Tin tức

Hà Nội: Tuyên truyền, vận động người dân không ra khỏi nhà khi không cần thiết

(VOVTV) - Hà Nội yêu cầu toàn bộ hệ thống chính quyền các cấp phải xác định nhiệm vụ phòng, chống dịch là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, ưu tiên hàng đầu; tuyên truyền, vận động người dân không ra khỏi nhà khi không cần thiết.

Tác giả PV / VOVTV
05/05/2021 21:25

Ngày 5/5, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã ký Chỉ thị tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới, yêu cầu toàn bộ hệ thống chính quyền các cấp của Thành phố phải xác định nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, ưu tiên hàng đầu trong thời gian tới; tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, huy động toàn bộ hệ thống chính quyền các cấp vào cuộc, đảm bảo kiểm soát hiệu quả, không để dịch lây lan ra diện rộng trên địa bàn Thành phố. 

Nêu cao trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức 

Chỉ thị yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ngành, người đứng đầu các cấp ở địa phương chỉ đạo chủ động phối hợp, cập nhật tình hình trong nước và thế giới, rà soát để không ngừng hoàn thiện và tổ chức thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống dịch trong phạm vi quản lý phù hợp với tình hình dịch bệnh và yêu cầu thực tế; không để bị động trong các kịch bản bùng phát dịch có thể xảy ra; bảo đảm chặt chẽ, đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, dễ thực hiện, dễ giám sát, dễ kiểm tra và rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân.

Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải gương mẫu, tích cực tham gia và đi đầu trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Mọi trường hợp lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, thiếu trách nhiệm, thực hiện không nghiêm các quy định, chỉ đạo về phòng, chống dịch phải được xác định trách nhiệm tập thể và cá nhân để xử lý nghiêm minh theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Quán triệt sâu sắc quan điểm "chống dịch như chống giặc"; thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế, Thành ủy, UBND Thành phố và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố. Tăng tốc thực hiện các biện pháp phát hiện sớm nguồn lây, truy vết, cách ly kịp thời, khoanh vùng nhanh gọn, dập dịch triệt để.

Tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch COVID-19

Tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, nhanh hơn, hiệu quả hơn, phát huy hệ thống loa truyền thanh xã, phường, tuyên truyền lưu động (như xe tuyên truyền của Công an, của các lực lượng...); phát huy vai trò của các tổ COVID-19 cộng đồng... nhằm nâng cao nhận thức và huy động cả hệ thống chính trị, sự tham gia của người dân đối với công tác phòng, chống dịch COVID-19 với phương châm "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng".

Tuyên truyền, vận động người dân không ra khỏi nhà khi không cần thiết. Bắt buộc khai báo y tế theo quy định; đeo khẩu trang khi ra ngoài; không tập trung đông người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách tối thiểu 1m khi tiếp xúc; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; khi có dấu hiệu ho, sốt, khó thở hoặc các triệu chứng nghi ngờ mắc COVID-19, phải đến ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn, khám, điều trị kịp thời.

Đảm bảo tuyệt đối an toàn phòng chống dịch cho các cơ sở khám chữa bệnh. Đồng thời thực hiện tốt công tác điều trị cho người mắc bệnh, hạn chế thấp nhất người tử vong.

Thần tốc truy vết đến cùng, lấy mẫu xét nghiệm và cách ly tuyệt đối các trường hợp F1, quản lý nghiêm ngặt các trường hợp F2 theo quy định.

Tổ chức khoanh vùng theo điều tra dịch tễ, đảm bảo đúng quy mô, mức độ, số lượng đối tượng hẹp nhưng chặt chẽ. Đối với các khu vực đã phong tỏa cần kiểm soát chặt chẽ không cho người dân ra, vào theo đúng tinh thần "nội bất xuất - ngoại bất nhập". Bên trong khu cách ly: các hộ gia đình phải cách ly giữa nhà với nhà, người dân không được giao lưu.

Tổ chức xét nghiệm sàng lọc tại các khu vực có nguy cơ cao trong đó lưu ý các khu vực có nhiều chuyên gia, khu công nghiệp…, và các đối tượng có nguy cơ (người từ vùng dịch về, người có các biểu hiện ho, sốt, khó thở…) để đánh giá nguy cơ dịch bệnh và đưa ra các giải pháp phòng chống kịp thời, hiệu quả.

Tất cả các đơn vị từ thành phố đến quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn phải rà soát lại các phương án phòng chống dịch; nâng công suất, năng lực về truy vết, cách ly, xét nghiệm, điều trị…chuẩn bị sẵn sàng trong tình huống dịch bệnh lan rộng.

Chỉ thị cũng nhấn mạnh yêu cầu ngành y tế chuẩn bị sẵn năng lực cần thiết để đảm bảo ứng phó trong tình huống dịch lan rộng, đảm bảo việc cách ly an toàn, hiệu quả; các ngành dịch vụ, sản xuất kinh doanh, vận chuyển hành khách và tại các khu chung cư cao tầng, các khu trung tâm dịch vụ thực hiện nghiêm các chỉ đạo mới đây của thành phố về việc dừng hoạt động đối với các quán ăn, uống đường phố, trà đá vỉa hẻ, cà phê vỉa hè; bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, bảo đảm giãn cách theo Quyết định số 3888/QĐ-BYT ngày 08/9/2020 của Bộ Y tế ban hành sổ tay hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19 tại cộng đồng trong trạng thái bình thường mới.

