xe máy ken kín mặt đường, lề đường cho người đi bộ cũng trở thành đường của xe hai bánh. Đặc trưng tuyến đường này là có rất nhiều xe tải hạng nặng, xe chở dầu, container di chuyển ở cả hai chiều lưu thông. Vì thế, tình trạng ù ứ xe cộ trên đường Nguyễn Tất Thành đã trở nên thường trực.

Anh Nguyễn Phước Sơn, ngụ Quận 7, làm việc tại Quận 4 cho biết: " Giờ này thì đông nhưng những giờ cao điểm, sáng đến giờ đi làm, trưa giờ về nghỉ trưa, chiều giờ đi làm về tới tối là ùn tắc luôn, kéo dài từ cầu Tân Thuận tới cầu Khánh Hội. Hiện nay đường nó quá chật so với nhu cầu của người đi đường, nhỏ quá nhỏ. Do đó tôi mong muốn làm sao làm con đường lớn hơn, thông thoáng hơn".

Hạ tầng giao thông khu vực phía Nam TP.HCM không đáp ứng yêu cầu phát triển - Ảnh 2.

Dòng xe kéo dài trên đường Nguyễn Tất Thành Quận 4 dù không là giờ cao điểm (ảnh Hà Khánh)

Tại những tuyến đường trục kết nối khu vực phía Nam với trung tâm TP khác là Nguyễn Hữu Thọ, Lê Văn Lương, Nguyễn Thị Thập...tình hình giao thông cũng căng thẳng không kém.

Nguyên nhân chủ yếu do tốc độ phát triển của khu vực phía Nam quá nhanh, phương tiện vận chuyển hàng hóa từ trung tâm vào cảng và ngược lại đều di chuyển qua đây, có thêm nhiều trường đại học tập trung đông sinh viên...trong khi các tuyến đường đều nhỏ hẹp, xây dựng đã lâu nên hiện không đáp ứng nổi nhu cầu lưu thông.

Nhanh chóng giải tỏa các cảng, nghiên cứu hình thành thêm các đường trục

Trước tình trạng trên, ngành giao thông TP.HCM cũng đã có nhiều giải pháp để khắc phục. Theo ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM, hiện TP đã giao Ban và Sở Giao thông vận tải nghiên cứu mở rộng mặt cắt ngang đường Nguyễn Hữu Thọ, nhanh chóng hoàn thành hầm chui Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ.

Đồng thời 4 cầu yếu trên tuyến đường Lê Văn Lương như Rạch Đĩa, Rạch Tôm, Rạch Dơi và cầu Long Kiểng cũng sẽ được nâng cấp.

Hạ tầng giao thông khu vực phía Nam TP.HCM không đáp ứng yêu cầu phát triển - Ảnh 3.

Đường Nguyễn Tất Thành (Quận 4)

Đặc biệt, để tăng kết nối với khu vực trung tâm thì ngành giao thông cũng đã xây dựng dự án cầu đường Nguyễn Khoái, xuất phát từ đường Him Lam (Quận 7), vượt kênh Đôi, kênh Tẻ, đi trên cao băng qua Quận 4 và băng qua kênh Tàu Hủ để tiếp cận vào đường Võ Văn Kiệt.

Dự án cầu đường Bình Tiên (Quận 6) băng qua Quận 8 và đến điểm cuối giao cắt với trục Nguyễn Văn Linh, Quốc lộ 50. Các công tác chuẩn bị đã sẵn sàng và khi HĐND TP thông qua, ngành giao thông sẽ triển khai.

Hạ tầng giao thông khu vực phía Nam TP.HCM không đáp ứng yêu cầu phát triển - Ảnh 4.

Dự án hầm chui nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ cũng đang gấp rút thi công để sớm hoàn thành. Ảnh: Hà Khánh

Ngoài ra, một số tuyến đường trục ngang khác ở trong địa bàn huyện Nhà Bè nối kết Nhà Bè với Quận 7, huyện Bình Chánh cũng đang được nghiên cứu…Về phía Quận 7 cũng đề xuất hình thành trục đường 15B, song song với Nguyễn Hữu Thọ, xây dựng cầu Phú Xuân 2 để cuối tuyến là điểm đầu của cầu Cần Giờ (qua huyện Cần Giờ hiện đang kêu gọi đầu tư). Ngoài ra, HĐND TP cũng thông qua chủ trương nghiên cứu, kêu gọi đầu tư cầu Thủ Thiêm 4 nối qua TP Thủ Đức.

