Tin tức

Hà Nội: Làng nghề Mộc cao cấp Vạn Điểm nổi tiếng nhưng vẫn trăn trở

(VOVTV) - Nổi tiếng với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ gỗ theo phong cách giả cổ và hiện đại, người thợ tài hoa Làng nghề Mộc cao cấp Vạn Điểm đã làm hài lòng khách hàng ở khắp mọi nơi trong và ngoài nước. Phát triển và tạo dựng được thương hiệu riêng biệt, nhưng "chiếc áo" làng nghề quá chật khiến họ luôn trăn trở, khát khao có một khu sản xuất tập trung.

Tác giả Trọng Hiếu / VOVTV
08/11/2021 10:27

Nức tiếng xa gần

Xã Vạn Điểm nằm ở phía Đông Nam huyện Thường tín, Hà Nội, có diện tích tự nhiên hơn 3km2 với dân số hơn 8 nghìn người. Xã có ga đường sắt Đỗ Xá, tuyến quốc lộ 1A, tỉnh lộ 429 chạy qua, đặc biệt là tuyến đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ với nút giao Vạn Điểm nên rất thuận tiện phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, trong đó nổi bật là nghề sản xuất đồ mộc cao cấp.

Hà Nội: Làng nghề Mộc cao cấp Vạn Điểm nổi tiếng nhưng vẫn trăn trở - Ảnh 1.

“Xưởng là nhà, nhà là xưởng” không có gì là lạ ở làng nghề mộc Vạn Điểm

Theo một số nghệ nhân, nghề mộc ở Vạn Điểm không có ông tổ nghề như những làng nghề khác, mà là do chính những người dân Vạn Điểm đi làm ăn, buôn bán đã mang nghề về cho dân làng. 

Khoảng hơn 40 năm trước, khởi đầu chỉ có vài xưởng sản xuất nhỏ lẻ ở làng Vạn Điểm, chủ yếu sửa chữa bàn ghế hỏng, tạo ra các sản phẩm theo mẫu có sẵn, sau lan ra khắp cả xã và các vùng lân cận. Đến đầu những năm 1990, làng nghề mộc Vạn Điểm chuyển sang sản xuất các sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ cao cấp.

Hà Nội: Làng nghề Mộc cao cấp Vạn Điểm nổi tiếng nhưng vẫn trăn trở - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Hà, Chủ tịch UBND xã Vạn Điểm cho biết: Tất cả các thôn trên địa bàn xã đều có nghề mộc, trong đó, thôn Vạn Điểm và Đặng Xá được công nhận "Làng nghề Mộc cao cấp Vạn Điểm", chuyên sản xuất các loại mặt hàng đồ gỗ mỹ nghệ cao cấp bằng gỗ quý tự nhiên được nhập khẩu từ Nam Phi và một số nước Châu Âu, như gỗ Lim, gụ, hương, trắc, mun, gõ đỏ.... 

Làng nghề Mộc cao cấp Vạn Điểm cũng đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt danh sách là một trong mười làng nghề có thương hiệu làng nghề năm 2019 và hiện đã được xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể làng nghề.

Hà Nội: Làng nghề Mộc cao cấp Vạn Điểm nổi tiếng nhưng vẫn trăn trở - Ảnh 3.

Các hộ làm nghề mộc đã tận dụng mọi diện tích, kể cả đường đi để làm mặt bằng sản xuất

Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Vạn Điểm Hoàng Kỳ Tài, cho biết thêm: Các hộ gia đình làm nghề thường chia thành các nhóm buôn bán, xẻ gỗ, gia công sản xuất và chế biến. Mỗi nhóm hộ gia đình đảm nhận một công đoạn tạo nên các mắt xích trong chuỗi cung ứng từ gỗ nguyên liệu đến sản phẩm gỗ của làng nghề.

