Hà Nội sau 1 tuần nới giãn cách: Đồ bán mang về vắng khách, có quán chưa mở cửa
Vắng khách là không khí chung tại nhiều cửa hàng bán đồ ăn mang về ở Hà Nội, sau gần 1 tuần được phép hoạt động, thậm chí một số cửa hàng hiện vẫn đóng cửa.
Nhiều hàng quán ăn uống đã mở cửa, phục vụ bán mang về từ ngày 21/9, thời điểm Hà Nội bắt đầu nới lỏng giãn cách xã hội. Ngay lập tức, cảnh khách xếp hàng dài diễn ra tại nhiều nơi, đặc biệt là tại những quán bún phở, đồ ăn sáng.
Tuy nhiên, những ngày sau đó, khách thưa thớt dần. Bên cạnh một số quán lớn, nổi tiếng vẫn hút khách thì nhiều chủ quán khác thừa nhận lượng khách vẫn thấp hơn rất nhiều so với bán hàng trực tiếp trước kia.
Vắng khách, đóng cửa im lìm
Chị Ba, một tiểu thương bán phở gà tại khu vực Nghĩa Tân, quận Cầu giấy cho biết: “Hôm mới mở cửa, tôi bán được khoảng 40 bát chỉ trong chưa đầy 20 phút. Thậm chí, khách vẫn còn xếp hàng dài mà hàng thì đã hết. Nhưng chỉ được hôm đó là đông thôi, những ngày sau đó lại vắng vẻ hơn, khách cũng không phải xếp hàng dài để chờ đợi nữa”.
Đại diện Vua bún mọc, một chuỗi cửa hàng bún tại Hà Nội cho biết, cơ sở này hiện mới mở bán mang về 3/4 địa điểm. Doanh thu cũng chỉ đạt được bằng khoảng 10% so với thời điểm trước dịch. Nhân viên thì phải cắt giảm rất nhiều. Chẳng hạn như tại cơ sở nằm trên phố Thái Thịnh (phường Thịnh Quang, quận Đống Đa), chỉ có 2/6 nhân viên được đi làm. Số còn lại phải chờ đến khi nào hàng quán được phục vụ tại chỗ vì khách hiện giờ cũng chưa đông.
Không chỉ các quán phở, bún mà quán cơm phục vụ bán mang về cũng chung tình cảnh. Ở quán cơm Thanh trên phố Trung Kính (phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy), vào khoảng 11h20 trưa nhưng trong cửa hàng chỉ có chủ và nhân viên, không một bóng khách hàng. Chủ quán cơm cho biết, quán chủ yếu phục vụ khách quen. Ngoài ra, quán cũng mới mở bán thêm trên ứng dụng Grab. Mặc dù vậy, từ khi được mở cửa trở lại với hoạt động bán mang về, khách tương đối vắng vẻ, thua xa trước kia.
Theo khảo sát, một số cửa hàng bán bún, phở khác cũng vắng vẻ dù đang là giờ cao điểm (khoảng 11h30), các chủ cửa hàng đều chia sẻ, tình trạng chung là khách chỉ đông vào hôm đầu tiên được mở bán, còn những ngày sau đó chỉ bình thường, nhiều lúc ế ẩm.
Thậm chí, trên các con phố lớn như Thái Thịnh, Nguyễn Khang, Trung Kính, Nguyễn Ngọc Vũ... vẫn còn khá nhiều hàng quán đóng cửa, dù đã được phép hoạt động trở lại. Theo tìm hiểu, những hàng quán này hoặc là vì nhân viên đã về quê hết, chưa lên được nên không có người phục vụ, không thể mở quán; hoặc là vì chủ quán còn dè chừng, nghe ngóng thêm; hoặc là vì khó khăn trong khâu nhập nguyên liệu. Tuy nhiên, chủ những hàng quán này cho biết rằng họ đang chuẩn bị mở của hoạt động trở lại trong khoảng 1 đến 2 tuần tới.
Vừa bán vừa lo lỗ vốn
Chủ một cửa hàng bún, miến lươn xứ Nghệ trên phố Trung Kính (phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy) chia sẻ lượng khách mua hàng mang về rất vắng, không cẩn thận là lỗ. Anh nói: “Giá lươn nhập vào cao hơn hẳn so với trước dịch. Nếu vẫn bán giá cũ thì lỗ nên tôi buộc phải tăng giá từ 30.000 - 35.000 đồng/suất lên thành 40.000 - 45.000 đồng/suất. Mở bán cả ngày cũng chưa nổi 10 khách như mấy hôm nay thì lỗ vốn”.
Anh N. Thanh, chủ một quán phở bò tại khu vực phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy cho biết, ngay hôm đầu tiên được mở bán mang về, khách cũng đến xếp hàng trước cửa quán của anh để mua phở. Tuy nhiên vào ngày hôm sau cửa hàng lại vắng vẻ, lác đác người mua.
Anh Thanh nói: “Bán phở phải chuẩn bị nhiều khâu, đặc biệt là khâu chế biến nước dùng. Để chuẩn bị được một nồi nước dùng bán hàng phải chuẩn bị từ ngày hôm trước, đun 7 đến 8 tiếng mới xong. Mở ra mà bán được ít quá thì không bõ công, lỗ vốn”.
Theo anh Thanh, cũng vì không được phục vụ tại chỗ nên khách có xu hướng ngại mua phở. Trong khi đó, bán mang về phải chuẩn bị nhiều thứ hơn bán tại chỗ, bao gồm hộp nhựa đựng nước phở riêng, đựng bánh phở riêng, đựng tương ớt, dấm ớt riêng rất phiền phức. “Chi phí đội lên vì phải mất thêm tiền bao bì. Nhưng không thể tăng giá bán được. Khách cũng chỉ túc tắc gọi là có người ra người vào”.
Tin nổi bật
Tin Video