Hà Nội tăng cường kiểm tra hàng hóa dịp Tết Trung thu
(VOVTV) - Thời điểm này tình hình buôn bán, vận chuyển các mặt hàng bánh, kẹo, bánh Trung thu, đồ chơi nhập lậu, hàng giả, kém chất lượng phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp Tết Trung thu tiếp tục gia tăng.
Trong tháng 8, tình hình buôn bán, sản xuất, vận chuyển trái phép các loại hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm an toàn thực phẩm và thương mại điện tử trên địa bàn thành phố Hà Nội diễn biến phức tạp.
Đặc biệt là các mặt hàng phục vụ Tết Trung thu và hàng mỹ phẩm, thời trang. Trong tháng 9 và những tháng cuối năm, Ban chỉ đạo 389 Thành phố Hà Nội tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành và các Ban Chỉ đạo quận, huyện, thị xã tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Theo Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389) thành phố Hà Nội, trong tháng 8, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội đã kiểm tra, phát hiện và thu giữ gần 11.000 chiếc bánh Trung thu nhập lậu trên 2.800 đồ chơi trẻ em không có nhãn hàng hóa, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Thời điểm này tình hình buôn bán, vận chuyển các mặt hàng bánh, kẹo, bánh Trung thu, đồ chơi nhập lậu, hàng giả, kém chất lượng phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp Tết Trung thu tiếp tục gia tăng. Chỉ trong tháng 8, các lực lượng chức năng trên địa bàn Thành phố đã kiểm tra trên 2.500 vụ; xử lý hơn 2.300 vụ với các vi phạm chủ yếu là hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại. Hàng hóa thu giữ gồm thuốc lá, quần áo, mỹ phẩm, thực phẩm, đồ gia dụng... Đã chuyển khởi tố 4 vụ với 15 đối tượng. Thu nộp ngân sách nhà nước trên 368 tỷ đồng.
Lợi dụng sự ưa chuộng của giới trẻ, nhiều thủ đoạn làm giả các hãng thời trang, phụ kiện thời trang, mỹ phẩm nổi tiếng được các đối tượng sử dụng. Mới đây, Cục Quản lý Thị trường Hà Nội đã phát hiện kho lưu trữ và dán nhãn giả với hàng vạn kính áp tròng trị giá hàng tỷ đồng. Các đối tượng dùng dùng máy ép dán nhãn để biến kính áp tròng Trung Quốc thành kính Hàn Quốc.
Ông Phan Thanh Hà, Phó đội trưởng đội Quản lý thị trường số 6, Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết: “Các đối tượng bóc nhãn ra sau đó dùng nhãn đặt in và sử dụng 2 máy để dán nhãn mới. Với mức độ kinh doanh và sản xuất hàng hóa có dấu hiệu giả mạo này, đây là vụ việc tương đối lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Khi sử dụng những kính này không có số đăng ký lưu hành, không có kiểm soát về chất lượng, rất dễ ảnh hưởng đến sức khỏe".
Trong tháng 9 và những tháng cuối năm, Ban chỉ đạo 389 Thành phố Hà Nội tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành và các Ban Chỉ đạo quận, huyện, thị xã tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn thành phố Hà Nội. Chú trọng kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm an toàn thực phẩm nhất là trong dịp Tết Trung thu 2022; tăng cường kiểm tra, kiểm soát trên các tuyến giao thông, các ga tàu, bến xe, kho hàng, các chợ đầu mối, trung tâm thương mại tập trung buôn bán hàng hóa số lượng lớn nhằm ngăn chặn việc vận chuyển, tập kết hàng lậu, hàng giả.
Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết: "Ban chỉ đạo 389 của thành phố sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo trong cuối năm 2022, để triển khai đồng bộ các hoạt động kiểm tra, giám sát, phát hiện và ngăn chặn xử lý các vụ buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, nhất là trong các dịp lễ, tết, và những tháng cao điểm. Thời gian này cũng là đặc thù buôn lậu về hàng hoá, rồi gian lận thương mại thông qua các đường biên giới, các khu vực đường hàng không và đường biển, cũng phát sinh thêm tính chất phức tạp cần tập trung để có giải pháp ngăn chặn".
Tin nổi bật
Tin Video