Hà Nội: Nhiều tuyến đường nham nhở do hoàn trả ẩu
Tình trạng nhiều tuyến đường xuống cấp, nham nhở do nhà thầu thi công hoàn trả ẩu diễn ra phổ biến trên địa bàn TP Hà Nội.
Dù Sở GTVT Hà Nội nhiều lần “chỉ mặt, điểm tên”, tuy nhiên đến nay, các tuyến đường này vẫn chưa được sửa chữa, gây mất ATGT.
Đường nội thị nhếch nhác, mất an toàn
Chiều 2/8, lưu thông trên đường Văn Cao đến nút giao Văn Cao - Đội Cấn (hướng về hồ Tây), đập vào mắt PV Báo Giao thông là một mặt đường đầy đá dăm lởm chởm sau quá trình thi công hạ cáp ngầm.
Dù là ngã tư trọng điểm, song sau thời gian bị đào xới, một phần mặt đường dài khoảng hơn 20m được hoàn trả rất cẩu thả.
Lớp asphalt mới thiếu nhựa khiến lõi đá trơ ra và nhanh chóng bong tróc khỏi lớp kết dính. Mỗi lần có xe ô tô đi qua, đá dăm lại bung bật và vương vãi khắp mặt đường.
Những người tham gia giao thông bằng xe máy mỗi lần di chuyển tới gần ngã tư lại vội vàng giảm tốc vì sợ “đo đường” do bánh xe trượt đá.
Tình trạng hoàn trả mặt đường ẩu cũng đang diễn ra trên phố Thái Hà (quận Đống Đa). Được biết, từ tháng 5/2021, tuyến phố này (đoạn từ nút giao Thái Hà -Yên Lãng đến ngã tư Thái Hà - Láng Hạ) bắt đầu được đào với chiều rộng hơn 1m để hạ ngầm cáp điện.
Đến nay, mặt đường tuyến phố trong phạm vi dự án đã được hoàn trả. Song, đáng nói là công tác thảm nhựa lại rất thiếu mỹ quan, biến tuyến phố khang trang giữa trung tâm Thủ đô thành cung đường vá víu, nhếch nhác.
Bằng mắt thường dễ dàng nhận thấy lớp nhựa mới không chỉ thiếu đồng bộ về cao độ so với mặt đường cũ khiến đoạn đường lưu thông thiếu êm thuận mà còn tạo ra các gờ cao thấp khác nhau từ 1 - 3cm gây nguy hiểm cho phương tiện qua lại.
Người đi xe máy chỉ cần lơ là đưa bánh xe vào đoạn gờ vênh thì nguy cơ mất tay lái, xảy ra tai nạn là rất cao.
Tương tự, trên đường Trần Thủ Độ (quận Hoàng Mai), mặt đường khu vực giao cắt với đường Pháp Vân dù mới được hoàn trả sau quá trình thi công hạ ngầm tuyến cáp điện trung thế 110kV nhưng hiện khu vực thảm nhựa mới cũng xuất hiện các vết nứt tại đoạn khớp nối với mặt đường cũ, dù theo người dân sinh sống ven đường, công tác trải thảm diễn ra chỉ chưa đầy một tháng.
Hơn một năm nay, người tham gia giao thông qua khu vực ngã tư đường Trương Định - Tân Mai cũng không khỏi bức xúc khi đơn vị thi công hạ cáp điện ngầm hoàn trả mặt đường kém chất lượng.
Có mặt tại đây, PV chứng kiến là một ngã tư chi chít đường cáp ngầm đan chéo nhau. Các khu vực được thảm nhựa hoàn trả xuất hiện dày đặc các vết nứt nẻ, gồ ghề, hằn lún sâu tạo ra “ổ trâu” đe dọa đến sự an toàn của người đi đường.
Đáng nói, dù công tác khắc phục kém chất lượng này đã được Ban Duy tu các công trình giao thông Hà Nội nhắc nhở nhiều lần nhưng hiện mặt đường vẫn nham nhở.
Ngay cạnh đó, nguy cơ mất ATGT cũng hiện hữu trên tuyến đường Trương Định. Tại đây, công tác trải nhựa 1/4 mặt đường (hướng ra đường Giải Phóng) nằm trong phạm vi phục vụ công tác hạ ngầm cáp điện đã được hoàn thiện.
Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian khai thác, khu vực thảm mới và mặt đường cũ đã “vênh nhau”, các vệt hằn lún xuất hiện ngày một nhiều, đặc biệt là tại vị trí cạnh các hố ga.
Xây dựng kế hoạch đồng bộ giao thông kết nối
Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, với những tuyến đường hoàn trả ẩu, thời gian qua Sở GTVT đã nhiều lần đôn đốc, chấn chỉnh chủ đầu tư, nhà thầu phải khẩn trương khắc phục.
Sở GTVT Hà Nội cũng vừa đề nghị Sở Xây dựng Hà Nội, Sở Thông tin & Truyền thông chỉ đạo các đơn vị quản lý công trình ngầm có phương án khắc phục hoàn trả các mặt đường chưa đảm bảo gây mất ATGT.
Trong đó, có yêu cầu quản lý chặt chất lượng hoàn trả và cần có kế hoạch phối hợp đồng bộ thi công hạ tầng để giảm việc tối đa đào hè đường vừa gây mất ATGT, ảnh hưởng đến môi trường, mỹ quan đô thị.
Trao đổi với Báo Giao thông, GS. TS. Nguyễn Thị Thu Thủy - Giảng viên Trường Đại học GTVT nhận định, hệ thống hạ tầng đô thị trong đó có cấp điện, cấp nước, thoát nước, thông tin, chiếu sáng, hố ga... trên địa bàn Thủ đô vẫn chưa được đầu tư đồng bộ.
Điều này dẫn đến trong quá trình thực hiện đầu tư hạ tầng các đơn vị không có kế hoạch kết nối, phải đào đường, đào hè nhiều lần.
“Quá trình sau thi công họ lại vá víu cho qua, chưa chú trọng đến công tác đảm bảo ATGT, mỹ quan cho đoạn đường vừa bị đào xới lên. Tôi khẳng định, lỗi này không chỉ chủ đầu tư mà còn do những đơn vị nghiệm thu công trình cũng rất… qua loa. Theo quy định, khi các công trình hoàn trả chưa đảm bảo phải yêu cầu khắc phục lại”, bà Thủy nói.
Cũng theo bà Thủy, các cơ quan chức năng cần yêu cầu các đơn vị thi công ẩu phải trải thảm lại mặt đường một lần nữa để đảm bảo chất lượng, không dừng lại ở việc làm ẩu thì chỉ bị phạt hành chính như hiện nay.
Về lâu dài TP phải có kế hoạch đồng bộ hạ tầng giao thông mang tính kết nối khắc phục tình trạng hiện nay để hạn chế tình trạng mặt đường bị đào lên, bới xuống quá nhiều lần trong năm, vừa gây lãng phí vừa khiến chất lượng mặt đường các tuyến phố bị ảnh hưởng và việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn.
Tin nổi bật
Tin Video