Hà Nội nỗ lực khống chế dịch, sản xuất, kinh doanh có nhiều tín hiệu lạc quan
(VOVTV) - Sáng 27/5, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh chủ trì hội nghị trực tuyến giao ban thường kỳ tháng 5/2021.
Dự hội nghị tại điểm cầu UBND thành phố có Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Trọng Đông, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền và lãnh đạo một số sở, ban, ngành thành phố. Lãnh đạo các quận, huyện, thị xã và các xã, phường, thị trấn dự hội nghị tại điểm cầu địa phương.
Đánh giá tình hình công tác trong tháng 5
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND Thành phố Chu Ngọc Anh nhấn mạnh, hội nghị được tổ chức trong bối cảnh Thành phố vừa trải qua một tháng vô cùng khó khăn, nhiều biến động do ảnh hưởng phức tạp của dịch Covid-19. Biến chủng SARS-CoV-2 nguy hiểm, có tốc độ lây lan nhanh gây nhiều khó khăn trong công tác điều tra, truy vết, khoanh vùng dập dịch.
Quang cảnh hội nghị
Đến nay, UBND Thành phố đã ban hành 9 Công điện, 02 Chỉ thị và nhiều văn bản chỉ đạo kiểm soát từng bước hoạt động sản xuất - kinh doanh, sinh hoạt của người dân theo diễn biến của dịch bệnh. Sau rất nhiều giải pháp quyết liệt, có ngày Thành phố không ghi nhận thêm ca nhiễm mới trong cộng đồng, song từ ngày 23/5 đến nay, đã phát sinh thêm ổ dịch mới tại Công ty cổ phần tập đoàn T&T số 2 Phạm Sư Mạnh, Hoàn Kiếm và tòa Park 11 khu đô thị Times City chưa xác định được nguồn lây, đòi hỏi Thành phố cần có giải pháp dứt khoát hơn nữa, thần tốc hơn nữa để sớm khống chế, kiểm soát dịch bệnh.
Đặc biệt, Chủ tịch UBND TP chia sẻ: “Công điện 11 về việc đóng cửa hàng cắt tóc, gội đầu, nhà hàng ăn uống chỉ được bán mang về… của Chủ tịch TP vừa qua đã được được người dân, tiểu thương, các cửa hàng đã ủng hộ, chấp hành nghiêm túc. Lực lượng cơ sở như công an, dân phố, dân phòng đã vào cuộc quyết liệt có nhiều hình ảnh xúc động về sự sẻ chia. Tôi xin trân trọng cảm ơn, nhân dân, các tiểu thương, doanh nghiệp đã ủng hộ, chung tay cùng TP chống dịch”.
Trong bối cảnh khó khăn, thực hiện mục tiêu kép, Chủ tịch UBND TP nêu một số địa phương như: Thanh Xuân, Thanh Oai, Thường Tín, Hà Đông… vừa chống dịch nhưng vẫn có kết quả phát triển kinh tế tốt. Từ đó, Chủ tịch UBND TP ghi nhận và biểu dương sự cố gắng, nỗ lực cao độ của toàn thể các cấp, ngành, đơn vị, UBND các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn vừa ngày đêm điều tra truy vết, xử lý dịch bệnh (đặc biệt là CDC Hà Nội, các lực lượng tuyến đầu chống dịch, trung tâm y tế các cơ sở), vừa thực hiện các nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng của đất nước và thành phố.
Đồng chí Chu Ngọc Anh cho biết, ngày 23/5 vừa qua, Thành phố đã tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Công tác chuẩn bị được thực hiện chu đáo, kỹ lưỡng; tiến hành cuộc bầu cử đảm bảo trang trọng, an toàn, dân chủ.
Triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại các khu vực bỏ phiếu, các điểm bỏ phiếu bảo đảm theo đúng quy định. Phục vụ tốt hoạt động của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thành phố và nhân dân Thủ đô thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân tại các khu vực bầu cử. Tính đến 19h00, ngày 23/5/2021, số cử tri đi bầu toàn Thành phố đạt 99,13%.
