Hà Nội cho phép tổ chức lễ hội Tết Nguyên đán giữa đại dịch, nên hay không?
Trước động thái Hà Nội cho phép các cơ quan liên quan tổ chức lễ hội Tết Nguyên đán đúng quy định nhưng phải đảm bảo biện pháp phòng chống dịch, một số chuyên gia đã bày tỏ sự không đồng tình.
Chia sẻ quan điểm với PV Dân trí về việc Hà Nội giao Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo tổ chức các lễ hội đúng quy định trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng - Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội, cho rằng điều này là "không nên".
Theo PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, khi thấy lễ hội được tổ chức sẽ xảy ra hiện tượng tập trung đông người sẽ gây khó khăn, tạo áp lực cho các cơ quan liên quan trong việc kiểm soát, đảm bảo quy định phòng chống dịch.
Đặc biệt, trong bối cảnh Hà Nội đang ghi nhận gần 2.000 ca mắc mỗi ngày, cùng với việc xuất hiện biến chủng Omicron thì thành phố nên xem xét lại, nên hạn chế hoạt động lễ hội trong dịp Tết Nguyên đán.
Bên cạnh đó, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng cũng lưu ý, việc tổ chức lễ hội không đơn thuần chỉ "gói gọn" với người cùng làng, cùng xã mà người dân tứ xứ cũng có thể kéo đến.
"Khi lễ hội được tổ chức thì chính quyền sở tại không thể cấm người ở nơi khác đến địa phương mình được. Khi đó sẽ xảy ra nguy cơ dịch xâm nhập vào "vùng xanh", lan rộng ra khắp nơi. Vì vậy, tôi thấy hoạt động lễ hội trong bối cảnh hiện tại là không quá cần thiết hoặc nếu có tổ chức thì chỉ tổ chức phần lễ trong nội bộ địa phương để duy trì phong tục tập quán, riêng phần hội thì nên hạn chế, không nên tổ chức các hoạt động, các trò chơi dân gian" - ông Hùng bày tỏ.
Nêu quan điểm về việc ra chỉ thị "chung chung" nói về tổ chức các lễ hội dịp Tết Nguyên đán, PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cho rằng, thành phố cần cân nhắc kỹ và có quy định cụ thể hơn đối với hoạt động này để các địa phương căn cứ vào tình hình thực tiễn để triển khai.
"Hiện tình hình dịch đang rất phức tạp, Hà Nội nên hạn chế các hoạt động tập trung đông người, hoạt động trong môi trường kín… và việc tổ chức lễ hội dịp Tết là một trong những yếu tố nguy cơ khiến dịch bệnh lây lan" - ông Phu nói.
Trước đó, Hà Nội ban hành Chỉ thị số 26 về việc tổ chức phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 yêu cầu các Sở, ngành, địa phương căn cứ thẩm quyền, chức năng được giao thực hiện các hoạt động nhằm đảm bảo để nhân dân đón Xuân mới vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm với phương châm "mọi người, mọi nhà đều có Tết".
Đối với Sở Văn hóa và Thể thao, ngoài việc tổ chức thực hiện các hoạt động tuyên truyền, văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao kỷ niệm 92 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; mừng Xuân mới Nhâm Dần 2022 thì tiếp tục phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo tổ chức các lễ hội đúng quy định, đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch.
Đối với Sở Y tế, Hà Nội giao Sở này chủ trì, phối hợp với UBND các địa phương và đơn vị liên quan tăng cường phòng, chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh có nguy cơ bùng phát trong thời gian giao mùa Đông - Xuân; đảm bảo tuyệt đối an toàn các hoạt động lễ hội, tập trung đông người; có phương án, kịch bản đáp ứng phòng, chống dịch bệnh.
Đáng chú ý, mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh vừa ký ban hành Chỉ thị số 35 ngày 31/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương hướng dẫn các địa phương tạm dừng tổ chức các loại hình lễ hội và bắn pháo hoa nổ trong dịp Tết Nguyên đán.
Thủ tướng cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tạm dừng tổ chức các loại hình lễ hội và bắn pháo hoa nổ trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần; dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết…