Hà Nội: F0 điều trị tại nhà như thế nào?
(VOVTV) - Sở Y tế Hà Nội vừa có hướng dẫn quản lý, điều trị và chăm sóc người bệnh Covid-19 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ tại nhà.
Điều kiện để F0 được điều trị tại nhà
Theo đó, đối tượng quản lý tại nhà (F0) là người có kết quả xét nghiệm RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 dương tính. Mức độ lâm sàng gồm: Không triệu chứng hoặc triệu chứng mức độ nhẹ là sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau mỏi cơ khớp, giảm vị giác, khứu giác…; SpO2 bằng hoặc trên 96%, nhịp thở dưới hoặc bằng 20 lần/phút. Tuổi bằng hoặc trên 3 tháng và dưới hoặc bằng 49 tuổi.
Ngoài ra, đối tượng F0 này chưa phát hiện bệnh lý nền, đã tiêm đủ liều vaccine, không mang thai. Những F0 điều trị tại nhà có khả năng tự chăm sóc bản thân gồm tự ăn uống, giặt quần áo, vệ sinh cá nhân…, biết cách đo thân nhiệt; có khả năng liên lạc với nhân viên y tế, tự dùng thuốc theo đơn thuốc của bác sĩ.
Chú ý khi điều trị tại nhà
Khi điều trị tại nhà, các F0 cần lưu số điện thoại đường dây nóng phòng, chống dịch và số điện thoại của nhân viên y tế được phân công hỗ trợ theo dõi sức khỏe. Thống nhất với cả gia đình về vùng không gian dành riêng cho người nhiễm.
Đồng thời, chuẩn bị các vật dụng tối thiểu như khẩu trang y tế dùng 1 lần, găng tay y tế, dung dịch sát khuẩn tay/xà phòng, dụng cụ cá nhân gồm bàn chải đánh răng, khăn tắm, khăn mặt, chậu tắm - giặt, bộ đồ dùng ăn uống, xà phòng (tắm, giặt), máy giặt (nếu có), dụng cụ phơi, sấy trang phục cá nhân.
Ngoài ra cần có nhiệt kế, máy đo độ bão hòa ô xy đầu ngón tay (SpO2), máy đo huyết áp, thùng rác thải y tế, túi thuốc điều trị tại nhà và đặc biệt phải có người thân chăm sóc.
Đối tượng F0 không được tự ý rời phòng cách ly trong suốt thời gian cách ly. Đồng thời, họ không sử dụng chung vật dụng với người khác, không ăn uống cùng người khác, không tiếp xúc gần với người khác hoặc vật nuôi. Trường hợp cần có người chăm sóc, người chăm sóc phải đeo khẩu trang, kính chắn giọt bắn, vệ sinh tay trước và khi chăm sóc.
Thông báo ngay với nhân viên y tế nếu có một trong 8 dấu hiệu:
Khó thở, thở hụt hơi, hoặc ở trẻ em có dấu hiệu thở bất thường: thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, khò khè, thở rít thì hít vào
Nhịp thở tăng: Người lớn nhịp thở >21 lần/phút; Trẻ từ đến dưới 5 tuổi nhịp thở: ≥40 lần/phút; Trẻ từ 5- dưới 12 tuổi: nhịp thở ≥ 30 lần/phút.
SpO2 < 96%; mạch nhanh > 120 nhịp/phút hoặc dưới 50 lần/phút; Huyết áp thấp: huyết áp tối đa < 90 mmHg, huyết áp tối thiểu < 60 mmHg.
Đau tức ngực thường xuyên, cảm giác bó thắt ngực, đau tăng khi hít sâu.
Thay đổi ý thức: Lú lẫn, ngủ rũ, lơ mơ, rất mệt/mệt lả, trẻ quấy khóc, li bì khó đánh thức, co giật.
Tím môi, tím đầu móng tay, móng chân, da xanh, môi nhợt, lạnh đầu ngón tay, ngón chân.
Không thể uống. Trẻ em bú kém/giảm, ăn kém, nôn.
Trẻ có biểu hiện: Sốt cao, đỏ mắt, môi đỏ, lưỡi đỏ, ngón tay chân sưng phù nổi ban đỏ, nốt hoặc mảng xuất huyết...
Trong trường hợp có các triệu chứng đơn giản như sốt trên 38,5°C hoặc đau đầu, đau người nhiều thì đối với người lớn, uống mỗi lần 1 viên thuốc hạ sốt như paracetamol 0,5g, có thể lặp lại mỗi 4-6h, ngày không quá 4 viên, uống oresol nếu uống kém/giảm hoặc có thể dùng uống thay nước. Đối với trẻ em nếu sốt trên 38,5°C, uống thuốc hạ sốt như paracetamol liều 10-15mg/kg/lần, có thể lặp lại mỗi 4-6 giờ, ngày không quá 4 lần.
Nếu sau khi dùng thuốc hạ sốt 2 lần không đỡ, thông báo ngay cho nhân viên y tế quản lý người nhiễm COVID-19 tại nhà để xử lý.
Tin nổi bật
Tin Video