Hà Nội hủy quyết định xây 10 cao ốc ở triển lãm Giảng Võ
Theo lãnh đạo TP Hà Nội, dự án tại 148 Giảng Võ đã có chủ trương chuyển đổi làm trung tâm dịch vụ thương mại, dịch vụ, văn hóa; sẽ không xây 10 tòa chung cư 50 tầng nữa.
Ngày 7/7, Hội đồng nhân dân (HĐND) TP Hà Nội thực hiện phiên chất vấn và trả lời chất vấn với nhiều vấn đề "nóng" được cử tri, nhân dân quan tâm.
Tại phiên chất vấn, các đại biểu đặt câu hỏi liên quan đến dự án 148 Giảng Võ, quận Ba Đình sau nhiều năm phê duyệt vẫn để không. Còn dự án đầu tư xây dựng trụ sở làm việc số 31 - 31 - 35 phố Lý Thường Kiệt, diện tích gần 2.300m2, HĐND TP Hà Nội đã nhiều lần giám sát, đưa vào danh sách chậm triển khai nhưng đến nay dự án vẫn chậm tiến độ, chưa triển khai, vậy trách nhiệm của của các đơn vị có liên quan là như thế nào?
Làm rõ thêm về 2 dự án này, ông Nguyễn Trúc Anh, Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc (QHKT) Hà Nội cho biết: Dự án 148 Giảng Võ đã được phê duyệt quy hoạch từ 2016; đến năm 2019 có quyết định thu hồi chủ trương đầu tư.
Sở QHKT đã báo cáo UBND TP về vướng mắc, theo Luật Quy hoạch đô thị, chúng ta phải trình rõ chủ đầu tư dự án, nhưng hiện nay đã quyết định thu hồi quyết định đầu tư dự án.
Đến ngày 19/3/2021, Hà Nội đã phê duyệt phân khu nội đô. Đây là điểm nhấn quan trọng để cung cấp pháp lý cơ bản để trình duyệt dự án. Qua đó, có thể tiếp tục nghiên cứu quy hoạch và trình duyệt ở 148 Giảng Võ.
Về công trình số 31- 33 - 35 Lý Thường Kiệt, thành phố đã giao nhiệm vụ thiết kế đô thị cho quận Hoàn Kiếm. Quy hoạch phân khu khẳng định, công trình này là công trình đô thị công cộng 8 tầng, với mật độ xây dựng 60%.
Theo Giám đốc Sở QHKT, đây là dự án kéo dài, phải qua rà soát. Sở sẽ chỉ thụ lý những vấn đề điều chỉnh quy hoạch khách quan; còn chủ quan của nhà đầu tư thì phải qua bước rà soát, xem xét rõ năng lực của chủ đầu tư thì mới thực hiện các bước tiếp theo.
Liên quan đến 2 dự án này, ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng, dự án tại 148 Giảng Võ đã có chủ trương chuyển đổi làm trung tâm dịch vụ thương mại, dịch vụ, văn hoá. Trước đó, vào năm 2016, UBND TP đã phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 (tại quyết định 3560) khu đất 6,8ha, số 148 Giảng Võ với quy mô 10 tòa chung cư cao 50 tầng.
Cùng thời gian này, UBND TP cũng phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư (tại quyết định số 4205).
Theo ông Tuấn, thời điểm đó, mặc dù xác định 148 Giảng Võ là điểm nhấn tại khu vực nội đô lịch sử nhưng theo chỉ đạo của Chính phủ, UBND TP cũng như ý kiến của các bộ ngành và dư luận xã hội thì đến ngày 7.3.2019, UBND TP đã có quyết định 1441 thu hồi quyết định 4205/2016 về chủ trương đầu tư dự án.
Tại khu vực này sẽ không xây dựng quy mô 10 tòa nhà cao 50 tầng nữa. Thay vào đó, khu vực này sẽ được làm trung tâm thương mại, dịch vụ, văn hóa và chỉ đề xuất chức năng hỗn hợp như khách sạn, văn phòng, thương mại để bảo đảm chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc phù hợp.
Ông Tuấn cho hay, thời gian tới, UBND TP sẽ chỉ đạo điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 khu vực này để đưa về đúng chức năng như nêu trên. Sau khi điều chỉnh lại quy hoạch 1/500, thì sẽ quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Hiện nhà đầu tư cam kết sau khi các thủ tục trên hoàn thiện sẽ tiến hành đầu tư ngay.
Lãnh đạo TP Hà Nội nhấn mạnh, các thủ tục này sẽ được hoàn thành trong năm 2022, để năm 2023 dự án sẽ khởi công và hoàn thiện với thời gian kéo dài tối đa 3 năm.
Liên quan đến dự án tại số 31-33-35 Lý Thường Kiệt, cùng nội dung chất vấn, đại biểu Nguyễn Thanh Bình (quận Tây Hồ) cho biết dự án đầu tư xây dựng trụ sở làm việc số 31, 31, 35 phố Lý Thường Kiệt là công trình ở "đất vàng", chỉ cách Hồ Gươm vài trăm mét với diện tích 2.300 m2. Dự án này được UBND thành phố quyết định giao đất từ năm 2019, nhưng đến nay, người dân đi qua khu vực này vẫn là dự án chậm tiến độ, quây tôn.
"Đề nghị cho biết dự án này cùng nhiều dự án khác được giám sát như thế nào khi đến nay vẫn chậm tiến độ, chưa triển khai và trách nhiệm của các đơn vị có liên quan như thế nào?", đại biểu Nguyễn Thanh Bình đặt câu hỏi.
Về dự án tại Lý Thường Kiệt, ông Dương Đức Tuấn cho hay, đã có Quyết định số 7509 năm 2015, giao khu đất hơn 2.254m2 cho Tập đoàn T&T.
Theo quy hoạch phân khu đô thị quận Hoàn Kiếm và khu vực phố Pháp cổ, chung cư cũ, công trình ở Lý Thường Kiệt chỉ cao 8 tầng. Tuy nhiên, đây là ô đất có vị trí quan trọng, chủ đầu tư có đề xuất xây dựng 14 tầng.
Sau khi xin ý kiến của các đơn vị có liên quan, Hà Nội dự kiến 2 phương án xây dựng tại dự án này. Phương án 1, nếu đáp ứng các quy định hiện hành thì có thể xây tòa nhà cao 8 tầng. Phương án 2, xem xét đồ án thiết kế đô thị trên phố Lý Thường Kiệt để quyết định phương án quy hoạch cho phù hợp với thực tiễn.
"Bộ Xây dựng và Hà Nội đã thỏa thuận đây là khu vực có điểm nhấn, nhưng cũng thống nhất dự án này không dùng để ở", ông Dương Đức Tuấn cho biết.