Hà Nội: Rà soát người liên quan đến Bệnh viện Việt Đức và tăng cường các biện pháp phòng chống dịch
(VOVTV) - Để đảm bảo công tác an toàn phòng, chống dịch, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các đơn vị khẩn cấp thực hiện nhiệm vụ rà soát các trường hợp liên quan đến Bệnh viện Việt Đức và tăng cường các biện pháp phòng chống dịch.
Liên quan đến Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức (cơ sở số 40 Tràng Thi, phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm), tại Hà Nội đã ghi nhận 22 ca dương tính SARS-CoV-2 tại 7 quận, huyện. Trong đó, có 9 trường hợp là người nhà vào chăm sóc bệnh nhân, 8 trường hợp là người bệnh đang điều trị, 4 trường hợp là nhân viên làm việc tại bệnh viện và 1 trường hợp khác.
Bên cạnh đó, còn có 6 trường hợp mắc Covid-19 liên quan đến bệnh viện Việt Đức ở các tỉnh thành khác: Nam Định (3), Hưng Yên (1), Hà Tĩnh (1) và Hải Dương (1).
Để đảm bảo công tác an toàn phòng, chống dịch, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các đơn vị khẩn cấp thực hiện các nhiệm vụ rà soát trường hợp đã đến, ở, về từ Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức từ ngày 19/9/2021 bao gồm làm việc, học tập, cung cấp dịch vụ, khám chữa bệnh, chăm sóc người bệnh... Từ đó, lập danh sách những người có liên quan và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch như cách ly tạm thời, khai thác dịch tễ, lấy mẫu và thực hiện xét nghiệm sàng lọc, chẩn đoán để phát hiện ca bệnh kịp thời.
Ban chỉ đạo chống dịch cơ sở khám chữa bệnh cần khẩn trương rà soát, đánh giá công tác an toàn bệnh viện, an toàn phòng khám theo quy định tại Quyết định số 3088/QĐ-BYT ngày 16/7/2020 và Quyết định số 4999/QĐ-BYT ngày 1/12/2020 của Bộ Y tế.
Bên cạnh đó, tất cả nhân viên y tế trong quá trình làm việc cũng như trong sinh hoạt tại cộng đồng cần phải luôn ý thức được "Bệnh viện là thành trì cuối cùng" trong phòng chống dịch COVID-19, từ đó nâng cao tuân thủ các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm cho bản thân...
Các nhân viên y tế, người lao động của đơn vị dịch vụ thuê ngoài, người bệnh và người nhà người bệnh phải luôn tuân thủ nguyên tắc 5K.
Các cơ sở y tế cần tổ chức các khu vực, ca làm việc hợp lý, hoạt động độc lập, giảm thiểu tối đa nhân viên y tế tiếp xúc trực tiếp với nhau trong ca làm việc và giữa các ca với nhau. Hạn chế tối đa việc di chuyển của nhân viên y tế giữa các khoa, phòng. Đối với khối hành chính, cần áp dụng hình thức họp, giao ban trực tuyến, làm việc trực tuyến phù hợp.
Đối với cán bộ, nhân viên y tế, người lao động, bệnh nhân, người chăm sóc, cần thực hiện nghiêm túc việc xét nghiệm sàng lọc, đánh giá nguy cơ... theo hướng dẫn tại công văn số 5028/BYT-KHTC ngày 23/6/2021 và Công điện 1168/CĐ-BYT ngày 7/8/2021 của Bộ Y tế về tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Trong trường hợp người bệnh cần cấp cứu, phẫu thuật khi chưa có kết quả xét nghiệm sàng lọc thì áp dụng như với đối tượng người nghi nhiễm SARS-CoV-2 cho tới khi có kết quả xét nghiệm âm tính.
Tin nổi bật
Tin Video