Ông Lương Minh Phúc cho biết, nếu như hoàn thành các công trình trên thì khi đó, hệ thống giao thông ở khu vực phía Nam TP sẽ hoàn thiện các trục và giảm ùn tắc: "Sắp tới UBND TP giao cho Sở GT-VT và Ban Giao thông nghiên cứu; chúng ta sẽ hoàn thiện đường trục song song theo trục Bắc - Nam và hình thành những đường trục ngang theo trục Đông - Tây để vừa hoàn thiện bộ khung giao thông cho Nhà Bè, Quận 7, vừa tăng cường khả năng nối kết theo các hướng. Những dự án như vậy sẽ góp phần giải quyết áp lực giao thông giữa khu vực Nhà Bè, Quận 7 với khu vực trung tâm TP".

Hạ tầng giao thông khu vực phía Nam TP.HCM không đáp ứng yêu cầu phát triển - Ảnh 5.

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Giao thông TP.HCM. Ảnh: Hà Khánh

Kế hoạch đã có nhưng hiện nay khó khăn là nguồn vốn, bởi ngân sách có hạn. Hiện ngành giao thông và các địa phương đang tính toán nhiều phương án, nhất là kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) đi kèm với ngân sách nhà nước.

Trong khi đó, Phó Giám đốc Sở GT-VT TP.HCM Phan Công Bằng cho biết, hiện TP đang tập trung để triển khai dự án Vành đai 3 kết nối các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Long An; phối hợp với các địa phương để chuẩn bị triển khai dự án vành đai 4, một số tuyến cao tốc như tuyến cao tốc TP.HCM- Mộc Bài, cao tốc TP.HCM- Thủ Dầu Một- Chơn Thành, mở rộng cao tốc TP.HCM- Long Thành- Dầu Giây, nghiên cứu mở rộng tuyến cao tốc TP.HCM- Trung Lương…

Hạ tầng giao thông khu vực phía Nam TP.HCM không đáp ứng yêu cầu phát triển - Ảnh 6.

Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Phan Công Bằng. Ảnh: Hà Khánh

Theo ông Phan Công Bằng, cùng với nâng cấp và mở thêm đường, việc TP thực hiện di dời các cảng biển theo quyết định của Thủ tướng phê duyệt quy hoạch cảng biển nhóm 5 cũng sẽ góp phần cải thiện tình trạng giao thông hiện nay. Cụ thể, TP sẽ di dời các cảng biển trên sông Sài Gòn thuộc khu vực Quận 4 và Quận 7.

"Hiện nay TP cũng đang giao cho Sở Giao thông vận tải để làm việc với cơ quan của Bộ Giao thông vận tải để có kế hoạch chi tiết triển khai việc di dời cảng biển này về hoạt động ở khu vực Nhà Bè, Cần Giờ. Khi mà các cảng biển được chấm dứt hoạt động thì đường Nguyễn Tất Thành cũng sẽ giảm tải được lưu lượng"- ông Bằng nói.

Cần ưu tiên dự án kết nối trung tâm với ngoại thành

Theo Tiến sỹ Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM, hiện nay TP đang ưu tiên vào một số dự án lớn như Vành đai 3, 4…Điều này là cần thiết nhưng cũng phải tính toán kỹ bởi việc bỏ ra vài chục ngàn tỷ để làm Vành đai song chưa tính toán kỹ phương án thu tiền từ đất cũng sẽ tồn tại các nguy cơ.

Hạ tầng giao thông khu vực phía Nam TP.HCM không đáp ứng yêu cầu phát triển - Ảnh 7.

Đường Nguyễn Hữu Thọ Quận 7. Ảnh: Hà Khánh

TP.HCM chỉ được giữ lại ngân sách chưa đến 20%, đang rất khát vốn làm giao thông mà phải bỏ tiền ra làm Vành đai sẽ gây khó khăn lên việc triển khai các dự án khác. Ông Cương đề xuất, TP cần tập trung đẩy mạnh các dự án giao thông kết nối trung tâm TP với khu vực ngoại thành, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông để nâng cao đời sống nhân dân.

Khu vực phía Nam TP.HCM đang phát triển nhanh chóng. Huyện Nhà Bè cũng sắp lên quận trong tương lai không xa. Do đó, TP.HCM cần thiết phải dành sự ưu tiên cho việc phát triển hạ tầng giao thông kết nối để đảm bảo sự phát triển của khu vực và của cả TP.HCM trong tương lai.

Ý kiến của bạn