Tin tức

Hà Nội cần nới lỏng một số dịch vụ?

Một số cửa hàng dịch vụ, kinh doanh tại Hà Nội có nguyện vọng mở cửa trở lại, cam kết đảm bảo điều kiện phòng chống Covid-19.

15/06/2021 08:32

Ngày 25/5, UBND TP Hà Nội yêu cầu một số cơ sở kinh doanh dịch vụ tạm dừng hoạt động nhằm phục vụ công tác phòng chống Covid-19. Theo đó, hàng loạt cửa hàng ăn uống tại chỗ, phòng gym, tiệm cắt tóc... phải đóng cửa hoặc chuyển sang hình thức bán mang về, cung cấp dịch vụ online.

Thời gian gần đây, nhận thấy tình hình dịch bệnh có dấu hiệu chuyển biến tích cực, một số cơ sở kinh doanh, người dân cho rằng đã đến lúc Hà Nội cần nới lỏng các loại hình dịch vụ, đồng thời đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch.

Theo ghi nhận của Zing, ngành hàng ăn uống là một trong những loại hình dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề kể từ chỉ thị của thành phố. Trên các tuyến phố và trung tâm thương mại, có thể dễ dàng bắt gặp khung cảnh ảm đạm, "cửa đóng then cài" của nhiều chuỗi đồ ăn, uống nổi tiếng.

Hà Nội cần nới lỏng một số dịch vụ? - Ảnh 1.

Một số cửa hàng không thể áp dụng hình thức bán mang về đành chấp nhận đóng cửa. Ảnh: Nhật Sinh

Doanh thu giảm đến 90%

Đối với các hộ kinh doanh cá thể tại Hà Nội, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, việc chuyển đổi hình thức sang bán mang về, đồng thời đẩy mạnh doanh số gọi đồ thông qua ứng dụng giao hàng đã quá quen thuộc.

Song, hình thức bán mang về chỉ là giải pháp tình thế. Thực tế, không phải cửa hàng nào cũng thành công trong việc duy trì hoạt động kinh doanh mùa dịch nhờ mô hình bán mang về, đặc biệt đối với các hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống truyền thống.

Gần một tháng nay, quán cà phê góc phố giao giữa Lò Đúc - Lê Văn Hưu của chị Bích Phượng (43 tuổi) phải dừng hoạt động. Tuy cửa hàng có vị trí đắc địa, thuộc khu vực trung tâm, chị Phượng vẫn quyết định đóng cửa thay vì lựa chọn phương án bán mang về như một số nơi khác.

“Cửa hàng chủ yếu phục vụ đối tượng trung niên và người lớn tuổi, hầu hết họ là khách quen. Danh mục đồ uống của quán cũng không quá nổi bật nên hiếm ai có nhu cầu đặt mua về”, chị Phượng cho biết.

Khách hàng quanh khu vực này chủ yếu là nhân viên văn phòng, họ thường có xu hướng ưa chuộng các loại thức uống như trà sữa, nước ép trái cây thay vì cà phê truyền thống.

Hà Nội cần nới lỏng một số dịch vụ? - Ảnh 2.

Nhiều hội viên lựa chọn mô hình tập online để duy trì sức khỏe. Ảnh: GymHaus

Trong những đợt thành phố yêu cầu tạm dừng hoạt động trước đó, cửa hàng chị đã có thời gian thử nghiệm mô hình bán mang về. Tuy nhiên, doanh thu cửa hàng đều ghi nhận ở mức thất vọng, giảm đến 90% so với thông thường. Doanh thu không đủ bù lỗ, chi phí kinh doanh. Theo chị, tạm ngừng hoạt động là giải pháp an toàn nhất thời điểm này.

Nhờ sở hữu mặt bằng riêng, chị Phượng không phải chịu áp lực từ chi phí thuê cửa hàng. Mặc dù vậy, do mất đi nguồn thu nhập chính, gia đình chị Phượng đến nay vẫn phải sống dựa vào các khoản tiền tiết kiệm trước đó.

Trao đổi với Zing, Lê Hằng, chủ một phòng gym trên phố Thi Sách (quận Hai Bà Trưng), cho biết đây không phải lần đầu tiên cơ sở kinh doanh của chị phải đóng cửa vì những ảnh hưởng của Covid-19.

“Doanh thu của chúng tôi tháng 5 vừa rồi giảm hơn 70%. Tuy nhiên so với cùng kỳ năm ngoái, kết quả kinh doanh của phòng được cải thiện nhiều nhờ cung cấp thêm dịch vụ tập online”, chị nhận định.

Bán online chỉ để cầm cự

Nhằm duy trì hoạt động kinh doanh, chị Hằng bắt buộc phải đẩy mạnh các loại hình quảng bá, sản xuất nội dung trên mạng xã hội với hy vọng truyền thông tới khách hàng mô hình tập luyện mới. Bên cạnh đó, phòng tập của chị bắt đầu tung ra nhiều gói tập cùng huấn luyện viên cá nhân từ xa hay các lớp tập nhóm trực tuyến.

