Hà Quảng - Cao Bằng: Tăng tốc để đạt mục tiêu năm 2025 cơ bản trở thành huyện thoát nghèo
(VOVTV) - Phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của huyện, huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển toàn diện, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng phấn đấu đến năm 2025 cơ bản thoát khỏi huyện nghèo, đến năm 2030 vươn lên trở thành huyện khá.
Đẩy mạnh phát triển các mô hình kinh tế
Thực hiện Chương trình tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và Đề án nông nghiệp thông minh giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, huyện Hà Quảng đang tập trung xây dựng và mở rộng các mô hình hợp tác kiểu mới, triển khai thực hiện các mô hình hỗ trợ sản xuất, liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm. Tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, phát triển sản xuất quy mô lớn, trong đó tập trung sản xuất theo chuỗi giá trị khép kín, nhất là sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ.
Sau một thời gian triển khai, một số mô hình kinh tế trên địa bàn huyện đem lại hiệu quả, như: Mô hình trồng gừng trâu sản xuất theo hướng hữu cơ 111,7 ha triển khai tại các xã: Thượng Thôn, Nội Thôn, Cải Viên với hơn 1.000 hộ tham gia, sản lượng đạt gần 2.000 tấn; mô hình trồng lúa thương phẩm 96,2 ha triển khai tại xã Ngọc Đào và thị trấn Xuân Hòa… với 378 hộ tham gia, sản lượng đạt 625 tấn; mô hình bưởi da xanh 26,2 ha tại các xã: Trường Hà, Cần Yên, Đa Thông, Ngọc Động; liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đỗ tương 13 ha tại các xã: Lương Can, Tổng Cọt, Mã Ba; ớt hữu cơ 5 ha, lạc hàng hóa 110,6 ha, thuốc lá 1.013,8 ha, mô hình ngô ngọt 30 ha... Hiện, huyện duy trì 12 hợp tác xã nông nghiệp sản xuất trên các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, vật tư nông nghiệp.
Các mô hình kinh tế đã và đang từng bước giúp người dân ổn định sản xuất, vươn lên làm giàu từ sản xuất nông nghiệp, góp phần không nhỏ trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững tại địa phương...
Huyện tiếp tục nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, phát huy vai trò chủ đạo của người dân; tuyên truyền, vận động nhân dân đổi mới phương thức sản xuất, lựa chọn các cây, con giống chủ lực đưa vào sản xuất gắn áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất với nhu cầu thị trường. Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa 4 nhà (quản lý, khoa học, doanh nghiệp, nông dân) trong việc bao tiêu sản phẩm đầu ra từ các mô hình, dần hình thành chuỗi liên kết sản phẩm từ sản xuất - sơ chế, chế biến - tiêu thụ sản phẩm. Tiếp tục ký kết hợp đồng liên kết bao tiêu sản phẩm ổn định cho người dân.
Phấn đấu năm 2025 cơ bản trở thành huyện thoát nghèo
Hà Quảng là một huyện biên giới còn gặp nhiều khó khăn của tỉnh Cao Bằng, được sáp nhập từ hai huyện nghèo trước đây là Hà Quảng và Thông Nông, theo Nghị quyết của Quốc hội từ năm 2020. Địa bàn huyện Hà Quảng gồm có 21 xã, thị trấn và 195 xóm, với tuyệt đại đa số là đồng bào dân tộc thiểu số và một bộ phận lớn các cộng đồng này sinh sống trong các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của huyện.
Giai đoạn 2021 - 2025, tỷ trọng các ngành trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp đạt 41,6%, công nghiệp - xây dựng đạt 20,3%, thương mại, dịch vụ đạt 38,1%; thị trấn Thông Nông và thị trấn Xuân Hòa đạt đô thị loại V; có 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 1 xã đạt nông thôn mới nâng cao; cơ bản đảm bảo nhu cầu nước sinh hoạt cho nhân dân vùng cao; thu nhập bình quân/người đạt 32 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo dưới 30%.
Tầm nhìn đến năm 2030, tỷ trọng các ngành trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp đạt 33,8%, công nghiệp - xây dựng đạt 22,2%, thương mại, dịch vụ đạt 44%; Hà Quảng là huyện phát triển khá của tỉnh, là trung tâm dịch vụ - du lịch, kinh tế cửa khẩu các huyện miền Tây của tỉnh. Thị trấn Xuân Hòa đạt đô thị loại IV, thị trấn Thông Nông cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại IV, thị trấn Sóc Giang đạt đô thị loại V. Có 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 2 xã đạt nông thôn mới nâng cao; cơ bản đảm bảo nhu cầu nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho nhân dân vùng cao; thu nhập bình quân/người đạt trên 90 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo dưới 15%.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, UBND huyện Hà Quảng đã tổ chức chỉ đạo, điều hành linh hoạt, sáng tạo các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đảm bảo phù hợp với tình hình của địa phương. Các hoạt động văn hóa xã hội được triển khai kịp thời; công tác giáo dục và đào tạo được quan tâm, chỉ đạo, tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; tổ chức các hoạt động dạy - học theo hướng đổi mới và nâng cao chất lượng; công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân được quan tâm thực hiện; công tác đảm bảo an sinh xã hội, các chính sách dân tộc được triển khai kịp thời, hiệu quả.
Củng cố tổ chức bộ máy, sắp xếp đội ngũ cán bộ hành chính nhà nước các cấp đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại; giữ vững độc lập, chủ quyền, biên giới quốc gia.
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Xuân Tùng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng cho biết: Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, huyện Hà Quảng đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đặc biệt là chương trình hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Năm 2024, với chỉ tiêu được giao là xóa 1134 ngôi nhà tạm, nhà dột nát với tiêu chí 3 cứng (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng), trong 3 tháng đầu năm 2024, huyện đã thực hiện xong việc xây mới và sửa chữa 399 ngôi nhà, số còn lại đang tiếp tục thực hiện trên tinh thần kịp thời, hiệu quả, đúng địa chỉ.
Trong những năm qua, được sự quan tâm, đầu tư của Đảng và Nhà nước và tỉnh Cao Bằng, huyện đã xây dựng hệ thống hồ vải địa kỹ thuật chứa nước mưa và các hệ thống kênh dẫn, giúp bà con vùng cao có đủ nước sinh hoạt và phục vụ một phần sản xuất. Huyện cũng chú trọng hỗ trợ người dân vốn sản xuất, các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã, sản xuất gắn với cộng đồng...
"Các hoạt động này đã tạo sinh kế và thu nhập cho người dân, giúp đời sống của người dân được nâng lên. Hà Quảng phấn đấu hết năm 2025 cơ bản trở thành huyện thoát nghèo". Bên cạnh đó, thực hiện chính sách đầu tư phát triển kinh tế xã hội, huyện Hà Quảng đạt được nhiều kết quả tích cực cho các vùng dân tộc thiểu số như: 100% các xã của huyện Hà Quảng có đường ô tô đến trung tâm xóm; 97% cụm xóm có điện lưới quốc gia, gần 100% trung tâm xóm được tiếp cận sóng truyền thông", ông Phạm Xuân Tùng chia sẻ.
Hà Quảng đang hội nhiều điều kiện cần và đủ để khởi động chặng đường bứt phá mới. Trên chặng đường mới này, thử thách còn nhiều nhưng có điểm tựa vững chắc là niềm tin, sự kỳ vọng, sự chung sức, đồng lòng của nhân dân và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị để xây dựng huyện xứng đáng với quê hương cội nguồn cách mạng.
Tin nổi bật
Tin Video