Tin tức

Hà Nội: Rộn ràng không khí mua sắm Tết ông Công, ông Táo

(VOVTV) - Chỉ còn một ngày nữa là đến Tết ông Công, ông Táo, hầu hết các gia đình đều đã bắt tay vào chuẩn bị đồ cúng lễ thật tươm tất để tiễn Táo quân về trời. Tại các chợ dân sinh, những mặt hàng như hàng mã, hoa quả, cá chép... được bày bán rất nhiều, không khí mua sắm trở nên rộn ràng.

Tác giả Mỹ Linh / VOVTV
02/02/2021 10:30

Tết ông Công, ông Táo là ngày lễ quan trọng trong văn hóa của người Việt. Từ xưa đến nay, người Việt quan niệm, vào ngày 23 tháng Chạp, Táo quân sẽ lên trời báo cáo với Ngọc Hoàng về những sự kiện xảy ra trong năm vừa qua của các gia đình. Chính vì vậy, người dân Hà Nội đã chuẩn bị, đi chợ mua sắm đồ cúng lễ để tiễn ông Công, ông Táo chầu trời từ sớm.

Hà Nội: Rộn ràng không khí mua sắm Tết ông Công, ông Táo - Ảnh 1.

Tết ông Công, ông Táo năm nay, do dịch Covid-19 bùng phát trở lại nên không khí mua sắm tại các chợ dân sinh có phần kém hơn mọi năm. Nhưng không vì thế mà người dân Hà Nội quên việc tiễn ông Công, ông Táo về trời. Nhiều người đã đi chợ và chuẩn bị đồ cúng lễ từ rất sớm

Hà Nội: Rộn ràng không khí mua sắm Tết ông Công, ông Táo - Ảnh 2.

Mặc dù tất bật mua sắm, chuẩn bị cho ngày Tết nhưng người dân vẫn không quên đeo khẩu trang để bảo vệ sức khỏe và bảo vệ cho những người xung quanh

Tại Phố Hàng Mã (Hoàn Kiếm, Hà Nội), người đến xem và mua đồ vàng mã, sắm Tết khá đông. Các mặt hàng vàng mã như: mũ, hài, quần áo, tiền vàng… được bày bán rất nhiều, đa dạng, không khí mua sắm nhộn nhịp.

Một tiểu thương ở phố Hàng Mã (Hà Nội) cho biết, năm nay, mẫu mũ ông Công, ông Táo có rất nhiều loại, loại giấy đẹp có giá từ 120.000 - 200.000 đồng/bộ tùy loại, còn với các bộ mũ bằng chất liệu giấy bình thường các cỡ to, nhỏ có giá từ 40.000 đồng/bộ

Hà Nội: Rộn ràng không khí mua sắm Tết ông Công, ông Táo - Ảnh 4.

Theo ghi nhận của VOVTV, năm nay rất ít khách lựa chọn mặt hàng vàng mã hiện đại. Người dân đa số chọn những loại vàng mã bình dân và được đóng gói sẵn vừa đầy đủ lại hợp với túi tiền

Người dân tất bật mua sắm, chuẩn bị cho ngày Tết ông Công, ông Táo

Tại tại một số chợ truyền thống, chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội, không khí mua sắm cũng diễn ra nhộn nhịp, khẩn trương. Như mọi năm, các mặt hàng như đồ mã, cá vàng, hoa quả... được bày bán rất nhiều và đầy đủ. Tuy nhiên năm nay, hầu hết người dân đều mua sắm rất nhanh chóng do lo sợ sự bùng phát của đại dịch, họ không nán lại quá lâu, chỉ mua đủ đồ cần thiết và về chuẩn bị cùng gia đình.

Phật thủ được nhiều người lựa chọn để bày lên mâm quả cúng ông Công, ông Táo

Hà Nội: Rộn ràng không khí mua sắm Tết ông Công, ông Táo - Ảnh 6.

Cùng với các loại hoa truyền thống, những cành đào mini nhỏ nhắn có đủ hoa, lộc dùng để cắm trên bàn thờ được nhiều gia đình tìm mua

Hà Nội: Rộn ràng không khí mua sắm Tết ông Công, ông Táo - Ảnh 8.

Bên cạnh đó, các loại hoa như hoa hồng, hoa ly, hoa cúc… cũng được người dân ưa chuộng

Hà Nội: Rộn ràng không khí mua sắm Tết ông Công, ông Táo - Ảnh 9.

Hoa tươi được đông đảo bà nội trợ lựa chọn thắp hương. Giá hoa hồng khoảng 5.000 – 6.000 đồng/bông, hoa cúc 4.000 – 5.000 đồng/bông

Ngoài mũ và các hàng vàng mã, cá chép cũng được bày bán rất nhiều tại các chợ để người dân mua về cúng ông Công, ông Táo. Giá phổ biến ở mức 25.000 - 30.000 đồng/3 con. Năm nay, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên nhiều gia đình mua cá chép sớm để kịp tiễn ông Công, ông Táo lên chầu trời "tránh dịch".

Hà Nội: Rộn ràng không khí mua sắm Tết ông Công, ông Táo - Ảnh 10.

Cá chép là lễ vật quan trọng, không thể thiếu trong ngày cúng ông Công, ông Táo

Hà Nội: Rộn ràng không khí mua sắm Tết ông Công, ông Táo - Ảnh 11.

Chị Bùi Thị Nhung (Hà Nội) chia sẻ, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhà chị tiễn ông Táo lên trời sớm hơn mọi năm. Do nhà có tận 3 bạn nhỏ, năm nay Tết Táo quân rơi vào ngày trong tuần nên chị chuẩn bị luôn từ sáng sớm để kịp đi làm và đưa các con đi học

Là một người sống xanh, chị Nhung sử dụng bình thủy tinh để đựng cá thay vì túi nilon gây ô nhiễm môi trường

Tại một gia đình khác, anh Đàm (Hà Nội) cũng đang tất bật chuẩn bị cho ngày Tết ông Công, ông Táo. Gia đình anh đã đi chợ từ rất sớm, lau dọn bàn thờ, chuẩn bị đồ lễ để kịp tiễn ông Táo lên chầu trời

Hà Nội: Rộn ràng không khí mua sắm Tết ông Công, ông Táo - Ảnh 14.

Chị Nhung (vợ anh Đàm) cho biết, phong tục thờ cúng ông Công, ông Táo là tín ngưỡng văn hóa dân gian Việt Nam. Mâm cỗ cúng ông Công ông Táo trong ngày 23 tháng Chạp có thể chuẩn bị tùy theo khả năng mỗi gia đình, miễn sao phải có cá chép để làm phương tiện cho ông Táo lên trời

Hà Nội: Rộn ràng không khí mua sắm Tết ông Công, ông Táo - Ảnh 15.

Tùy theo khả năng từng gia đình, ngoài cá chép các gia đình có thể cúng mâm cỗ chay hoặc mâm cỗ mặn để tiễn Táo Quân lên chầu trời


Ý kiến của bạn