Hà Nội đã chọn được phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo?
Theo phương án thiết kế, cầu Trần Hưng Đạo dài 900m với kết cấu vòm, hai đường cong tiếp xúc nhau, lặp lại 6 nhịp, tạo biểu tượng về không gian và thời gian.
UBND TP Hà Nội chọn phương án cầu Trần Hưng Đạo với kết cấu vòm, hai đường cong tiếp xúc nhau, lặp lại 6 nhịp, tạo biểu tượng về không gian và thời gian.
Theo lãnh đạo TP Hà Nội, phương án kiến trúc này đoạt giải nhất cuộc thi tuyển chọn kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội (chủ đầu tư) phối hợp với Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức hồi tháng 10/2021.
"Dù trong cuộc họp của Ban Thường vụ Thành uỷ, 100% đại biểu đã thống nhất chọn phương án kiến trúc nói trên, song hiện vẫn phải chờ quyết định của UBND TP Hà Nội, sau đó mới công bố rộng rãi tới người dân", vị lãnh đạo này cho biết thêm.
Theo phương án được lựa chọn, cầu chính dài 900m, gồm 6 nhịp, tổng chiều dài cầu và đường dẫn hai đầu khoảng 5,5 km, qua các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Long Biên.
Đơn vị thiết kế từng giải thích, phương án kiến trúc cầu lấy cảm hứng từ sự giao thoa giữa Hà Nội cổ kính và Hà Nội hiện đại hai bên bờ sông Hồng thông qua hình ảnh những làn sóng uốn lượn trên vòm cầu, tạo nên những vòng kết nối vô tận.
Cầu gồm hai chiều, mỗi chiều hai làn xe cơ giới và một làn xe hỗn hợp. Ngoài ra, các khoảng không được tận dụng bố trí làn xe đạp tại vị trí sát vành vòm. Phần đường dành cho người đi bộ nằm ngoài vành vòm.
Đầu cầu có đường lên xuống cho người đi bộ. Trụ cầu có các đài vọng cảnh phục vụ nhu cầu ngắm cảnh của người dân và tạo điểm nhấn kết cấu. Hai đầu cầu có công viên phục vụ người dân vui chơi, giải trí.
Theo phương án đưa ra, hệ thống giao thông được thiết kế kết nối với tất cả các hướng nhưng không làm ảnh hưởng đến công trình hiện hữu tại vị trí cầu dẫn.
Bên cạnh đó, để phục vụ tiềm năng phát triển du lịch, ở hai bên đầu cầu được bố trí lối dẫn phù hợp với việc quy hoạch công viên cây xanh trong tương lai; tạo thành một địa điểm có thể tổ chức các hoạt động văn hóa, hoạt động cộng đồng.
Dự kiến công trình được thực hiện trong hơn 3 năm, hoàn thành vào quý II/2025. Tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 8.700 tỷ đồng.
Cầu Trần Hưng Đạo nằm khoảng giữa cầu Chương Dương và Vĩnh Tuy. Phía nam cầu kết nối vào đường Trần Hưng Đạo tại điểm giáp ranh hai quận Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng.
Ở phía bắc, cầu đi qua bãi sông Hồng, men theo rìa phía tây khu vực sân bay Gia Lâm, tới nút giao quy hoạch với đường Nguyễn Văn Linh (quốc lộ 5A). Điểm đầu tại ngã năm Trần Hưng Đạo - Trần Thánh Tông - Lê Thánh Tông, điểm cuối tại điểm giao với đường Vũ Đức Thuận.
Trước đó tháng 8/2021, Hội đồng tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo đã đánh giá, xếp hạng 3 phương án kiến trúc cầu do TEDI (Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải) nghiên cứu.
Tuy nhiên cả 3 phương án gây ý kiến trái chiều. Một số chuyên gia cho rằng các thiết kế "chắp vá, sao chép", đề nghị tổ chức thi tuyển phương án thiết kế theo Luật Kiến trúc.
Tháng 10/2021, UBND TP Hà Nội giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông phối hợp với Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo.
Sau hơn hai tháng tổ chức sơ tuyển, Ban tổ chức nhận được 20 phương án thi tuyển của 12 đơn vị tư vấn, thiết kế trong và ngoài nước đủ điều kiện chấm điểm, trao giải. Trong đó, 3 phương án được Hội đồng chọn để đề xuất thành phố chấp thuận, trao giải Nhất, Nhì và Ba.
Theo quy hoạch giao thông TP Hà Nội được Thủ tướng phê duyệt, có 14 cây cầu bắc qua sông Hồng, hiện thành phố đã làm được 7 cầu.
Tin nổi bật
Tin Video