Trong quá trình sản xuất, vừa kế thừa kinh nghiệm khéo léo của cha ông để có những sản phẩm bền đẹp, vừa tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, đồng thời không ngừng cải tiến mẫu mã, đa dạng hóa các loại hình sản phẩm, nâng cao năng xuất lao động, chất lượng sản phẩm.

Hà Nội: Làng nghề Mộc cao cấp Vạn Điểm nổi tiếng nhưng vẫn trăn trở - Ảnh 4.

Đa số các hộ làm nghề mộc ở Vạn Điểm đều mong muốn có khu sản xuất tập trung để mở rộng quy mô sản xuất, phát triển nghề lâu dài, bền vững

Thợ của làng nghề luôn quan tâm đến tiêu chuẩn bậc nhất là gỗ không cong vênh, rạn, nứt, thớ gỗ phải dẻo, mịn mới dễ chạm, đánh bóng mới đẹp để xứng công phu chạm, khảm.

Sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ cao cấp của Vạn Điểm rất đa dạng, từ mặt hàng cao cấp như sập gụ, tủ chè, tủ chùa, bàn, ghế, giường, cho đến tranh gỗ, khay trà, gạt tàn thuốc lá, lục bình, tượng, tráp, bệ để ngà voi, vỏ đồng hồ… Tuy nhiên, sản phẩm nhiều nhất vẫn là bàn, ghế, sập gụ, tủ chè có giá từ vài chục đến vài trăm triệu đồng.

Mỗi sản phẩm đều mang nét riêng của hàng mộc Vạn Điểm, tạo nên một thương hiệu riêng biệt, thể hiện ở nét hình thưa thoáng, vẻ đẹp trang nhã, họa tiết, hoa văn cổ kính nhưng duyên dáng, ưa nhìn. Chính những nét chạm khắc độc đáo, riêng biệt này, cùng với sự uy tín về chất lượng mà sản phẩm đồ gỗ cao cấp Vạn Điểm đã có mặt ở khắp mọi nơi trong và ngoài nước.

Hà Nội: Làng nghề Mộc cao cấp Vạn Điểm nổi tiếng nhưng vẫn trăn trở - Ảnh 5.

Đồ gỗ mỹ nghệ cao cấp của Làng nghề Vạn Điểm được vận chuyển đến khách hàng ở khắp mọi nơi trong và ngoài nước

Nhờ sự phát triển của các làng nghề mộc mà bộ mặt nông thôn xã Vạn Điểm có nhiều đổi mới, góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội ở địa phương phát triển toàn diện. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ, du lịch, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp. Năm 2020, tổng thu nhập từ sản xuất đạt 516 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 62,8 triệu đồng/người/năm, tăng 35 triệu đồng so với năm 2015.

Rất cần khu sản xuất tập trung

Hiện nay, Xã Vạn Điểm có hơn 70% số gia đình làm nghề mộc, riêng Làng nghề Mộc cao cấp Vạn Điểm có 98% hộ gia đình tham gia sản xuất đồ gỗ cao cấp, trên 40 doanh nghiệp, 1.200 cơ sở sản xuất.

Nghề mộc phát triển, nhưng lại không được quy hoạch xây dựng khu cụm công nghiệp sản xuất tập trung nên các hộ dân lập xưởng sản xuất ngay trong khu dân cư đông đúc. Cũng vì lẽ đó mà ở Vạn Điểm, tình trạng "Xưởng là nhà, nhà là xưởng" không có gì là lạ. Nhiều hộ phải tận dụng phần diện tích nhà ở để làm xưởng sản xuất, làm trụ sở giao dịch, giới thiệu sản phẩm.

Hà Nội: Làng nghề Mộc cao cấp Vạn Điểm nổi tiếng nhưng vẫn trăn trở - Ảnh 6.

