Hà Nội giãn cách xã hội theo cách có chủ đích nhưng phải thật nghiêm khắc
(VOVTV) - Chỉ còn 3 ngày nữa, Hà Nội dự kiến sẽ kết thúc đợt giãn cách xã hội thứ 3. Tuy nhiên, trong thời gian qua, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến rất phức tạp. Dư luận đặt câu hỏi, Hà Nội sẽ áp dụng giãn cách như thế nào sau thời điểm này?
Trong đợt dịch thứ 4, từ 27/4 đến nay, 30/30 quận, huyện, thị xã của Hà Nội đều ghi nhận ca mắc mới. Hiện, thành phố có 6 ổ dịch phức tạp với những chuỗi lây nhiễm mới phát hiện đều ghi nhận lượng bệnh nhân lớn. Một số chuỗi lây nhiễm khác đã phát hiện thời gian khá lâu nhưng vẫn rải rác có thêm ca bệnh. Điều này chứng tỏ việc giãn cách xã hội chưa bền vững. Số lượng người dân ra đường rất đông, chưa thực hiện tốt các nguyên tắc phòng, chống dịch cũng là nguyên nhân dẫn đến Hà Nội vẫn có ca mới, len lỏi.
Ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho rằng: “Những ngày trước cũng như những ngày sau nếu giãn cách được như ngày 2/9 thì có thể khống chế sự lây nhiễm. Tuy nhiên, thực giãn cách của Hà Nội chưa đạt được yêu cầu đặt ra. Cho nên vẫn có tình trạng F0 đã trở thành bệnh nhân mà vẫn đi lại. Từ đó trở thành đối tượng lây nhiễm rộng trong cộng đồng. Từ nay đến 6/9, nếu người dân không thực hiện tốt nữa thì việc giãn cách sẽ có khả năng thực hiện thêm”.
Theo nhận định của UBND TP Hà Nội, nếu kéo dài giãn cách xã hội sẽ gây nhiều hệ lụy tác động tới nền kinh tế, xã hội. Trên cơ sở đó, sau đợt giãn cách thứ 3, Hà Nội tiếp tục giãn cách ở "vùng đỏ" và điều chỉnh các biện pháp cao hơn nguyên tắc Chỉ thị 15 với vùng cam và vùng xanh. Đây là nội dung quan trọng trong thông báo kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19, ban hành ngày 1/9.
Theo đó, các khu vực có nguy cơ rất cao "vùng đỏ" tiếp tục thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo mức cao hơn Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ với nguyên tắc "ai ở đâu ở đó" để khoanh vùng, truy vết, xử lý, dập dịch triệt để; tại các khu vực nguy cơ cao "vùng cam" và nguy cơ thấp hơn "vùng xanh" điều chỉnh các biện pháp ở mức cao hơn nguyên tắc Chỉ thị số 15/CT-TTg (15+) của Thủ tướng Chính phủ để tổ chức phục hồi sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ các khu vực "vùng đỏ", bảo đảm khoa học, kiểm soát chặt chẽ, phù hợp với tình hình dịch bệnh tại địa phương.
Đánh giá về các phương án thực hiện giãn cách xã hội của Hà Nội sẽ triển khai sau ngày 6/9 tới, Giáo sư Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện huyết học và Truyền máu trung ương nhận định, thành phố cần có những giải pháp phù hợp hơn với thực tế, đồng thời, đánh giá các yếu tố như số ca bệnh, tính chất phức tạp của các ổ dịch, trong đó nên nới lỏng giãn cách các vùng xanh. Song những vùng nguy cơ cao vẫn phải tiếp tục thực hiện giãn cách, thậm chí phải áp dụng các biện pháp mạnh hơn, kể cả phong tỏa.
“Cần tiếp tục thực hiện 5K, không được lơ là 5K; Thực hiện việc giãn cách xã hội theo cách có chủ đích nhưng phải thật nghiêm khắc. Đối với những vùng có F0 thì dứt khoát phải phong tỏa, tùy theo mức độ mà quyết định phong tỏa nhưng phong tỏa gọn. Cùng với đó, phải tìm mọi cách thúc đẩy việc tiêm chủng vaccine nhanh hơn, nhiều hơn, đặc biệt là ưu tiên cho những đối tượng tiếp xúc nhiều, trực tiếp chống dịch, trực tiếp sản xuất. Mấy biện pháp đó rất cần sự đồng lòng, quyết tâm và chấp hành của nhân dân”, Giáo sư Nguyễn Anh Trí cho biết.
Người đứng đầu thành phố Hà Nội yêu cầu các lực lượng chức năng phải quyết tâm chiến thắng dịch bệnh cao nhất với phương châm "khóa nhanh, xóa gọn vùng đỏ, mở rộng, bảo vệ vững chắc vùng xanh". Trước hết, Hà Nội yêu cầu rút kinh nghiệm, chấn chỉnh ngay những tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống dịch trên địa bàn và tại các đơn vị; rà soát, khắc phục ngay hạn chế, bất cập trong công tác phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Cụ thể là quản lý chặt chẽ và thực hiện nghiêm quy định giãn cách xã hội theo nguyên tắc chỉ các cá nhân, phương tiện "được phép mới ra đường", "ai ở đâu thì ở đó", "người ở vùng nào thì ở vùng đó".
Còn ông Khổng Minh Tuấn thì nhấn mạnh, nếu những ngày tới người dân tuân thủ giãn cách xã hội tuyệt đối thì số lượng F0 trong cộng đồng sẽ giảm dần: “Nếu chúng ta giãn cách theo đúng quy định giãn cách, đó là người với người, nhà với nhà, xã với xã, huyện với huyện thì mới cắt đứt được lây nhiễm, còn nếu không, khi có F0 di chuyển ngoài đường nghĩa là tạo ra nguy cơ lây nhiễm, nó không chỉ ở một địa điểm mà sẽ lây nhiễm nhiều nơi, nhiều địa điểm. Do vậy, ý thức của người dân, sự chấp hành của người dân là hết sức quan trọng chứ không phụ thuộc vào chính quyền, không phụ thuộc vào y tế”.
Tin nổi bật
Tin Video