Giải trí

Hà Nội bảo thế là thường

(VOVTV) - Nếu có ai đó tìm đến “Hà Nội bảo thế là thường” để hoài niệm, thì chắc hẳn họ sẽ cảm thấy hụt hẫng trước những gì có được. Cuốn sách dù mang trong mình rất nhiều mảnh ghép quá khứ, nhưng lại được lắp ghép bởi một nhà văn tân thời tinh tế.

Tác giả PV / VOVTV
29/12/2020 00:14

Nhà văn Nguyễn Trương Quý từ lâu vẫn trung thành với tản văn, thể loại cho anh không gian để thỏa sức phóng bút theo ý thích của mình. Nhưng ở những cuốn gần đây, với kiến thức tích lũy nhiều năm, tản văn của Trương Quý trở nên giàu tính khảo cứu hơn và vì thế có một vẻ hấp dẫn mới. 

Những tác phẩm của Nguyễn Trương Quý giàu cảm xúc, nhưng không bao giờ chỉ là cảm xúc, nó là những quan sát, khảo sát, tỉ mỉ đến ngạc nhiên, những liên tưởng quá khứ và hiện tại hé lộ vốn kiến thức rộng rãi. Cùng lối viết thường chậm, chắc, ít màu mè, và luôn luôn trong rất nhiều trang viết một cái cười ý nhị phảng phất đó đây. 

Cuốn sách vừa phát hành của anh có tên "Hà Nội bảo thế là thường" khiến không ít độc giả tò mò đặt câu hỏi: "bảo thế" là bảo cái gì?

Hà Nội bảo thế là thường - Ảnh 1.

Đây là cuốn ghi chép của một người say mê Hà Nội

Tản văn gồm bốn phần, nói về bốn khía cạnh văn hóa: Ngõ sâu quán nhỏ (nếp sinh hoạt ăn uống), Quần manh áo mỏng (chuyện trang phục), Nhất tâm nhị tình (tâm tư người phố thị), Nhựa đường và gạch ngói (không gian phố xá). Ở mỗi khía cạnh, tác giả ghi lại những quan sát rất nhỏ ít ai để ý vì nó hiện hữu như lẽ thường tình và nhắc nhớ về nhiều điều cũ xưa.

Cuốn sách không còn bị bó hẹp trong khái niệm "cổ truyền" hay "chuẩn mực truyền thống" nữa, mà đã trở thành một Hà Nội chuyên chở cái xưa, bộc lộ cái nay theo cách thức mới mẻ và không kém phần thú vị. Và bao nhiêu cũ - mới, tiếp nối - đổi thay, dễ dãi - cầu kỳ ấy, quả thực đã được Nguyễn Trương Quý gói gọn trong câu nói nhẹ bẫng: "Hà Nội bảo thế là thường!"

Hà Nội bảo thế là thường - Ảnh 2.

Tản văn "Hà Nội bảo thế là thường" góp phần làm nên một định nghĩa về Hà Nội

Hà Nội là một không gian lịch sử quan trọng lâu đời. Tuy bây giờ Hà Nội đang chật ních ra vì nhà cao tầng, xe hơi, cầu vượt, bê tông lấn át cây xanh, và người Hà Nội sống tiện nghi đến tận răng, nhưng người ta vẫn thích nghĩ Hà Nội là mái ngói rêu phong, biệt thự pháp cổ, khu tập thể bao cấp cũ với tường vàng tróc lở, hàng cây sấu mùa lá rụng trên đường Trần Phú, lá lộc vừng đỏ Hồ Gươm mùa đông, những xe hoa, gánh hàng rong len lỏi các ngõ phố… 

Tuy bây giờ các món ngon Á Âu ở Hà Nội không thiếu thứ gì, nhưng người ta vẫn tha thiết với phở, bún ốc, người ta vẫn thổn thức vì một món ăn không đúng gia vị cần dùng… Tuy các quán cà phê sạch đẹp mọc lên như nấm như trà đá vỉa hè vẫn không khi nào vắng khách trừ dịp Covid-19… Tất cả những thứ nhỏ bé, sự quấn quýt với chúng, này làm nên cái riêng của Hà Nội. 

Phải sống với Hà Nội lâu lâu, đi vào các ngõ ngách đời sống mới thấy những điều hay hay, riêng riêng. Việc người Hà Nội một mặt sung sướng tận hưởng các tiện nghi của đô thị hiện đại nhưng mặt khác lại phản kháng nó trong thế giới tinh thần, chọn những thứ cũ xưa làm nhận diện bản sắc, đã giúp bảo tồn những đặc trưng riêng có.

"Hà Nội bảo thế là thường" giống như một lời tuyên bố cho đó là điều hiển nhiên, có sẵn trong nội tại, như một nét riêng của người Hà Nội. Sự "hiển nhiên" này giúp lưu giữ mạnh mẽ những giá trị, những đặc trưng, nho nhỏ thôi, nhưng để Hà Nội không lẫn với bất kỳ nơi nào khác, để Hà Nội dù trở nên hiện đại vẫn là một đô thị có hồn cốt riêng.



Ý kiến của bạn