Chỉ thị yêu cầu không tổ chức các cuộc họp, hội nghị đông người chưa cần thiết, không tổ chức liên hoan, tiệc mừng; khuyến khích họp trực tuyến và sử dụng công nghệ thông tin, không để đình trệ công việc nhất là các công việc có thời hạn, thời hiệu theo quy định của pháp luật, các dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch trong công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Các đoàn kiểm tra các cấp của Thành phố tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, giám sát thực hiện công tác phòng, chống dịch kết hợp với công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 tại các địa phương.

Kiểm soát chặt chẽ các trường hợp cách ly và sau cách ly

Chủ tịch UBND thành phố cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị, địa phương. Trong đó, Sở Y tế được giao căn cứ vào đặc điểm, tính chất, cơ chế lây bệnh của chủng vi rút trên địa bàn thành phố, chỉ đạo phương án khoanh vùng, cách ly, xét nghiệm theo ưu tiên mức độ cấp thiết phù hợp với từng đối tượng, khu vực; Hướng dẫn, phối hợp UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo, kiểm tra, thực hiện kịp thời, có hiệu quả công tác phát hiện, cách ly, khoanh vùng triệt để khi phát hiện ca lây nhiễm, xuất hiện ổ dịch trên địa bàn. Khi phát hiện ca bệnh dương tính, khẩn trương bao vây khoanh vùng, khử khuẩn những địa điểm liên quan theo quy định. Đồng thời, tổ chức truy vết “thần tốc”, xác định nhanh nhất những trường hợp liên quan đến tiếp xúc với ca bệnh để tiến hành lấy mẫu xét nghiệm và cách ly y tế theo quy định; cương quyết, dồn mọi nguồn lực, bằng mọi giải pháp xử lý triệt để các ổ dịch phát sinh. Đồng thời, rà soát, chuẩn bị nguồn lực và xây dựng các phương án để đáp ứng với tình hình dịch. Triển khai thực hiện việc mua sắm trang thiết bị, dụng cụ, vật tư y tế cần thiết đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.

Công an thành phố Hà Nội được giao tiếp tục chỉ đạo công an quận, huyện, thị xã, công an xã phường thị trấn phối hợp với chính quyền địa phương, cơ sở y tế rà soát trong thời gian nhanh nhất những trường hợp có liên quan đến ca bệnh và những người đi từ các tỉnh, thành khác về Hà Nội theo phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, không bỏ sót để phục vụ kịp thời công tác phòng, chống dịch. Quản lý xuất, nhập cảnh, người nước ngoài cư trú trên địa bàn, phát hiện những người nhập cảnh trái phép, đưa vào khu cách ly; xử lý nghiêm những cá nhân không khai báo y tế hoặc khai báo y tế không trung thực và các tổ chức, cá nhân liên quan tới việc đưa người, chứa chấp người nhập cảnh trái phép. Đặc biệt, sớm đưa ra xét xử những vụ án đưa người nhập cảnh trái phép.

UBND thành phố giao Sở Giao thông Vận tải chủ động bố trí số lượng phương tiện để đảm bảo đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại bến xe, bến tàu, phương tiện giao thông công cộng, yêu cầu chủ phương tiện phải cam kết chịu trách nhiệm đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch khi hoạt động kinh doanh vận tải: Sắp xếp, bố trí hành khách ngồi giãn cách 1 ghế và không vượt quá 50% số ghế ngồi được cấp phép, trên xe có nước sát khuẩn tay, hành khách và lái xe đeo khẩu trang.

Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì phối hợp Sở Y tế chỉ đạo, hướng dẫn kiểm tra việc phòng, chống dịch trong trường học. Xây dựng phương án dạy học phù hợp để bảo đảm công tác phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo và thành phố. Sở Văn hóa và Thể thao tăng cường kiểm tra và xử lý các vi phạm công tác phòng, chống dịch trong lĩnh vực văn hoá, thể thao, quản lý lễ hội; tuyên truyền, tổ chức thực hiện nếp sống văn hóa và các quy tắc ứng xử của thành phố, tham mưu, hướng dẫn các hoạt động văn hóa trên địa bàn đảm bảo tuyệt đối an toàn phòng, chống dịch.

UBND các quận, huyện, thị xã được yêu cầu chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn. UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo xã, phường, thị trấn, các lực lượng chức năng, đặc biệt là tổ giám sát Covid cộng đồng rà soát các trường hợp mắc, những người liên quan và những người đi từ các tỉnh, thành khác về Hà Nội theo phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, không bỏ sót để phục vụ kịp thời công tác phòng, chống dịch. Yêu cầu các hộ gia đình có cam kết thực hiện khai báo y tế. Đồng thời, chỉ đạo quyết liệt việc truy vết tiếp xúc, quản lý chặt chẽ việc cách ly và sau cách ly, theo dõi y tế tại nhà. Quản lý tạm vắng, tạm trú, kịp thời phát hiện các trường hợp nhập cảnh trái phép về cộng đồng, người về từ vùng dịch không khai báo y tế theo quy định.

UBND thành phố đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố phối hợp với chính quyền các cấp tăng cường vận động nhân dân nâng cao ý thức tự giác, tích cực tham gia phòng, chống dịch. Tiếp tục vận động, chăm lo, hỗ trợ cho người dân khó khăn do dịch bệnh trên địa bàn thành phố; vận động, tổ chức tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả kinh phí, trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Dòng sự kiện
Ý kiến của bạn