“Kết quả doanh thu mặc dù không thể so sánh với tập luyện tại chỗ nhưng cũng đủ để bù đắp các chi phí về nhân sự, vận hành, đảm bảo dòng tiền của công ty ở mức lành mạnh. Nhưng dù thế nào, các hoạt động online trong kinh doanh phòng gym cũng khó có thể thay thế toàn bộ mà chỉ mang tính chất duy trì”, chị Hằng cho biết.

Tập luyện là nhu cầu được nhiều người dân quan tâm trong mùa dịch. Hầu hết khách hàng của chị đón nhận tích cực các loại hình tập luyện online. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể làm quen với việc tập luyện tại nhà. Hiện tại, chỉ 50% hội viên của phòng lựa chọn việc duy trì tập online trong giai đoạn dịch.

Việc tạm đóng cửa kinh doanh ít nhiều tác động đến thu nhập của nhân viên. Bên cạnh đó, việc xin hỗ trợ tiền thuê nhà cũng không phải câu chuyện đơn giản.

Hà Nội cần nới lỏng một số dịch vụ? - Ảnh 3.

Các cơ sở kinh doanh trên địa bàn Hà Nội đáp ứng đầy đủ yêu cầu về phòng chống dịch nên được tạo điều kiện mở cửa trở lại. Ảnh: Nhật Sinh

Đối với Minh Trí, chủ tiệm cắt tóc trên phố Hàng Bè (quận Hoàn Kiếm), để chi trả số tiền thuê cửa hàng hơn 7 triệu đồng mỗi tháng, anh và đồng nghiệp đã thay đổi hoàn toàn cách cung cấp dịch vụ.

Thay vì phục vụ trực tiếp tại cửa hàng, Trí nhận cắt tóc tại nhà cho khách. “Trung bình mỗi ngày tôi di chuyển từ 30-40 km, phục vụ tầm 3-4 khách hàng, doanh thu chỉ đủ sống và trả tiền thuê mặt bằng. Trước dịch, mỗi ngày cửa hàng tôi đón gần 20 khách”, Trí chia sẻ.

Nếu Hà Nội kéo dài lệnh tạm đóng cửa các dịch vụ như cắt tóc, Trí cho biết anh sẽ phải tính tới trường hợp dừng hợp đồng thuê nhà trong tương lai, coi như giảm bớt một khoản chi.

Mở lại có chọn lọc

Chia sẻ với Zing, các cơ sở kinh doanh tin rằng đây là thời điểm phù hợp để chính quyền thành phố nới lỏng một số dịch vụ. Nếu tiếp tục kéo dài thời gian đóng cửa, không chỉ doanh nghiệp, các hộ kinh doanh nhỏ lẻ và người dân sẽ phải đối mặt thêm nhiều thiệt hại về kinh tế.

Tuy nhiên quan trọng nhất, để quay trở lại hoạt động kinh doanh như bình thường, các cửa hàng đều cam kết đảm bảo, đáp ứng nghiêm ngặt yêu cầu phòng chống dịch như giữ khoảng cách, thông điệp 5K…

Theo chị Hằng, nhu cầu tập thể dục của người dân trên địa bàn thành phố rất lớn, việc tụ tập đông người ở nơi công cộng như công viên, vườn hoa có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro lây lan dịch bệnh. Do đó, các hoạt động nếu có thể kiểm soát mật độ giãn cách, vệ sinh dịch tễ nên được phép mở lại.

“Trong trường hợp dịch bệnh kéo dài, chính quyền thành phố cần có phương án tạo điều kiện cho các đơn vị kinh doanh mở cửa trở lại theo nguyên tắc quản lý mật độ người trên mặt sàn, đảm bảo vệ sinh an toàn phòng dịch”, chị Hằng chia sẻ.

Còn theo chị Phượng, chủ quán cà phê, để giải quyết bài toán vừa mở cửa, vừa chống dịch trong tương lai, chị hy vọng các cơ quan quản lý đưa ra bộ nguyên tắc, yêu cầu phòng chống dịch riêng cho những hộ kinh doanh dịch vụ thuộc diện cần tạm dừng đóng cửa.

“Thời buổi kinh doanh hiện giờ rất khó khăn. Việc đảm bảo an toàn trước tình hình dịch bệnh là điều cấp thiết, song các hộ kinh doanh rất khó duy trì hoạt động nếu thành phố không sớm nới lỏng một số dịch vụ và đưa ra giải pháp gỡ rối lâu dài”, chị Phượng nhận định.

Liên quan đến lộ trình nới lỏng một số hoạt động thiết yếu trên địa bàn thành phố Hà Nội, ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc CDC Hà Nội cho biết, tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố cơ bản được kiểm soát.

Do đó, CDC Hà Nội sẽ căn cứ vào tình hình dịch bệnh để xin ý kiến của các chuyên gia và đưa ra đề xuất với UBND TP Hà Nội. Tuy nhiên, theo ông Tuấn, việc nới lỏng hoạt động không phải tất cả. Một số hoạt động cần ưu tiên như quán ăn, chợ dân sinh, dịch vụ cắt tóc. Riêng các cửa hàng ăn uống, dịch vụ cắt tóc trong nhà vẫn phải đảm bảo giãn cách xã hội. Dịch vụ ăn uống, cafe, trà đá vỉa hè... chưa thể hoạt động trở lại.

Dòng sự kiện
Ý kiến của bạn