Tin tức

Hà Nội đề xuất tăng tiêu chuẩn từ 45 lên thành 50 học sinh/lớp

Sở GD&ĐT đề xuất Bộ GD&ĐT cho phép tăng số học sinh/lớp (từ 45 lên thành 50 học sinh/lớp) nhằm tháo gỡ những khó khăn cho tuyển sinh lớp 10.

09/10/2023 18:17

Đề xuất trên được đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội nêu lên tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ GD&ĐT do Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng làm trưởng đoàn kiểm tra công tác tổ chức thực hiện nhiệm vụ đầu năm học 2023 - 2024, sáng nay (9/10).

Sở GD&ĐT Hà Nội nêu thực trạng, hiện thành phố có hơn 2.800 trường học với hơn 2,2 triệu học sinh, gần 115.000 giáo viên. Tuy nhiên, do tốc độ đô thị hóa nhanh, thành phố Hà Nội xảy ra hiện tượng quá tải trường, lớp học, nhất là ở các trường học thuộc khu vực nội thành. Ở một số địa bàn, sĩ số học sinh/lớp, số lớp/trường vượt quá quy định, một số nơi thiếu trường công lập, đặc biệt với bậc THPT.

Hà Nội đề xuất tăng tiêu chuẩn từ 45 lên thành 50 học sinh/lớp - Ảnh 1.

Quá tải sĩ số, Hà Nội xin tăng từ 45 lên thành 50 học sinh/lớp. (Ảnh minh hoạ: GDTĐ)

Do vậy, Sở GD&ĐT đề nghị Bộ GD&ĐT nghiên cứu, tháo gỡ khó khăn, cho phép áp dụng cơ chế đặc thù trong công tác tuyển sinh lớp 10 các trường công lập tại các quận và một số địa bàn huyện giáp ranh khu vực nội thành. Việc này nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của học sinh trong bối cảnh quy mô học sinh trong độ tuổi tuyển sinh trên địa bàn thành phố hằng năm tăng nhanh.

Cụ thể, Sở đề xuất Bộ GD&ĐT cho phép tăng 10% số lớp/trường (từ 45 lớp/trường thành 50 lớp/trường, vượt 5 lớp/trường). Cùng với đó, Sở đề xuất Bộ cho phép tăng sĩ số thêm 10% số học sinh/lớp (từ 45 học sinh/lớp thành 50 học sinh/lớp, vượt 5 học sinh/lớp) và cho phép áp dụng thay diện tích đất/học sinh bằng diện tích sử dụng/học sinh.

Đề xuất này được đưa ra trong bối cảnh, hiện tỷ lệ bình quân học sinh/lớp ở cấp THPT là 40,7. Ở mỗi địa bàn, tỷ lệ học sinh/lớp có sự khác biệt, đặc biệt là các trường tại các quận trung tâm, nơi có mật độ dân cư cao hiện nay, đều đang phải chịu áp lực rất lớn từ số lượng học sinh trên mỗi lớp.

Một số quận có tỷ lệ bình quân học sinh/lớp cao hơn mức trung bình của toàn thành phố, như: Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Xuân.

Trước đó, tại Hội nghị Tổng kết năm học 2022 - 2023 diễn ra hôm 18/8 của Bộ GD&ĐT, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà cũng thông tin, mỗi năm thành phố tăng khoảng 50.000-60.000 học sinh, tương ứng với 30-40 trường học. Nội thành "không còn đất", việc xây trường mới ở ngoại thành cũng cần thời gian.

Trong khi đó, theo thông tư 18 năm 2018 của Bộ, để đạt chuẩn quốc gia, các trường phải đạt diện tích tối thiểu 6 m2/học sinh (áp dụng với nội thành) và 10 m2/học sinh (ngoại thành). Diện tích khu sân chơi, bãi tập chiếm ít nhất 25% tổng diện tích sử dụng của trường.

Vì vậy, bà Hà kiến nghị Hà Nội được hưởng cơ chế đặc thù, gồm thay đổi tiêu chí đánh giá từ diện tích đất/học sinh sang diện tích sàn/học sinh; các trường trong khu vực nội thành được nâng tầng và xây thêm tầng hầm.

"Việc này để khai thác, sử dụng quỹ đất hiệu quả hơn, đáp ứng số lượng học sinh lớn", bà Hà nói. Theo các quy định hiện nay, trường học ở Hà Nội xây dựng không quá 5 tầng. Trong đó, phòng học chỉ được phép bố trí từ tầng 4 trở xuống.

Ý kiến của bạn