Để hoàn thành tốt các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách đề ra và trong thời gian tới, Chủ tịch UBND Thành phố đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận về những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động quản lý, điều hành tháng 5; phân tích mục tiêu, chỉ tiêu chưa đạt được do ảnh hưởng của dịch Covid-19; kiến nghị, đề xuất giải pháp đối với Thành phố.
Mặc Covid-19 diễn biến phức tạp, Hà Nội vẫn thực hiện tốt “mục tiêu kép”
"Đặc biệt, qua nghiên cứu báo cáo phát triển KT-XH tháng 5, trước ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19 bùng phát trở lại, Thành phố vẫn kiên trì thực hiện "mục tiêu kép", các hoạt động sản xuất kinh doanh trong tháng 5 tăng trưởng khá" - Chủ tịch UBND Thành phố nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND Thành phố Chu Ngọc Anh phát biểu tại hội nghị
Cụ thể, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 1,8% so với tháng 4 và tăng 5,1% so với tháng 5 năm 2020; lũy kế 5 tháng tăng 9,4% so với 5 tháng năm 2020, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm tỷ trọng chủ yếu giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp) tăng 9,7%;
Kim ngạch xuất khẩu tương đương tháng 4 và tăng 2,5% so với tháng 5 năm 2020; kim ngạch nhập khẩu tăng 4,7% so với tháng 4 và tăng 26,2% so với 5 tháng năm 2020.
Một số chỉ số có giảm so với tháng trước nhưng tính chung 5 tháng vẫn tăng như: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5 đạt 46,61 nghìn tỷ đồng, giảm 6,9% so với tháng 4 và giảm 5,7% so với tháng 5/2020 nhưng lũy kế 5 tháng đầu năm đạt 243,8 nghìn tỷ đồng, tăng 11,2% so cùng kỳ. Thu hút đầu tư nước ngoài 5 tháng đạt 591,7 triệu USD. Thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách 5 tháng đạt 4.780 tỷ đồng với 35 dự án. Tổng thu ngân sách Nhà nước ước thực hiện 5 tháng là 110.606 tỷ đồng, đạt 47% dự toán Trung ương giao (đạt 44% dự toán Thành phố giao), bằng 106,5% cùng kỳ.
Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Đỗ Anh Tuấn cho biết, tổng thu ngân sách Nhà nước ước thực hiện 5 tháng đầu năm là 110.606 tỷ đồng, đạt 47% dự toán Trung ương giao (đạt 44% dự toán Thành phố giao). Chi ngân sách địa phương ước thực hiện 5 tháng đầu năm 2021 là 23.711 tỷ đồng, đạt 21,8% dự toán đầu năm, bằng 97,3% so với cùng kỳ.
Trước ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19 bùng phát trở lại, thành phố vẫn kiên trì thực hiện "mục tiêu kép", các hoạt động sản xuất kinh doanh trong tháng 5 tiếp tục tăng trưởng khá: Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 5 tăng 1,8% so với tháng 4 và tăng 5,1% so với tháng 5 năm 2020 (cùng kỳ tăng 1,5%). Lũy kế 5 tháng đầu năm 2021, IIP tăng 9,4% so với 5 tháng năm 2020 (cùng kỳ tăng 2,6%).
Xuất, nhập khẩu hàng hóa phục hồi so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu tháng 5 đạt 1.252 triệu USD, tương đương tháng 4 và tăng 2,5% so với tháng 5 năm 2020 (cùng kỳ giảm 13,7%). Lũy kế 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 5.890 triệu USD, tăng 8,1% so với 5 tháng năm 2020 (cùng kỳ giảm 8,5%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 293,13 nghìn tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2020;
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tăng 1,8% so với tháng 4, tăng 1,75% so với tháng 12/2020 và tăng 0,43% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân 5 tháng đầu năm 2021 giảm 0,5% so với bình quân cùng kỳ năm 2020 (CPI bình quân 5 tháng năm 2020 tăng 4%).
Phát triển kinh tế quyết liệt như chống dịch
“Tôi rất cảm ơn MTTQ Việt Nam TP cho biết dư luận nhân dân đánh giá TP đã chủ động, đi trước tình hình, sàng lọc nguy cơ, kiên định phương châm đã được đặt ra, quán triệt xuống tận cơ sở và có giải pháp hiệu quả ổn định kinh tế, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của Covid-19”, Chủ tịch UBND nói.
