Hà Nội: Tiếp diễn tình trạng chợ cóc, chợ tạm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường
(VOVTV) - Tình trạng buôn bán, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, hình thành “chợ cóc, chợ tạm” không theo một trật tự nào hiện đang diễn ra khá phổ biến tại nhiều khu vực trên địa bàn thành phố Hà Nội gây mất mỹ quan, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.

Ghi nhận của phóng viên VOVTV, từ 5 giờ sáng, khu chợ tự phát nằm trên đường Cầu Mới (Thanh Xuân, Hà Nội) ven sông Tô Lịch đã có đông đảo tiểu thương và người dân tập trung mua bán

Tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để họp chợ diễn ra thường xuyên tại khu vực này

Mặc dù có biển báo “Khu vực cấm họp chợ, cấm bán hàng rong” nhưng người dân dường như “ngó lơ”, hoạt động trao đổi, mua bán hàng hóa vẫn diễn ra suốt thời gian qua

Một tiểu thương bán thịt lợn còn ngồi giữa đường, ngay sát dải phân cách, việc sơ chế, cắt thịt cũng thực hiện ngay tại đây

Trên cầu bắc ngang sông Tô Lịch nối đường Láng và đường Giáp Nhất cũng diễn ra tình trạng tương tự

Tuyến phố Cầu Mới dài chưa đến 1 km có tới 3 biển “Khu vực cấm họp chợ, cấm bán hàng rong” nhưng tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè vẫn diễn ra

Việc người dân dừng lại mua bán ngay trên đường, phương tiện đi lại để tràn lan gây nên tình trạng ách tắc, mất an toàn giao thông

Đến gần 7 giờ sáng lực lượng chức năng mới bắt đầu có mặt để giải toả, tuy nhiên chỉ có một số ít tiểu thương bán rau củ quả di chuyển

Hầu như các hàng bán cá, tôm vẫn ngang nhiên hoạt động

Các loại rác thải bừa bãi ngay dưới lòng đường

Việc giết mổ cá khiến khu vực này bốc lên mùi hôi tanh, cùng với đó rác thải, túi nilon được vứt ngay tại chỗ

Các loại gia cầm sống như gà cũng được bày bán tại đây

Công nhân môi trường phải quét dọn rác liên tục

Các loại nước thải, rác dồn thành đống trước miệng cống

Nhiều loại rau củ bị hỏng còn được vứt bỏ xuống sông Tô Lịch

Theo tìm hiểu, việc họp chợ chỉ diễn ra từ sáng sớm tới giữa trưa rồi vãn dần. Tuy nhiên, giờ họp chợ sáng trùng với giờ cao điểm khiến tuyến đường này thường xuyên ùn tắc

Tình trạng này diễn ra từ lâu gây mất mỹ quan đô thị và trật tự an toàn giao thông nhưng vẫn chưa được cơ quan chức năng xử lý dứt điểm

Tương tự, một chợ tự phát tồn tại phía sau chợ truyền thống Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội). Theo những người dân ở đây, chợ tạm Nghĩa Tân đã hoạt động được một khoảng thời gian dài

Mặc dù có chợ truyền thống, nhưng nhiều người vẫn thản nhiên mang hàng hóa bày bán ra khu vực vỉa hè phía sau khu vực chợ Nghĩa Tân

Vỉa hè được các hộ buôn bán tận dụng triệt để

Việc lấn chiếm vỉa hè làm nơi họp chợ còn lan rộng ra những khu vực quanh Khu tập thể Nghĩa Tân

Tình trạng một số hàng quán lấn chiếm vỉa hè làm nơi buôn bán cũng diễn ra dọc tuyến đường Trần Cung (Bắc Từ Liêm, Hà Nội)

Một trong những nguyên nhân gây ách tách giao thông tại khu vực này chính là các hàng rong bày bán ngay trên lòng đường
Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, phạt tiền từ 300.000 - 400.000 đồng đối với cá nhân, từ 600.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: Họp chợ, mua, bán hàng hóa trong phạm vi đất của đường bộ ở đoạn đường ngoài đô thị; trồng cây trong phạm vi đất dành cho đường bộ làm che khuất tầm nhìn của người điều khiển phương tiện giao thông; chiếm dụng giải phân cách giữa đường đôi làm nơi: Bày, bán hàng hóa; để vật liệu xây dựng… Quy định là vậy, nhưng những hành vi vi phạm trên vẫn diễn ra.
Chính quyền địa phương và lực lượng chức năng chỉ dừng lại ở biện pháp nhắc nhở và tuyên truyền, thế nên việc vi phạm vẫn tái diễn.
Tin Video