Đồ gỗ mỹ nghệ cao cấp của Làng nghề Vạn Điểm được vận chuyển đến khách hàng ở khắp mọi nơi trong và ngoài nước

Thậm chí, nhiều xưởng còn tận dụng cả phần đường giao thông làm mặt bằng để thực hiện một số công đoạn sản xuất như đánh ráp, cưa, đục, trà nu. Chính những bất cập này khiến môi trường sống ở đây bị ô nhiễm bởi bụi, tiếng ồn và mùi hóa chất. Đặc biệt, do thiếu mặt bằng nên các hộ làm nghề không thể mở rộng quy mô sản xuất, khó đầu tư trang thiết bị hiện đại để nâng cao công suất.

Mặt khác, do làng nghề ngày càng phát triển dẫn đến việc nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp của xã bị bỏ hoang, hoặc chỉ để trồng rau màu không mang lại hiệu quả về kinh tế.

Hà Nội: Làng nghề Mộc cao cấp Vạn Điểm nổi tiếng nhưng vẫn trăn trở - Ảnh 7.

Những khách hàng khó tính, hay thị trường khắt khe cũng đều được người thợ làm hài lòng bằng những sản phẩm đặt hàng đặc biệt, theo ý muốn.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Vạn Điểm Hoàng Kỳ Tài: Việc đưa các cơ sở kinh doanh, hộ làm nghề mộc tại gia đình do thiếu mặt bằng sản xuất ra khu sản xuất tập trung là cần thiết. Chúng tôi rất mong muốn các cấp ngành có những quy hoạch khu cụm công nghiệp làng nghề phù hợp, tạo điều kiện mặt bằng cho nghề mộc ở Vạn Điểm phát triển lâu dài, bền vững.

Chủ tịch UBND xã Vạn Điểm Nguyễn Văn Hà, cho biết thêm: Năm 2006, được sự giúp đỡ và tạo điều kiện của các cấp, các ngành, đặc biệt là UBND huyện Thường Tín, xã vạn Điểm đã được xây dựng một điểm làng nghề với diện tích 7,6ha tại địa bàn thôn Vạn Điểm. Sau 3 năm triển khai xây dựng, điểm làng nghề của xã đã được phủ kín với hơn 300 nhà xưởng, chủ yếu làm cơ sở trưng bày, giới thiệu sản phẩm, nhưng cũng mới chỉ đáp ứng nhu cầu cho 1/3 số hộ sản xuất ở địa phương.

Hà Nội: Làng nghề Mộc cao cấp Vạn Điểm nổi tiếng nhưng vẫn trăn trở - Ảnh 8.

Sản phẩm đồ gỗ của Vạn Điểm rất đa dạng, nhưng nhiều nhất vẫn là sập gụ, tủ chè, bàn, ghế cao cấp được sản xuất từ gỗ quý tự nhiên, nhập khẩu từ Nam Phi và một số nước Châu Âu

Năm 2018, UBND xã Vạn Điểm tiếp tục làm tờ trình gửi các cấp về việc xin mở rộng khu sản xuất làng nghề tại khu vực phía sau thôn Vạn Điểm, với diện tích 24ha, khắc phục tình trạng thiếu mặt bằng cho hơn 800 hộ sản xuất.

Tuy nhiên, việc mở rộng khu sản xuất làng nghề không phù hợp với quy hoạch của Thành phố, bởi khu vực Vạn Điểm đã được quy hoạch khu trung tâm của Đô thị Phú Xuyên. Đây là một rào cản lớn cho làng nghề phát triển, không đáp ứng kịp xu thế phát triển trong quá trình hội nhập. Vì vậy, việc điều chỉnh quy hoạch khu sản xuất tập trung cho phù hợp với thực tế làng nghề của địa phương là rất cần thiết.

Hy vọng, Thành phố Hà Nội sớm bổ sung, điều chỉnh quy hoạch, từng bước tháo gỡ những khó khăn về mặt bằng để các làng nghề mộc xã Vạn Điểm được mở rộng quy mô sản xuất và xây dựng thành công điểm du lịch làng nghề. Qua đó, từng bước góp phần bảo vệ môi trường làng nghề, duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng đời sống trong xu hướng phát triển của thời kỳ mới.

Ý kiến của bạn