Chủ tịch UBND TP nhắc chỉ đạo mới nhất của đồng chí Bí thư Thành ủy rằng Đảng bộ TP, mỗi đảng viên gương mẫu đi đầu trong “chiến đấu” và “chiến thắng” Covid-19 nên: “Các cấp phải quán triệt sâu sắc chỉ đạo này để "hiệp đồng" trách nhiệm, thực hiện tốt “mục tiêu kép”.
Chủ tịch UBND TP đánh giá, cơ bản các đơn vị, chủ kinh doanh, người dân đã thực hiện tốt chỉ đạo của TP, tuy nhiên, các cơ quan báo chí vẫn phản ánh nhiều nơi còn để xảy ra tình trạng người dân tập thể dục tại công viên, bờ sông như tại các khu: Yên Sở, Linh Đàm... nhiều khu vực còn để xảy ra tình trạng chợ cóc, chợ tạm hoạt động đông đúc tiềm ẩn nguy cơ cao lây nhiễm dịch bệnh. Mới đây là tình trạng người dân tập trung vui chơi rất đông tại khu vực ngoài bãi sông Hồng...
“Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường chỉ đạo đến cơ sở, gắn với kiểm tra đôn đốc nhất là lực lượng cơ sở bởi đây là lực lượng chính nắm chắc cơ sở nhất, nếu chú trọng, quyết liệt hơn nữa sẽ không thể xảy ra vi phạm”, Chủ tịch UBND TP nhắc nhở.
Về các giải pháp căn cơ, quyết liệt hơn nữa trong thời gian tới, UBND TP đề nghị các cấp, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy, UBND TP. Trong đó, chú ý Công điện mới nhất của Thủ tướng về kiểm soát tới từng người lao động trong khu công nghiệp.
Chủ tịch UBND TP cũng chia sẻ với lực lượng tuyến đầu rất vất vả ngày đêm, và yêu cầu phải có phương án cụ thể đảm bảo lực lượng, "thay quân" lúc cần thiết bởi "cuộc chiến" với Covid-19 không phải chỉ một sớm một ngày.
Chủ tịch UBND TP cho biết, trong chiều nay TP sẽ có văn bản chỉ đạo cụ thể cũng như sẽ phân công 10 tổ công tác theo dõi quản lý từng quận huyện, kiểm tra đôn đốc, hỗ trợ và chịu trách nhiệm toàn diện nhất là các địa phương đang “nóng” về dịch bệnh... bởi: “Chúng ta đã đi đúng và trúng, cần cụ thể hóa các biện pháp để tiếp tục trong chặng đường sắp tới”.
Để tiếp tục thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế TP theo từng lĩnh vực, Chủ tịch UBND TP nêu rõ, mục tiêu TP đặt ra rất cao và thực tế có nhiều khó khăn các đơn vị phải phấn đấu hoàn thành vượt kế hoạch các chỉ tiêu tăng trưởng GRDP năm 2021 (trên 7,5%), chú trọng phát triển các lĩnh vực có nhiều tiềm năng, tăng trưởng tốt trong tháng 5 như: Công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm tỷ trọng chủ yếu giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp) (tăng 9,7% 5 tháng đầu năm)...
"Việc phát triển kinh tế cũng phải quyết liệt như chống dịch. Phải vào cuộc quyết liệt, cụ thể từng phần việc nếu không sẽ không đáp ứng tiến độ, hiệu quả", Chủ tịch UBND TP nói.
Để khẩn trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Chủ tịch UBND TP sẽ kiện toàn 6 tổ công tác để chỉ đạo, đôn đốc. Các quận huyện, sở ngành phải giải quyết dứt điểm các vướng mắc, báo cáo TP các vướng mắc để tháo gỡ kịp thời.
Chủ tịch UBND TP nhắc các đơn vị tập trung nắm bắt nhanh, hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp về thuế, vượt qua khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19… Chủ tịch UBND TP cũng giao các nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị và lưu ý một số vấn đề quan trọng như xúc tiến đầu tư thế nào để thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh dịch bệnh.
Tin nổi bật
Tin Video