Hà Nội ban hành các điều kiện để F0 được điều trị tại nhà
UBND TP Hà Nội vừa ban hành Phương án số 276/PA-UBND về cách ly, quản lý, theo dõi, khám và điều trị tại nhà đối với người mắc COVID-19.
Theo đó, đối tượng quản lý tại nhà là người mắc COVID-19 (được khẳng định dương tính bằng xét nghiệm RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên) không có triệu chứng lâm sàng, hoặc có triệu chứng lâm sàng ở mức độ nhẹ như: Sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ, tê lưỡi.
Người nhiễm không có các dấu hiệu của viêm phổi hoặc thiếu oxy, nhịp thở 20 lần/phút, SpO2>97% khi thở khí trời; Không có thở bất thường như thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, thở khò khè, thở rít ở thì hít vào.
Độ tuổi người mắc gồm: Trẻ em trên 3 tháng tuổi, người lớn dưới 49 tuổi và chưa phát hiện bệnh lý nền, đã tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19, sức khỏe chưa có dấu hiệu bất thường, không mang thai.
Khi người mắc COVID-19 (F0) có nguyện vọng được cách ly y tế tại nhà phải có đơn đăng ký gửi Ban chỉ đạo phòng, chống dịch xã, phường, thị trấn tại nơi cư trú; Qua quá trình thẩm định, ban chỉ đạo phòng, chống dịch xã, phường, thị trấn ban hành quyết định cách ly y tế tại nhà đối với các trường hợp F0.
Trách nhiệm quản lý người mắc COVID-19 tại nhà thuộc về ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn; Trạm y tế xã, phường, thị trấn; Trạm y tế lưu động; Trung tâm y tế quận, huyện, thị xã; Phòng khám và các cơ sở được phân công tham gia công tác quản lý người mắc COVID-19 tại nhà; Nhân viên tham gia công tác quản lý người mắc COVID-19 tại nhà (tổ COVID-19 cộng đồng, các tổ chức xã hội, đoàn thể...)
Trước cửa nhà người mắc COVID-19 phải có biển cảnh báo nền đỏ, chữ vàng: “Địa điểm cách ly y tế phòng, chống dịch Covid-19”; Phải có phòng cách ly riêng, khép kín và tách biệt với khu sinh hoạt chung của gia đình; Phòng cách ly phải đáp ứng các yêu cầu phải có nhà vệ sinh, nhà tắm dùng riêng, có đủ dụng cụ vệ sinh cá nhân, xà phòng rửa tay, nước sạch, dung dịch sát khuẩn tay chứa ít nhất 60% cồn; Có dụng cụ đo thân nhiệt cá nhân trong phòng; Không được dùng điều hòa trung tâm, có thể dùng điều hòa riêng; Bảo đảm thông thoáng khí, tốt nhất nên thường xuyên mở cửa sổ...
Người thực hiện cách ly y tế tại nhà phải chấp hành nghiêm các quy định về thời gian cách ly y tế tại nhà, có cam kết với chính quyền địa phương; Không ra khỏi phòng cách ly trong suốt thời gian cách ly, không tiếp xúc với người trong gia đình cũng như những người khác; Luôn thực hiện thông điệp “5K” và các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định; Không dùng chung các đồ dùng, vật dụng cá nhân với người trong cùng gia đình.
Sau khi hết thời gian cách ly, phải thực hiện tiếp việc tự theo dõi sức khỏe tại nhà theo quy định; Phải được lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 ít nhất 3 lần vào ngày thứ nhất, ngày thứ 7 và ngày thứ 14 kể từ khi bắt đầu cách ly…
Yêu cầu với người ở cùng nhà với F0 cách ly tại nhà không tiếp xúc với người cách ly, hạn chế đi ra ngoài khi không cần thiết, thực hiện thông điệp “5K” và phải ghi chép đầy đủ các mốc tiếp xúc trong thời gian có người cách ly tại nhà; Không cho người khác vào nhà trong suốt thời gian thực hiện cách ly y tế (trừ người ở cùng nhà, nhân viên y tế và người có thẩm quyền giám sát cách ly y tế); Tất cả người ở cùng nhà phải được lấy mẫu gộp xét nghiệm SARS-CoV-2 ít nhất 3 lần vào ngày thứ nhất, ngày thứ 7 và ngày thứ 14 kể từ khi người cách ly bắt đầu cách ly...
Cơ quan quản lý người mắc COVID-19 tại nhà (trạm y tế lưu động) hướng dẫn người mắc COVID-19 thực hiện tự theo dõi sức khỏe và điền thông tin vào phiếu theo dõi sức khỏe, 2 lần/ngày vào buổi sáng và buổi chiều hoặc khi có các dấu hiệu, triệu chứng cần chuyển viện cấp cứu, điều trị theo quy định.
Tin nổi bật
Tin Video