Lăng kính

Hà Nội: Giải pháp nào cho tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo?

(VOVTV) - Cứ sau một đợt giải phóng mặt bằng để phục vụ dự án làm đường, những căn nhà siêu mỏng, siêu méo lại xuất hiện tại Hà Nội, khiến cho bộ mặt đô thị tuy đẹp đường nhưng lại nhếch nhác phố. Nguyên nhân do đâu khiến các ngôi nhà siêu méo, mỏng với mọi loại hình thù vẫn xuất hiện trên các tuyến đường mới mở rộng tại Thủ đô?

Tác giả Thế Hùng – Chí Phương
09/04/2023 22:25

Dự án đường nối Khu đô thị Đồng Tàu - Tam Trinh nối với cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ dài 1,9 km, mặt cắt ngang 30 m, được khởi công năm 2019, dự kiến hoàn thành tháng 7/2023. Khi triển khai dự án, hàng trăm căn nhà hai bên đường phải lùi sâu để bàn giao mặt bằng, do đó, hình thành nhiều ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo với nhiều loại hình thù từ tam giác đến ngũ giác….

Tương tự, đoạn đường Trường Chinh, Đại La, sau khi mở rộng cũng xuất hiện không ít những ngôi nhà siêu mỏng ngay sát mặt đường to đẹp.

Dẫu biết những ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo sẽ làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Nhưng thực tế cho thấy, nhiều năm nay, cứ khi nào Hà Nội mở đường là lại xuất hiện những ngôi nhà siêu mỏng như thế này mà chưa hề có hướng giải quyết triệt để. 

Theo các chuyên gia đô thị, vấn đề này xảy ra là do việc quy hoạch tổng thể chưa thực sự tốt cũng như sự đồng bộ từ các đơn vị liên quan chưa có cái nhìn chung, khiến cho tình trạng này diễn ra từ năm này qua năm khác.

Cũng theo các chuyên gia, để bộ mặt đô thị văn minh, hiện đại, chặn được từ gốc hiện tượng nhà siêu mỏng, siêu méo nhất thiết phải có "dự án thứ hai" thực hiện song song với quy hoạch mở đường để giải quyết những phần đất quá nhỏ còn lại sau mở đường. Chúng ta cũng cần học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển, mở rộng phạm vi, diện tích thu hồi hai bên đường khi thực hiện quy hoạch./. 

Ý kiến của bạn